THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:53

Điểm lại những phiên tòa 'dậy sóng' trong năm 2018

 

1. Ông Đinh La Thăng nhận 30 năm tù

Năm 2018, ông Đinh La Thăng -  nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hầu tòa 4 lần (2 lần sơ thẩm, 2 lần phúc thẩm) trong 2 vụ án gồm: vụ thất thoát 119 tỷ đồng tại dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và vụ PVN “mất trắng” 800 tỷ đồng vốn góp khi đầu tư vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank).

 

 Các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh trong một lần tới nhà máy Thái Bình 2.

 

Trong cả 2 vụ, ông Đinh La Thăng đều bị kết tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, nhận 13 năm tù trong vụ Thái Bình 2 và 18 năm tù trong vụ thất thoát 800 tỷ đồng, tổng mức án là 30 năm tù. Về phần dân sự, nguyên chủ tịch PVN phải bồi thường hơn 600 tỷ đồng và nộp án phí hơn 700 triệu đồng.

2. Hai tướng công an bảo kê cờ bạc

Ngày 30/11, TAND tỉnh Phú Thọ tuyên phạt ông Phan Văn Vĩnh – nguyên Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát án 9 năm tù; Nguyễn Thanh Hóa – nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao án 10 năm tù cùng về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cả 2 cùng phải chịu hình phạt bổ sung là phạt 100 triệu đồng.

 

Các cựu tướng Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa được dẫn giải tới tòa.

 

Tòa án xác định, các ông Vĩnh, Hóa đã bảo kê, bao che cho đường dây cờ bạc trên mạng của các bị cáo Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam; giúp đường dây này thu về gần 10.000 tỷ đồng trong 28 tháng hoạt động. Cơ quan chức năng cũng sẽ tiếp tục điều tra hành vi nhận hối lộ của cựu tướng Phan Văn Vĩnh.

3. Trịnh Xuân Thanh nhận án chung thân

Sau khi đầu thú, Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch Cty CP xây lắp Dầu khí (PVC) phải hầu tòa trong 2 vụ án và đều không kháng cáo. Cụ thể, trong vụ thất thoát 119 tỷ đồng tại dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thanh nhận 14 năm tù về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, án chung thân về tội “Tham ô tài sản”. Về dân sự, ông  phải bồi thường 4 tỷ đồng, liên đới bồi thường 1,4 tỷ đồng cho PVC.

 

Trịnh Xuân Thanh trước tòa.
 

Trong vụ án tham nhũng thông qua việc bán cổ phần dự án Nam Đàn Plaza năm 2011, Trịnh Xuân Thanh cũng nhận án chung thân về tội “Tham ô tài sản”; tổng hợp cả 2 vụ án, ông Thanh phải chịu hình phạt tù chung thân. Trong vụ án sau, ông Thanh được xác định đã trả lại tiền tham ô khi vụ việc bị phát hiện.

4.  Vũ “nhôm” hầu tòa từ Bắc vào Nam

Ngày 31/10, TAND Cấp cao tại Hà Nội xử phúc thẩm, quyết định giảm án cho Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) từ 9 xuống còn 8 năm tù về tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”. Cùng tội danh, ông Phan Hữu Tuấn – nguyên Phó tổng cục trưởng thuộc Bộ Công an (đã nghỉ hưu) phải nhận 7 năm tù. 

 

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ liên tiếp hầu tòa trong năm 2018.

 

Sau vụ án trên, ngày 20/12, TAND TP Hồ Chí Minh tuyên phạt Phan Văn Anh Vũ án 17 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp bản án trên thành 25 năm tù.

Cùng hầu tòa, bị cáo Trần Phương Bình – nguyên Tổng GĐ ngân hàng Đông Á (DAB) lĩnh án tù chung thân; 24 bị cáo khác nhận mức hình phạt tương ứng vì những hành vi gây thiệt hại cho DAB hơn 3.400 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại tòa, Phan Văn Anh Vũ khai bản thân mang 2 quốc tịch; có 2 tên khác là Lê Văn Sáu và Trần Đại Vũ.

5. Nguyên Phó thống đốc nhận án treo

Ngày 10/12, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã chấp nhận kháng cáo, chuyển hình phạt từ 3 năm tù giam sang 3 năm tù treo với ông Đặng Thanh Bình (64 tuổi) – nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Ông Bình bị xác định đã thành lập tổ giám sát với Ngân hàng TMCP Xây Dựng (VNCB). Tuy nhiên, ông Bình và đồng phạm không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, để Phạm Công Danh – nguyên Chủ tịch VNCB rút tiền của VNCB trái phép, gây thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng.

 

Ông Đặng Thanh Bình nhận áo treo nhờ Luật người cao tuổi.

 

Vì vậy, tòa tuyên ông Đặng Thanh Bình phạm vào tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm cho rằng nguyên Phó thống đốc nhân thân tốt nên được áp dụng Luật người cao tuổi để cho hưởng án treo.

6. Đại gia Trầm Bê lĩnh 4 năm tù

Ngày 6/8, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt ông Trầm Bê – thành viên HĐQT Ngân hàng Sacombank án 4 năm tù về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cùng tội danh, bị cáo Phạm Công Danh nhận 20 năm tù, Phan Thành Mai 10 năm tù, Mai Hữu Khương 10 năm tù…

 

 Ông Trầm Bê nhận 4 năm tù vì giúp Phạm Công Danh vay tiền.

 

Diễn biến tại tòa cho thấy, năm 2013, Phạm Công Danh sử dụng 29 lượt Cty lập 29 hồ sơ vay tiền tại các ngân hàng BIDV, Sacombank và TPBank đồng thời dùng tiền của VNCB gửi sang các ngân hàng này làm tài sản thế chấp.

Khi ông Danh không trả nợ, 3 ngân hàng đã thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB gồm BIDV 2.550 tỷ đồng, Sacombank 1.830 tỷ đồng, TPBank 1.740 tỷ đồng. Tại Sacombank, ông Trầm Bê được xác định đã chỉ đạo nhân viên cho 6 Cty của ông Danh vay tiền trái quy định.

7. Hà Văn Thắm và “dư chấn” kéo dài

Tháng 5/2018, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên bố bác kháng cáo, tuyên y án tù chung thân với Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch OceanBank về 4 hành vi cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay, lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản; Nguyễn Xuân Sơn – nguyên TGĐ OceanBank nhận án tử hình về các hành vi cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản.

 

Từ trái qua, các bị án Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm.

 

Theo bản án, khi được PVN cử sang làm đại diện tại OceanBank, Nguyễn Xuân Sơn đề nghị và được Hà Văn Thắm đồng ý chi tiền ngoài lãi suất tiền gửi nhằm thu hút khách hàng. Ngoài ra, Hà Văn Thắm cũng cho Phạm Công Danh vay 500 tỷ đồng trái quy định… Hành vi của các bị cáo khiến OceanBank thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng.

Quá trình giải quyết vụ án, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý hàng loạt vụ án khác liên quan như vụ PVN góp 800 tỷ đồng vào OceanBank; khởi tố lãnh đạo các đơn vị dầu khí và Vinashin (nay là SBIC) vì nhận lãi ngoài của OceanBank; phạt tù các cá nhân trong ngành dầu khí như Ninh Văn Quỳnh, Trần Đức Chính…

8. Hủy án với lái xe container đâm Innova đi lùi

Ngày 30/11, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm, tuyên hủy các bản án sơ – phúc thẩm trong vụ xe container đâm Innova lùi ngược chiều trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên khiến 4 người chết.

Trước đó, TAND tỉnh Thái Nguyên kết luận tài xế container Lê Ngọc Hoàng vi phạm quy định về khoảng cách giữa các xe và tốc độ cho phép, phạm lỗi vô ý do quá tự tin nên mới đâm vào xe Innova do Ngô Văn Sơn – lúc đó đang điều khiển xe đi lùi trên cao tốc. Vì vậy, Hoàng phải nhận 6 năm tù, Sơn nhận 9 năm tù.

 

Lái xe Lê Ngọc Hoàng tại tòa án Thái Nguyên.

 

Tuy nhiên, tòa cấp cao hủy bản án trên vì cho rằng cơ quan điều tra chưa xác định điểm va chạm đầu tiên; xe Innova lùi thẳng hay chéo; chưa phân tích các trường hợp phải giảm tốc độ theo thông tư 91…

9. Hoàng Công Lương và 8 người chết khi chạy thận

Năm 2018, TAND TP Hòa Bình xét xử Hoàng Công Lương – bác sĩ Đơn nguyên thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình và 2 bị cáo khác trong vụ án 8 người chết khi chạy thận. Sau đó, tòa án đã trả hồ sơ vì cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; chưa làm rõ các chứng cứ buộc tội hoặc gỡ tội với Hoàng Công Lương…

 

Bác sĩ Hoàng Công Lương tại tòa án TP Hòa Bình.

 

Gần đây, VKSND tỉnh Hòa Bình đã truy tố bị cáo Lương về tội “Vô ý làm chết người” đồng thời truy tố thêm 4 bị can khác gồm Trương Quý Dương, Trần Văn Thắng, Hoàng Đình Khiếu và Đỗ Anh Tuấn. Quá trình giải quyết vụ án, ông Hoàng Công Lương liên tục kêu oan, cho rằng bản thân không có trách nhiệm vì chỉ là bác sĩ điều trị, không phụ trách vật tư.

Được hỏi về vụ án, ông Nguyễn Hòa Bình – Chánh án TAND Tối cao cho biết rất tâm đắc với câu chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo Lương có day rứt khi 8 bệnh nhân mình điều trị bị tử vong. Theo ông Bình, trong vụ việc, dù tòa chưa tuyên án nhưng trước tòa án nhân dân còn có tòa án lương tâm.

10. Xử Út “trọc” tại tòa án binh

Năm 2018, Tòa án quân sự (TAQS) Quân khu 7 xét xử Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) – nguyên Phó TGĐ Tổng Cty Thái Sơn và Phùng Danh Thắm – nguyên Chủ tịch kiểm TGĐ Tổng Cty Thái Sơn cùng đồng phạm về các tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

 

Phiên xử Đinh Ngọc Hệ diễn ra tại Hà Nội dù Hội đồng xét xử thuộc tòa quân sự Quân khu 7.

 

Tòa án kết luận, Đinh Ngọc Hệ đã sử dụng bằng đại học giả để được thăng quân hàm. Ông Hệ cũng mua nhiều ô tô, đăng ký biển xanh đỏ rồi cho thuê, thế chấp trái phép. Năm 2014, Út “trọc” còn làm giả hồ sơ gửi xăng của quân đội nhằm tránh bị xử phạt gần 1,5 tỷ đồng. Trong khi đó, ông Thắm đã buông lỏng quản lý quân nhân Đinh Ngọc Hệ, không làm hết trách nhiệm… Vì vậy, tòa quân sự phạt Út “trọc” án 12 năm tù; Phùng Danh Thắm án 24 tháng cải tạo không giam giữ.

Sau đó, Đinh Ngọc Hệ kháng cáo nhưng bị TAQS trung ương bác bỏ, tuyên y án sơ thẩm.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh