CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:02

"Điểm danh" những danh nhân Việt Nam tuổi Tý

Lý Thái Tông (Canh Tý 29/7/1000 - 3/11/1054): 

Lý Thái Tông là vị hoàng đế thứ hai của triều đại nhà Lý, lên ngôi hoàng đế năm 1028, sau khi Lý Thái Tổ - Lý Công Uẩn, người có công dời kinh đô Đại Việt từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La (Thăng Long) băng hà.

Thái Tông Hoàng đế được mô tả uy dũng hơn người, bách chiến bách thắng, trải qua Loạn Tam vương mà lên ngôi, công danh rạng rỡ triều Lý.

Ông dẹp loạn đảng làm phản như Loạn họ Nùng; bên ngoài Đế đánh được Chiêm Thành, nhờ vậy nhân dân an hưởng thái bình.

Phạm Công Trứ (Canh Tý 1600 - 1675): 

Phạm Công Trứ là danh sĩ đời Lê Thần Tông, người làng Liêu Xuyên, huyện Đường Hào, trấn Hải Dương (nay thuộc thôn Thanh Xá, xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).

Ông là nhà chính trị tài năng, là công thần của chúa Trịnh, một trong 39 người "phò tá có công lao tài đức" thời Trung Hưng.

Danh nhân Phạm Công Trứ có sáng tác văn học, nghiên cứu lịch sử. Khoảng năm 1665, ông cùng một nhóm danh sĩ khảo duyệt và tục biên bộ Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên. Bộ sử này ông có soạn thêm từ đời Lê Trang Tông - gồm cả sử nhà Mạc - đến hết đời Lê Thần Tông (1527 - 1662).

Hải Thượng Lãn Ông (Canh Tý 1720 - 1791)

Hải Thượng Lãn Ông là biệt hiệu của danh y Lê Hữu Trác, sinh ngày 11/12/1720 tại xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Ông là danh nhân Việt Nam thế kỷ 18 được nhiều người kính trọng, tinh thông y học, văn chương.

Sau hơn chục năm viết lên bộ "Y tôn tâm lĩnh" gồm 28 tập, 66 quyển bao gồm đủ các mặt về y học: y đức, y lý, y thuật, dược, di dưỡng, ông đã tạo nền móng phát triển cho ngành đông y Việt Nam.

'Điểm danh' những danh nhân Việt Nam tuổi Tý - Ảnh 1.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Tôn Quang Phiệt (Canh Tý 1900 - 1973)

Tôn Quang Phiệt là người xã Võ Liệt, Thanh Chương, Nghệ An. Ông là nhà hoạt động chính trị, nhà sử học, nhà thơ, nhà giáo Việt Nam.

Năm 1923, ông ra Hà Nội theo học ở trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương. Tại đây, ông tham gia vận động tổ chức đảng Phục Việt - tiền thân của Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Ông nhận nhiệm vụ thành lập chi bộ đầu tiên tại Hà Nội.

Sau Cách mạng tháng 8, ông làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng và Ủy ban kháng chiến đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên.

Năm 1946, ông trở thành Đại biểu Quốc hội khóa I và tham gia vào Ủy ban dự thảo Hiến pháp Việt Nam năm 1946.

Ông đảm nhận nhiều chức vụ trong Quốc hội như Phó trưởng ban Thường trực Quốc hội khóa I, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Tổng Thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa III, IV.

Ngày 1/12/1973, ông mất trong một chuyến công tác tới Bắc Kinh, Trung Quốc.

Công trình nghiên cứu có giá trị như: Lịch sử Việt Nam dưới thời Pháp thuộc (1948), Trên đường tranh đấu của nhân dân Việt Nam (1950), Phan Bội Châu và một giai đoạn lịch sử chống Pháp của nhân dân Việt Nam (1958)...

Nguyễn Xí (Bính Tý, 1396 - 1464)

Danh tướng đời Lê Thái Tổ, gốc quê làng Thượng Phúc, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, sau lên đất Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa tham gia nghĩa quân Lam Sơn làm gia thần Lê Lợi, sau khi Lê Lợi lên ngôi vua, ông được ban họ Lê vì có công lớn trong cuộc kháng Minh.

Năm Mậu Tuất 1418, nghĩa quân Lam Sơn bị vây khổn ở núi Chí Linh, quân sĩ dần dần chán nản bỏ quân ngũ, Nguyễn Xí cùng với Lê Bí, Lê Đạp bí mật nương náu ở núi Chí Linh bên cạnh Lê Lợi. Ngay lúc ấy may nhờ tướng sỹ một lòng trung nghĩa, ông mở vòng vây giặc, lui về đất Lam Sơn cố thủ, chuẩn bị tổng tấn công quân Minh.

Năm Giáp Thìn 1424, Lê Lợi cho rút quân về Khả Lưu thuộc tỉnh Nghệ An để giữ nơi hiểm yếu. Lúc ấy quân Minh tấn công, nhưng quân giặc không lường được khả năng quân sự của nghĩa quân nên bị nghĩa quân đánh tan tác.

Các tướng Lê Lễ, Lê Sát... trong đó có Nguyễn Xí (Lê Xí) cùng nhau tiến lên phá giặc, “chém đầu giặc không sao kể xiết, thuyền giặc trôi ngổn ngang, xác chết đuối nghẽn tắc cả khúc sông, khí giới vứt đầy cả rừng núi” (Đại Việt sử kí toàn thư).

Năm Đinh Mùi 1427, ông cùng Đinh Lễ đem quân đánh tan trận phản công của Vương Thông phía Nam thành Đông Quan khiến lực lượng quân Minh ngày càng suy giảm dần.

Trong năm này, toàn bộ lực lượng nghĩa quân tấn công quân địch trên khắp các mặt trận, quân Minh ở Nghệ An phải ra hàng, Nguyễn Xí được lệnh Lê Lợi đem đại quân Thiết Đột đến đuổi giặc ở Mi Động và chẳng may ông bị giặc bắt. Nhân lúc đang đêm mưa gió, ông dùng mẹo đánh lừa quân giữ thành trốn thoát được về ra mắt thủ lĩnh Lê Lợi, rồi được cho cầm quân như cũ và ông là một trong các tướng chiếm thành Đông Quan.

Ngày 3/11/1427, toàn bộ quân địch đầu hàng sau 10 năm quân Lam Sơn kháng chiến anh dũng, trong đó công lao của Nguyễn Xí đã góp phần quyết định cho chiến thắng.

Sau khi Lê Lợi lên ngôi, ông từng giữ các chức: Tham chính sự, Nhập nội đô đốc, được tặng thưởng biểu ngạch công thần, tước huyện hầu.

Năm Ất Sửu 1445, quân Chiêm Thành vào cướp phá châu Hóa. Ông được triều đình cử vào tảo thanh quân giặc, nhưng gặp lụt lớn nên quân ta bị thua, ông bị phạt tội. Sau đó triều đình xét ông là vị khai quốc công thần nên miễn nghị.

Đến đời Lê Thánh Tông, ông được phong chức Thái úy vì có công phế truất Nghi Dân để đưa Lê Tư Thành lên ngôi (Lê Thánh Tông). Ông mất năm 1464, hưởng thọ 68 tuổi.

Nguyễn Xí là vị tướng tài từng phục vụ từ đời Lê Thái Tổ đến Lê Thánh Tông, đem lại nhiều thắng lợi trên hai mặt trận quân sự và chính trị.

Phùng Khắc Khoan (Mậu Tý, 1528 - 1613)

Danh sỹ đời Lê Thế Tông, hiệu Nghi Trai, tự Hoằng Phu, quê xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây.

Ông vốn cùng mẹ khác cha với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông nổi tiếng thơ văn, chí khí khảng khái, hào hùng.

Năm 1550, đang lúc nhà Mạc áp đảo nhà Lê, ông theo Lê Bá Li vào Thanh Hóa phù tá Lê Trung Tông. Ông ra thi, đỗ đầu khoa thi Hương, được bổ làm Ngự doanh ký lục, coi sóc quân Tứ vệ góp sức chiêu dân vào Thanh Hóa lập nghiệp, được thăng chức Lễ khoa cấp sự trung.

