THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:10

Điều kiện, tiêu chuẩn công nhận thương binh

Đối tượng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội nhân dân và sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong Công an nhân dân bị thương có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% trở lên thì được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét công nhận là thương binh, cấp “Giấy chứng nhận thương binh” và “Huy hiệu thương binh” khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia;

Trực tiếp phục vụ chiến đấu được xác định là thực hiện các nhiệm vụ trong lúc trận đánh đang diễn ra hoặc trong khi địch đang bắn phá: cứu thương, tải thương, tải đạn, đảm bảo thông tin liên lạc, bảo vệ hàng hóa và các trường hợp đảm bảo chiến đấu.

2. Làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn có chiến sự, địa bàn tiếp giáp vùng địch chiếm đóng;

Địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn có chiến sự, địa bàn tiếp giáp vùng địch chiếm đóng nêu trên được xác định theo quy định tại Phụ lục III Nghị định 131/2021/NĐ-CP

3. Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm được xác định:

- Nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập có tính chất nguy hiểm trong các trường hợp sau: 

+ Bắn đạn thật, sử dụng thuốc nổ; 

+ Chữa cháy; 

+ Chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; 

+ Cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm họa thiên tai; 

+ Trong huấn luyện chiến đấu, diễn tập của lực lượng: không quân, hải quân, kiểm ngư, cảnh sát biển, đặc công, trinh sát đặc nhiệm, cảnh sát cơ động, đặc nhiệm.

- Làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm khi: 

+ Chữa cháy; 

+ Chống khủng bố, bạo loạn; 

+ Giải thoát con tin; 

+ Cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm họa thiên tai; 

+ Thực hiện nhiệm vụ của kiểm ngư, cảnh sát biển; 

+ Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ;

+ Rà phá, xử lý, tiêu hủy bom mìn, vật liệu nổ; 

+ Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, thử nghiệm, bảo quản, vận chuyển thuốc phóng, thuốc nổ, vũ khí, đạn dược; 

+ Xây dựng công trình ngầm quốc phòng, an ninh.

Ảnh minh hoạ. Nguồn internet.

Ảnh minh hoạ. Nguồn internet.

4. Địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn: là địa bàn có điều kiện tự nhiên hiểm trở, khắc nghiệt, khó khăn để xảy ra tai nạn, bao gồm các địa bàn theo Phụ lục IV Nghị định 131/2021/NĐ-CP

5. Trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm: là trực tiếp thực thi nhiệm vụ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giao nhằm điều tra, phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ đối tượng phạm tội hoặc ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự.

6. Xem xét công nhận thương binh đối với trường hợp đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội. bao gồm các yếu tố sau:

- Nhận thức được đầy đủ sự nguy hiểm và tính cấp bách của sự việc.

- Chủ động thực hiện hành vi đặc biệt dũng cảm, chấp nhận hy sinh bản thân.

- Bảo vệ lợi ích quan trọng của Nhà nước, tính mạng và lợi ích hợp pháp của Nhân dân hoặc để ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

- Là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội, được tặng thưởng Huân chương và được cơ quan quản lý nhà nước về người có công tổ chức phát động học tập tấm gương trong phạm vi cả nước.

7. Các trường hợp khác: 

- Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch;

- Bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh mà để lại thương tích thực thể;

- Làm nghĩa vụ quốc tế;

- Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh;

BP (tổng hợp)

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh