Đi làm nước nào lương cao?
- Bài thuốc hay
- 18:30 - 26/02/2015
Ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết năm 2014, lần đầu tiên Việt Nam đã vượt con số đưa hơn 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, số lượng lao động đi làm việc tại Đài Loan cao nhất, hơn 62.100 người; Nhật đứng vị trí thứ hai, hơn 19.700 người. Dự kiến năm 2015 số lao động đưa sang Nhật, Đài Loan sẽ cao hơn năm 2014.
Thu nhập 28-30 triệu đồng/tháng
Ông Võ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển công nghiệp - Xây lắp và thương mại Hà Tĩnh (HAINDECO) - Chi nhánh TP.HCM (quận Tân Bình), cho biết thị trường Nhật đang cần nhiều lao động trong lĩnh vực xây dựng và trang trí nội thất để chuẩn bị xây dựng các công trình phục vụ Olympic mùa hè 2020 và nâng cao hệ thống giao thông. Theo đó, trong năm 2015, Haindeco sẽ đưa 800 lao động sang Nhật làm việc, trong đó 60% lao động sẽ làm việc trong ngành xây dựng và trang trí nội thất; số lao động còn lại sẽ làm việc trong ngành cơ khí và chế biến thủy sản.
Cũng theo ông Tuấn, thị trường Nhật có mức thu nhập khá ổn định, dao động 28-30 triệu đồng/tháng, chưa kể thu nhập từ làm thêm. “Tuy nhiên, người lao động không nên lầm tưởng xuất khẩu lao động là thiên đường mà cần làm việc thực thụ mới có thu nhập và tích lũy” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ quốc tế Sài Gòn (quận 2), bà Phùng Dương Trang nhận định thị trường Nhật cần nhiều lao động Việt Nam trong ngành xây dựng và nông nghiệp. Đặc biệt trong năm 2015, Nhật sẽ tiếp tục thu hút lao động trong ngành điều dưỡng, hộ lý. “Với hai ngành này phía Nhật sẽ yêu cầu cao về trình độ tiếng Nhật, do đó người lao động muốn sang Nhật làm việc trong lĩnh vực này phải nỗ lực rất cao mới đáp ứng được” - bà Trang cho biết.
Đại diện nhà tuyển dụng, Tập đoàn Nohara (Nhật) trao chứng nhận học nghề cho người lao động Việt Nam trước khi sang Nhật làm việc. Ảnh: P.ĐIỀN
Về thị trường Đài Loan, ông Tạ Hải Anh, Hiệu trưởng Trường Đào tạo nhân lực Quốc tế AIC (Hà Nội), cho biết trong năm 2015 nhu cầu tuyển lao động Việt Nam tại Đài Loan vẫn tiếp tục tăng cao; tập trung các ngành nghề lắp ráp điện tử, dệt may, chế biến thực phẩm, cơ khí… Tại thị trường này, người lao động có thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng. “Dự kiến trong năm 2015, Công ty AIC sẽ đưa từ 1.700 đến 2.000 lao động sang Đài Loan làm việc, trong đó tập trung nhiều là lĩnh vực điện tử” - ông Anh cho biết.
Trang bị ý thức làm việc chuyên nghiệp
Ông Võ Anh Tuấn lưu ý Nhật là thị trường khá khắt khe về nguồn tuyển đầu vào. Bởi vậy người lao động muốn sang thị trường này làm việc cần chuẩn bị kỹ tâm lý, vốn tiếng Nhật, tay nghề và ý thức làm việc chuyên nghiệp... Do vậy thời gian chuẩn bị để sang Nhật làm việc tương đối dài: Từ sáu đến tám tháng học tiếng, tay nghề và định hướng nghề nghiệp; học cách giao tiếp, ứng xử để dễ hòa nhập vào môi trường làm việc.
Bà Phùng Dương Trang lưu ý thêm thị trường này cũng có nhiều cám dỗ người lao động Việt Nam bỏ trốn, ra làm việc cho các công ty, công trình tại nước sở tại. Bà Trang cảnh báo người lao động nếu chạy theo lợi ích trước mắt sẽ gánh chịu nhiều rủi ro như không có bảo hiểm xã hội, không có bảo hiểm tai nạn, đặc biệt khi xảy ra tranh chấp người lao động dễ bị trắng tay.
Ông Anh đánh giá thị trường Đài Loan yêu cầu không quá khắt khe và có nhiều nét tương đồng văn hóa với Việt Nam nên người lao động dễ hòa nhập. Cũng theo ông Anh, mức phí để sang Đài Loan khống chế không quá 4.000 USD. Thời gian đào tạo, học nghề tùy theo ngành nghề (khá ngắn) 1-3 tháng là có thể sang làm việc.
Tăng hợp tác, giảm chi phí
Ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết để đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc ở thị trường Nhật, Cục sẽ tổ chức các hội thảo tại các địa phương Nhật và Việt Nam nhằm mở rộng cơ hội tiếp xúc, hợp tác giữa các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam và các đơn vị tuyển dụng Nhật.
Đối với thị trường Đài Loan, Cục sẽ tập trung thực hiện lộ trình giảm chi phí cho người lao động và giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc phát sinh liên quan đến lao động Việt Nam làm việc tại thị trường này.
Cũng theo ông Tống Hải Nam, để nâng cao hiệu quả đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ giám sát chặt hoạt động của các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tăng cường phối hợp với Bộ Công an phát hiện và xử lý các vụ việc liên quan đến các cá nhân, tổ chức không có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài nhằm thu tiền bất chính của người lao động; qua đó hạn chế tối đa tình trạng lao động bị lừa đảo. Đồng thời phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài giải quyết các vụ việc phát sinh liên quan đến lao động Việt Nam nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Ngoài ra sẽ tăng cường các kênh truyền thông về hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài để người lao động có thể tiếp cận những thông tin chính thống về xuất khẩu lao động.
Theo Pháp luật TPHCM