Năm Canh Thìn 1580, ông đỗ Nhị giáp tiến sĩ, làm Đô cấp sự trung, một thời gian bị bãi chức, sau lại được triệu dụng phong Hồng lô tự khanh, rồi giữ chức Thị lang bộ Công.

Năm 1579, ông đi sứ nhà Minh. Với khí phách hào hùng, bảo tồn quốc thể, biện bác áp đảo quan lại cao cấp triều Minh, khiến vua Minh cũng phải chấp nhận những lý lẽ ông bênh vực cho nhà Lê. Vì thế ông được phong làm Thượng thư bộ Hộ, bộ Công, tước Mai Lĩnh Hầu, rồi thăng tước Mai Quận Công.

Ông là người nhiệt tình xây dựng quê hương, quan tâm đến đời sống dân làng. Tương truyền ông là người đem nghề dệt lụa về cho dân Phùng Xá và đem giống ngô về vùng sông Đáy, tạo nên một nông sản mới tại đây.

Ông mất năm 1613, thọ 85 tuổi. Nhân dân làng Phùng Xá lập đền thờ ông.

Phạm Đình Hổ (Mậu Tý, 1768 - 1839)

Danh sỹ, đời Minh Mạng, tự Tùng Niên, Bỉnh Trực, hiệu Đông Dã Triều. Con quan Tham tri Phạm Đình Dư, nên tục gọi là Chiêu Hổ, quê xã Đan Loan, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương.

Ông đọc rộng biết nhiều, nhưng thi không đỗ, lại gặp thời loạn nên muốn ở ẩn. Năm Tân Tỵ 1821 vua Minh Mạng vời ông ra và bổ làm Hành tẩu viện Hàn lâm, ít lâu ông từ chức.

Năm Bính Tuất 1826, Minh Mạng lại triệu và cho làm Thừa chỉ Viện Hàn lâm và Tế tửu Quốc tử giám, nhưng năm sau ông cũng xin nghỉ dưỡng bệnh rồi từ chức. Sau ông trở lại nhận chức vụ cũ, được thăng Thị giảng học sĩ, đến Nhâm Thìn 1832, ông về hưu luôn.

Năm Kỷ Hợi 1839 ông mất, thọ 71 tuổi.

Bình sinh ông cùng Hồ Xuân Hương thường làm thơ bỡn cợt, còn truyền làm giai thoại. Các tác phẩm chính của ông: "Lê triều hội điển," "Bang giao điển lệ," "An Nam chí," "Ai Lao sứ trình," "Đạt Man quốc địa đồ" (tức Chân Lạp địa đồ)...

Hoàng Diệu (Mậu Tý, 1828 - 1882)

Chí sĩ yêu nước, tự Quang Viễn, hiệu Tĩnh Trai, quê làng Xuân Đài, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Trước vốn tên Hoàng Kim Tích, sau mới đổi là Hoàng Diệu.

Ông sinh ngày 10/2 năm Mậu Tý 1828, đỗ cử nhân khoa Mậu Thân 1848 và phó bảng khoa Quý Sửu 1853, lúc 25 tuổi.

Sơ bổ Tri huyện Tuy Phước (Bình Định), rồi thăng Tri phủ Tuy Viễn cũng trong tỉnh Bình Định. Sau đó ông phải giáng, đổi về Tri huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Ít lâu thăng Tri phủ Lạng Giang (Bắc Giang), Án sát Nam Định, rồi Bố chính Bắc Ninh. Ông nổi tiếng công minh và thanh liêm. Suốt 30 năm làm quan nhiều nơi, cảnh nhà vẫn thanh bạch, nghèo túng.

Năm Đinh Sửu 1877, ông về Huế làm Tham tri bộ HÌnh, qua Tham tri bộ Lại, coi việc Đô sát và dự vào viện Cơ mật. Năm sau, làm Tuần vũ Quảng Nam, rồi Tổng đốc An Tịnh. Chẳng bao lâu ông được triều đình ủy nhiệm chức Phó toàn quyền Đại thần để hiệp thương với sứ bộ Y Pha Nho (Tây Ban Nha).

