10 sự kiện thể thao Việt Nam nổi bật năm 2018
- Văn hóa - Giải trí
- 17:57 - 20/12/2018
1/ Đội tuyển bóng đá Việt Nam vô địch AFF Cup.
Sau đúng 10 năm, đội tuyển Việt Nam trở lại với ngôi vô địch Đông Nam Á, lần này còn thuyết phục hơn lần trước. Nếu như năm 2008, chúng ta vô địch có sự đóng góp của may mắn và yếu tố bất ngờ, thì năm 2018, tư cách ứng cử viên vô địch của đội tuyển Việt Nam được nhắc đến ngay từ trước khi giải khởi tranh, rồi đội bóng của HLV Park Hang Seo mạnh mẽ băng băng về đích, cuốn phăng mọi đối thủ mà chúng ta chạm trán trên hành trình lên đỉnh cao nhất.
Đội tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch AFF Cup 2018 đầy thuyết phục
2/ Đội tuyển U23 Việt Nam giành ngôi Á quân giải U23 châu Á.
Đấy là thành tích không thể tin nổi, là kỳ tích trước đó chưa hề xuất hiện đối với bóng đá Việt Nam. Trên hành trình vào đến trận chung kết của mình, U23 Việt Nam lần lượt vượt qua Australia, Iraq, Qatar, chỉ chịu dừng bước trước U23 Uzbekistan vốn sở hữu lực lượng quá mạnh. Thành tích này sở dĩ được xếp sau ngôi vô địch AFF Cup bởi U23 dù sao vẫn là sân chơi trẻ, còn tầm vóc đội tuyển quốc gia tại AFF Cup vẫn là bộ mặt của nền bóng đá.
U23 Việt Nam lập kỳ tích khi giành ngôi á quân châu Á 2018
3/ Đoàn thể thao Việt Nam thi đấu thành công tại Asiad.
Với 4 HCV, 16 HCB và 18 HCĐ, đoàn thể thao Việt Nam không chỉ hoàn thành chỉ tiêu HCV trước ngày lên đường, mà còn giành huy chương nhiều nhất trong lịch sử các kỳ Asiad của chúng ta. Trong số các huy chương của đoàn thể thao Việt Nam, có những huy chương rất quý giá, như tấm HCV ở nội dung nhảy xa nữ của Bùi Thu Thảo trong môn điền kinh, hoặc HCB ở nội dung 1.500m nam trong môn bơi của kình ngư Nguyễn Huy Hoàng.
Cũng tại Asiad 2018, đội tuyển Olympic Việt Nam cũng tạo nên lịch sử. Dù không giành huy chương nào, nhưng việc vào đến bán kết cũng là thành tích lịch sử của bóng đá Việt Nam ở đấu trường Á vận hội. Kỳ tích vào bán kết Asiad cũng là bước đệm giúp bóng đá Việt Nam vô địch AFF Cup ít tháng sau đó.
Olympic Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử vào bán kết môn bóng đá nam Asiad
4/ Đại hội Thể thao toàn quốc thành công tốt đẹp.
Đại hội khép lại với ngôi nhất toàn đoàn thuộc về Hà Nội, hạng nhì là đoàn TPHCM và hạng ba là đoàn Quân Đội. Đấy vẫn sẽ là những trung tâm lớn, đóng góp nhiều VĐV, nhiều thành tích cho thể thao Việt Nam ở các kỳ đại hội quốc tế trong tương lai gần. Đại hội Thể thao toàn quốc cũng là nơi phát hiện, bồi dưỡng các tài năng thể thao, trước khi họ làm nhiệm vụ quốc tế.
Đại hội TDTT toàn quốc 2018 thành công tốt đẹp
5/ Việt Nam giành quyền đăng cai SEA Games 2021 và kế hoạch xây dựng tổ hợp Thể thao ở sân Hàng Đẫy.
