2.500 đại biểu sẽ dự Diễn đàn cấp cao cách mạng công nghiệp 4.0
- Huyệt vị
- 21:25 - 12/07/2018
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng tại Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2017
Diễn đàn cấp cao do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì sẽ có sự góp mặt của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, UBND TP Hà Nội; cùng lãnh đạo 40- 50 DN hàng đầu trong nước và quốc tế tham gia triển lãm; 15 diễn giả quốc tế tiêu biểu.
Năm 2017, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với một số bộ, cơ quan Trung ương tổ chức thành công Hội thảo và Triển lãm quốc tế về Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry Word 2017, thu hút trên 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự, từ các khối ngành sản xuất, năng lượng, công nghệ thông tin, viễn thông, ngân hàng - tài chính…
Theo các chuyên gia, Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa mang lại cơ hội lớn cũng như thách thức cho nền công nghiệp Việt Nam. Công nghệ số hóa đã được ứng dụng mạnh mẽ trong công nghiệp, dịch vụ giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động, từ đó tiết kiệm chi phí, mang lại lợi ích đáng kể cho Nhà nước, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.
Tuy nhiên Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức yêu cầu Nhà nước và doanh nghiệp cần phải mạnh dạn đổi mới như xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ cho nền công nghiệp số hóa, đào tạo và bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh
Ngày mai, 13/7, phiên Diễn đàn cấp cao do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình. Phiên Diễn đàn cấp cao có chủ đề "Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4". Đối thoại này tập trung chủ yếu vào chính sách với sự tham gia của các diễn giả đến từ các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), World Bank cùng một số bộ, ngành, địa phương của Việt Nam.
Ngoài phiên Diễn đối thoại cấp cao, Diễn đàn còn có 5 phiên hội thảo chuyên đề tập trung vào các chủ đề quan trọng như: "Những xu hướng lớn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Nhận diện tác động và khuyến nghị đối với Việt Nam"; "Xây dựng đô thị thông minh bền vững trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4"; "Phát triển nền sản xuất thông minh: Tầm nhìn và giải pháp công nghiệp"; "bước tiến mới trong ngành tài chính – Ngân hàng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4"; "Tầm nhìn và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh bền vững".
Từ các diễn đàn này, thông tin, ý kiến sẽ được tập hợp, bổ sung để xây dựng đề án, chương trình hành động về công nghiệp 4.0 của Việt Nam mà Ban Kinh tế Trung ương đang được giao chủ trì xây dựng.