Canh Thìn 1880, ông làm Tổng đốc Hà Ninh, lãnh chức hàm Thượng thư bộ Binh, gồm coi cả việc thương chính.

Đầu năm Nhâm Ngọ 1882, đại tá Pháp Henri Rivière đem quânn ra cướp miền Bắc. Ông bất bình, chỉ huy quân sĩ quyết liệt đối phó. Trước hỏa lực của quân cướp nước và một số lãnh binh bỏ thành chạy, Hoàng Diệu vào hành cung, thảo tờ di biểu, rồi ra trước Võ miếu dùng khăn bịt đầu thắt cổ tự tử, hưởng dương 50 tuổi.

Nguyễn Trường Tộ (Mậu Tý, 1828 - 1871)

Chí sĩ, danh sĩ, kiến trúc sư, quê làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Gia đình ông theo đạo Thiên Chúa, cha mất sớm, ông theo học chữ Hán với cụ Tú Giai.

Năm 1855, nhà thờ xứ Tân Ấp mời ông dạy chữ Hán, từ đó ông học chữ Pháp và Quốc ngữ với các giáo sĩ. Năm 1858 ông sang Pháp.

3 năm sau (1861) ông về nước. Người Pháp có ý dùng ông làm tay sai nhưng ông từ chối, quyết định ở ẩn nơi quê nhà. Ông lần lượt gửi lên triều đình nhiều bài điều trần giá trị, đề nghị chính quyền cải cách chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục...

Năm Tân Mùi 1871 ông mất hưởng dương 44 tuổi.

Ông để lại hơn 14 bản trần tình khá về quốc kế dân sinh và khá nhiều bài thơ hay được truyền tụng.

Huỳnh Thúc Kháng (Bính Tý, 1876 - 1947)

Chí sĩ, học giả, quê làng Thanh Bình, tổng Tiền Giang Phương, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Năm Canh Tý (1900), ông đỗ Giải Nguyên. Năm giáp Thìn đỗ Hoàng Giáp (năm 28 tuổi). Ông không ra làm quan, mà nhiệt thành lo việc nước, thương dân, kết bạn thâm tình với các chí sĩ Phan Bội Châu, Phan Châu Chinh, Trần Quý Cáp. Ông bị bắt năm Mậu Thân (1908), bị đầy Côn Đảo suốt 13 năm (1908 - 1921) mới được thả tự do vì ông là một trong những lãnh đạo phong trào Duy Tân.

Tôn Đức Thắng (Mậu Tý, 1888 - 1980)

Nhà cách mạng, sinh ngày 20/8/1888 quê xã Mỹ Hòa Hương, tổng Dinh Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, An Giang).

Thuở nhỏ, ông học ở quê nhà, năm 1906 lên Sài Gòn học nghề tại trường Bách Công rồi làm việc ở sở Ba Son, năm 1913 theo tàu biển sang Pháp làm công nhân ở Tp. Toulon.

Cuối năm 1919, ông bị trục xuất khỏi đất Pháp vì ủng hộ cách mạng Nga năm 1917, trở về sống và làm công nhân ở Sài Gòn.

Những năm 1920 - 1925, ông tham gia lập công hội bí mật ở xưởng đóng tàu Ba Son. Năm 1927, tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Cuối năm 1928, ông bị Pháp bắt nhân vụ án ở đường Barbier Sài Gòn, bị kết án 20 năm khổ sai lưu đày Côn Đảo.

Đến ngày 23/9/1945 mới được trả tự do. Về đất liền, ông tiếp tục hoạt động đến tháng 10 năm 1945 thì tham gia Xứ ủy Nam bộ rồi năm 1946 đắc cử vào Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 1951, ông được bầu vào Ban Chấp hành TW Đảng Lao động Việt Nam.

Tháng 7/1960, ông giữ chức Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời ngày 2/9/1969, đến ngày 23/9/1969 ông được giữ chức Chủ tịch nước cho đến khi từ trần.

