TP Quảng Ngãi: Nhiều cơ sở tái chế nhựa gây ô nhiễm môi trường
- Pháp luật
- 20:52 - 12/09/2018
Nằm giữa khu dân cư và cách trường học chưa đầy 50m, cơ sở kinh doanh, sản xuất ống nhựa Hưng Minh – Vĩnh Thạnh (tổ 18, phường Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi) đã xả trực tiếp nước thải, khí thải ra môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh. Ở công đoạn rửa, băm nhựa phế liệu để tạo hạt nhựa, dù phát sinh nhiều nước thải nguy hại, nhưng cơ sở này chỉ đưa nước thải qua bể lắng để lắng lọc hạt nhựa rồi xả thẳng ra môi trường.
Ở công đoạn làm nóng chảy nhựa đã tạo ra nhiều khí thải, với mùi hôi khó chịu, nhưng cơ sở chưa xây dựng được lò đốt khép kín, chưa có bất cứ biện pháp xử lý khí thải trước khi xả ra môi trường. Cơ sở này sản xuất sản phẩm ống nhựa dẻo dùng trong nông nghiệp, cũng như sinh hoạt, nhưng máy móc, quy trình sản xuất tại cơ sở rất thô sơ, chưa bóc tách, xử lý được hóa chất còn tồn đọng trong nguồn nguyên liệu đầu vào là nhựa phế liệu.
Các cơ sở tái chế nhựa ở Quảng Ngãi đang gây ô nhiễm nặng
Còn tại cơ sở tái chế nhựa của hộ gia đình ông Nguyễn Năng ở thôn 4, xã Nghĩa Dõng, TP.Quảng Ngãi dù chủ cơ sở cho biết nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, cơ sở tiến hành lắng lọc, xử lý trước khi cho chảy qua hệ thống ống dẫn ra cánh đồng cạnh nhà. Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra của Công an tỉnh vào cuối tháng 6.2018 đã xác định, cơ sở tái chế nhựa Nguyễn Năng trong quá trình hoạt động sản xuất đã có hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn từ 1,5 – 3 lần ra môi trường.
Bên cạnh quy trình tái chế nhựa gây ô nhiễm môi trường, hoạt động lưu trữ phế liệu tại các cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn TP.Quảng Ngãi cũng không tuân thủ theo quy định. Hầu hết các cơ sở kinh doanh đều để phế liệu ngoài trời, không có mái che, nên khi nước mưa chảy vào phế liệu sẽ mang theo các chất độc hại ra môi trường.
Tại cơ sở tái chế nhựa Nguyễn Đức Hải, xã Nghĩa Dũng, TP.Quảng Ngãi, dù đã có giấy xác nhận hồ sơ môi trường và hằng năm xuất bán ra thị trường hàng trăm tấn nhựa phế liệu, nhưng hầu hết phế liệu tại cơ sở này đều để ngoài trời, không che chắn, trong khi nhựa phế liệu tại cơ sở bao gồm rất nhiều chai đựng dầu công nghiệp, keo công nghiệp với nhiều chất độc hại.
Cơ sở xay phế liệu nhựa Đồng Ngọc Dũng ở xã Nghĩa Dõng, dù sản xuất nhựa tái chế nhưng chưa có hồ sơ môi trường... Các cơ sở này đều chưa xây dựng được hệ thống thu gom nước mưa xung quanh cơ sở để giảm thiểu ô nhiễm do nước mưa chảy tràn.