Diễn viên và nỗi buồn nhan sắc
- Văn hóa - Giải trí
- 16:34 - 24/11/2015
Có cơ hội sẵn sàng bỏ học
Nhiều nữ sinh theo học sân khấu điện ảnh được coi là gương mặt hứa hẹn của màn ảnh, khi sở hữu nhan sắc hơn người và khả năng diễn xuất thông minh. Diễn viên Lâm Bảo Như là một ví dụ. Đang trong quá trình học khoa diễn viên, vẻ mong manh quyến rũ của Như đã "đánh đổ" đạo diễn Quốc Hưng, khiến anh quyết định chọn cô vào vai tiểu thư Thanh Yến trong phim truyền hình “Ngọn nến hoàng cung”. Tiếp đó, Bảo Như được đạo diễn Lê Dân mời vào vai chính, người vợ lẳng lơ trong phim “Ngoại tình”, và không lâu sau trở thành gương mặt quen thuộc của màn ảnh nhỏ. Nhưng cũng từ đó, người đẹp quyết định dừng việc học diễn xuất, dành thời gian đóng phim và kinh doanh. "Tôi không học để lấy bằng mà muốn khẳng định mình có khả năng diễn xuất", Bảo Như nói. Những sinh viên theo học diễn xuất có cùng suy nghĩ với Bảo Như không phải là ít. Quách Ngọc Ngoan cũng từng theo học khoa diễn viên và bỏ ngang để đi làm người mẫu và tham gia đóng phim khi nhận được lời mời.
Tham gia giảng dạy tại ĐH Sân khấu điện ảnh TP Hồ Chí Minh, nghệ sĩ Công Ninh không khỏi thầm tiếc khi ngày càng ít mỹ nhân mặn mà với nghề diễn. Nghệ sĩ cho biết: “Nhu cầu tìm kiếm gương mặt sáng cho phim truyền hình ngày càng nhiều. Số ít sinh viên sở hữu vóc dáng chuẩn đều được các đạo diễn săn lùng từ khi mới vào trường. Tuy nhiên, vì muốn nắm bắt cơ hội nổi tiếng mà các em sẵn sàng tạm dừng việc học, quên mất rằng muốn thọ lâu với nghề, họ cần được đào tạo bài bản về diễn xuất”. Theo anh, màn ảnh cần những gương mặt hút hồn, trong khi đa số sinh viên chọn gắn bó với nghiệp diễn lại không thật sự nổi bật về nhan sắc. Ngược lại, những người có nhan sắc nổi bật thì chỉ học cho có lệ, rồi sau đó hoạt động giải trí ở bề nổi, xuất hiện nhiều, song diễn xuất chẳng bao nhiêu.
Ảnh minh họa.
Giám đốc một nhà hát kịch nhiều lần than thở, mặt bằng chung diễn viên ngày nay kém xa thế hệ trước, "nhiệt huyết không bằng, nhan sắc cũng thua". "Nhiều sinh viên tốt nghiệp trường sân khấu điện ảnh đến nhà hát xin việc mà sắc vóc quá bình thường khiến tôi khó xử. Tài năng là yếu tố quan trọng, song để hấp dẫn khán giả, diễn viên cần phải đẹp", vị giám đốc cho biết.
Cứ đẹp là chuyển nghề
Một trong những nguyên nhân khiến nghề diễn không còn sức hấp dẫn như xưa, theo đạo diễn Bùi Cường, vì nghề diễn giờ đây ít còn được tôn vinh. Từng là một diễn viên nổi tiếng, Bùi Cường tâm sự, thế hệ của anh, dàn diễn viên như Thanh Quý, Như Quỳnh, Thanh Loan hoặc trên nữa như Trà Giang, Minh Đức... đều thuộc hàng mỹ nhân, sở hữu nhan sắc khiến nhiều người xuýt xoa. Ở đâu họ cũng luôn luôn là những người đẹp nhất, các đối tượng thuộc lĩnh vực khác khó lòng sánh bằng. Dù cuộc sống và công việc vất vả, song đối với họ được hoá thân vào nhân vật trên màn ảnh là điều rất thiêng liêng. “Ở Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc, nghề diễn viên là mơ ước, khát khao của hầu hết thanh niên, nhất là những người trẻ, đẹp, thông minh. Tại Việt Nam, có lẽ nghề này nhiều rủi ro nên ít được bạn trẻ chọn lựa”, Bùi Cường giải thích. Người nổi tiếng với vai diễn Chí Phèo bộc bạch, khi mời diễn viên tham gia phim của mình, anh mới biết nhiều người đã chuyển sang buôn bán, kinh doanh hoặc theo chồng ra nước ngoài. "Họ đi mà không hối tiếc bao năm theo học với ước mơ toả sáng trên bầu trời nghệ thuật", Bùi Cường nói giọng xót xa.
Chia sẻ nỗi niềm với đồng nghiệp Bùi Cường, NSND Thế Anh than thở, nguyên nhân khiến những nhan sắc “chim sa cá lặn” từ chối dần nghề diễn xuất là bởi khó tìm được cơ hội giàu có, an nhàn khi dấn thân vào nghề. “Nghiệp diễn ở nước mình vất vả, lại nghèo, vậy thì ai muốn theo?” NSND Thế Anh tâm sự.
Một diễn viên trẻ tâm sự: “Bạn bè tôi tốt nghiệp khoa diễn viên rất khó xin vào biên chế một đơn vị nghệ thuật. Người may mắn thì được mời đóng phim truyền hình. Nhưng cũng có người chờ dài cổ vẫn không được mời. Cơ hội nhận vai trong phim nghệ thuật càng mong manh. Vì thế khi ra trường, nhiều cô gái xinh đẹp đành chuyển nghề”. |