Ngày 30/3/1980, ông mất tại Hà Nội, thọ 92 tuổi. Do công lao, ông được Đảng, Chính phủ Việt Nam và các nước XHCN tặng nhiều huân chương cao quý.

Nguyễn Văn Cừ (Nhâm Tý, 1912 - 1941)

Ông là liệt sĩ cách mạng, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương.

Ông sinh ngày 2/7/1912, quê thôn Cẩm Giàng, xã Đồng Nguyên, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Năm 1927, lúc đang đi học tại trường Bưởi, Hà Nội, ông tham gia vào tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Do hoạt động bí mật, ông bị thực dân Pháp đuổi học.

Tháng 6/1929, ông được kết nạp vào chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Hà Nội. Sau khi thành lập Đảng (3/2/1930), ông làm bí thư đầu tiên Đặc khu Hồng Gai, Uông Bí. Hoạt động ở đây được một thời gian, ông bị Pháp bắt, kết án khổ sai rồi đày ra Côn Đảo.

Năm 1936, ông được trả tự do về sống ở Hà Nội tiếp tục hoạt động bí mật. Tháng 9/1937, ông được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng.

Năm 1938, ông được bầu làm Tổng Bí thư đảng Cộng sản Đông Dương. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, ông bị thực dân Pháp bắt và kết án tử hình.

Ngày 28/8/1941, ông bị thực dân Pháp xử bắn tại Bà Điểm, huyện Hóc Môn (nay là thành phố Hồ Chí Minh). Tại pháp trường, ông đã kiên quyết xé tấm băng đen bịt mắt và hô lớn: “Cách mạng Đông Dương thành công muôn năm” rồi gục ngã xuống trước làn đạn địch. Ông hy sinh lúc 29 tuổi.

Tô Hiệu (Nhâm Tý,1912-1944)

Ông là liệt sỹ cách mạng, quê làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hải Dương.

Tuổi nhỏ ông học chữ Hán, sau học trường Pháp-Việt, Hải Dương rồi học ở Hà Nội. Năm 1929, ông vào Sài Gòn hoạt động cùng anh ruột là Tô Chấn Trung.

Năm 1930, ông bị bắt, đày ra Côn Đảo. Tại đây, ông trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1934, ông được trả tự do về hoạt động tại Hà Nội. Năm 1938, ông phụ trách các tỉnh duyên hải Bắc kỳ và là Bí thư thành ủy Hải Phòng, đến tháng 12/1939, ông bị bắt và đày lên Sơn La.

Tại đây ông bị nhiều cực hình, bệnh nặng nên qua đời ngày 7/3/1944, hưởng dương 32 tuổi.

Phạm Hùng (Nhâm Tý, 1912 - 1988)

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tên thật là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11/6/1912 tại xã Long Hồ, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long.

Từ năm 1928 - 1929, ông là thành viên trong tổ chức “Nam kỳ học sinh Liên hiệp hội” và “Thanh niên cộng sản Đoàn."

Năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1931, ông bị bắt và kết án tử hình, sau hạ thành án chung thân, khổ sai, đày đi Côn Đảo.

Năm 1946, ông làm Bí thư xứ ủy lâm thời Nam Bộ.

Năm 1951, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, sau đó được chỉ định làm ủy viên Trung ương cục miền Nam với chức vụ phó bí thư, rồi làm Chủ tịch uỷ ban kháng chiến hành chính, phân liên khu miền Đông Nam Bộ năm 1952. Năm 1956, ông được bầu vào ủy viên Bộ Chính trị. Năm 1957, ông làm Bộ trưởng.

Năm 1975, ông làm chính ủy bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau đó, ông làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1980). Từ tháng 6/1987, ông làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Ngày 10/3/1988, ông mất đột ngột vì bệnh tim, thọ 76 tuổi. Ông được Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý trong đó có Huân chương Sao Vàng.

 Hàn Mặc Tử (Nhâm Tý, 1912 - 1940)

 Hàn Mặc Tử là bút danh, còn tên thật là Nguyễn Trọng Trí. Ông sinh ngày 12/9/1912 tại Lệ Mỹ (Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình).