Sau nhiều tháng họp bàn, Chính phủ đã đồng ý phương án Việt Nam đăng cai SEA Games 31 năm 2021 tại Hà Nội. Bên cạnh đó để phục vụ cho Đại hội Thể thao khu vực Đông Nam Á, sân Hàng Đẫy sẽ được xây dựng lại thành tổ hợp Thể thao phục vụ cho SEA Games 3 năm nữa.
Việt Nam chính thức trở thành chủ nhà của SEA Games 31 năm 2021
6/ Kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn giành HCV cá nhân tại giải cờ vua vô địch thế giới Olympiad.
Thi đấu tốt ở bàn 2, Trường Sơn giành HCV cá nhân về cho cờ vua Việt Nam, góp phần giúp đội tuyển cờ vua nam Việt Nam đứng hạng 7 đồng đội, thành tích tốt nhất trong lịch sử của chúng ta tại các kỳ Olympiad.
Kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn giành HCV cá nhân tại giải cờ vua vô địch thế giới Olympiad
7/ Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng giành HCV và đô cử Ngô Đỉnh Sơn Olympic Trẻ thế giới.
Về nhất ở nội dung 800m tự do nam trong môn bơi, kình ngư 18 tuổi Nguyễn Huy Hoàng khép lại một năm thi đấu thành công của mình trên đường đua xanh. Trước đó, chính Huy Hoàng là người giúp bơi Việt Nam có HCB tại Á vận hội hồi giữa năm, ở nội dung 1.500m tự do nam.
Trước khi Nguyễn Huy Hoàng thành công trên đường đua xanh, một VĐV triển vọng khác của thể thao Việt Nam là Ngô Đỉnh Sơn cũng giành HCV trong một môn cơ bản của phong trào Olympic, đó là môn cử tạ. Tấm HCV ở hạng cân 56kg chính là lời khẳng định của đô cử 17 tuổi này, cho việc kế thừa đàn anh Thạch Kim Tuấn trong tương lai.
Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng (phải) giành HCV Olympic Trẻ thế giới
8/ Đại hội VFF lần thứ 8 thành công tốt đẹp.
Sau nhiều tháng trì hoãn, Đại hội VFF khóa 8 đã diễn ra và thành công tốt đẹp. Thứ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Lê Khánh Hải trở thành Tân Chủ tịch VFF, ông Trần Quốc Tuấn tái đắc cử chức Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn, ông Cấn Văn Nghĩa trúng cử chức Phó Chủ tịch phụ trách tài chính-vận động tài trợ còn ông Cao Văn Chóng được bầu làm Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông.
Ông Lê Khánh Hải trung cử Chủ tịch VFF khóa 8
9/ Đoàn thể thao Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ tại Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á.
Với tổng cộng 40 huy chương, gồm 8 HCV, 8 HCB và 24 HCĐ, đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đứng thứ 12/33 đoàn tham dự Asian Para Games 2018. Riêng VĐV bơi khuyết tật Võ Thanh Tùng giành đến 3 HCV tại đại hội nói trên.
Đoàn Việt Nam giành 8 HCV, 8 HCB và 24 HCĐ ở Asian Para Games 2018
10/ Điền kinh Việt Nam có năm đại thành công.
Giành 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ, đội tuyển điền kinh Việt Nam chính thức vượt qua Thái Lan (chỉ có 3 HCB) tại Asian Games, trở thành quốc gia số 1 Đông Nam Á trong môn “thể thao nữ hoàng”. Thậm chí, thành tích của đội tuyển điền kinh Việt Nam còn ngang với thành tích của đội Hàn Quốc, chứng minh sự chuyển mình đúng đắn của những người làm công tác hoạch định chuyên môn trong thể thao: Chuyển từ đầu tư dàn trải sang đầu tư có trọng điểm, nhắm vào đấu trường Asiad và Olympic.
Bùi Thị Thu Thảo giành CHV điền kinh Asiad 2018, khép lại một năm thành công của điền kinh Việt Nam