Từ năm 1930 - 1931, ông làm thơ và bắt đầu có tiếng, nhất là một số bài thơ Đường luật như Thức khuya, được Phan Bội Châu khen là họa.

Ông mất ngày 11/11/1940, hưởng dương 28 tuổi. Ông còn để lại cho đời nhiều tập thơ xuất sắc.

 Xuân Thủy (Nhâm Tý, 1912 - 1985)

Nhà hoạt động cách mạng, nhà thơ, bút danh Xuân Thủy, tên thật của ông là Nguyễn Trọng Nhâm. Ông sinh ngày 2/9/1912 tại xã Xuân Phương, Từ Liêm, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội).

Lúc nhỏ, học tại Hà Nội, tham gia các tổ chức yêu nước chống Pháp.

Năm 1932, ông tích cực hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương.

Ông bị Pháp bắt giam nhiều lần nhưng vẫn đấu tranh trong nhà tù nên được thả tự do. Sau cách mạng tháng 8/1945, ông lần lượt được đề cử giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Chính phủ.

Ông mất ngày 18/6/1985 tại Hà Nội, hưởng thọ 73 tuổi.

 Trần Duy Hưng (Nhâm Tý, 1912-1988)

Bác sĩ, nhà hoạt động xã hội, chính trị Trần Duy Hưng, tên thật là Phạm Thư, tên thường dùng là Trần Duy Hưng, sinh ngày 16 tháng giêng năm 1912, tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Thuở nhỏ, ông học ở Hà Nội, sau đó du học ở Pháp. Tốt nghiệp, ông về nước hành nghề bác sĩ tại Hà Nội, từng tham gia hoạt động xã hội trong các tổ chức cứu tế ở Hà Nội.

Sau cách mạng tháng 8/1945, ông được chính quyền nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mời giữ chức Chủ tịch Ủy ban hành chính đầu tiên của Hà Nội.

Năm 1946, ông được đắc cử đại biểu Quốc hội khóa I. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đảm nhiệm nhiều chức vụ như: Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, ủy viên nội vụ trong Hội đồng quốc phòng.

Sau hiệp định Geneva, ông về tiếp quản Hà Nội, vẫn giữ chức Chủ tịch Ủy ban hành chính và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, liên tục từ năm 1957-1977. Ông mất năm 1988, thọ 76 tuổi.

Phạm Quang Thanh (Nhâm Tý, 1912 - 1975)

Tướng lĩnh quân đội nhân dân Việt Nam Phạm Thanh Quang (Phạm Kiệt) từng là đội trưởng đội du kích Ba Tơ. Tư lệnh kiêm chính uỷ lực lượng công an nhân dân vũ trang. Quê xã An Phú, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Ông tham gia cách mạng từ năm 1929, trong tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội.

Năm 1931, ông bị Pháp bắt, kết án tù chung thân, đầy lên Buôn Ma Thuột. Sau cách mạng tháng 8/1945, ông hoạt động và được cử giữ chức vụ quan trọng trong Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an.

Ông là đại biểu Quốc hội các khóa III, IV, được thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Ông mất năm 1975, thọ 63 tuổi.

Tôn Thất Tùng (Nhâm Tý, 1912 - 1982)

Ông là bác sĩ y khoa, Anh hùng Lao động. Quê ở thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thuở nhỏ, ông học ở Huế, Hà Nội, tốt nghiệp Y khoa bác sĩ, làm việc ở các bệnh viện Hà Nội.

Sau cách mạng tháng 8/1945, ông được cử làm giám đốc bệnh viện Phủ Doãn, Hà Nội. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông làm cố vấn phẫu thuật ngành quân y ở Bộ Quốc phòng.

Năm 1947, làm thứ trưởng Bộ Y tế. Từ năm 1954, ông là Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giáo sư tại trường Đại học Y khoa Hà Nội. Ông là Đại biểu Quốc hội nhiều khóa liên tục.

Do cống hiến của ông trong lĩnh vực y học, ông được Chính phủ Việt Nam tặng nhiều huân chương cao quý.

Ngày 7/5/1982, ông mất tại Hà Nội, thọ 70 tuổi.

Theo VIETNAM +

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh