Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ "rộng cửa" với lao động Việt Nam
- Bài thuốc hay
- 20:31 - 30/12/2014
Ông Tống Hải Nam. |
Giữ vững thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới
* Ông có thể đánh giá sơ bộ về tình hình XKLĐ năm 2014?
- Có thể nói, 2014 là một năm thành công đối với lĩnh vực hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, một số nước tiếp nhận lao động Việt Nam tình hình chính trị bất ổn, trục trặc, nhưng số lượng lao động Việt Nam đưa đi làm việc ở nước ngoài đã vượt chỉ tiêu chung cũng như chỉ tiêu từng thị trường được đề ra.
Tính đến hết tháng 11 đã có hơn 98.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có một số thị trường như Đài Loan, Nhật Bản đều vượt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, đưa được hơn 58.000 lao động sang thị trường Đài Loan; với thị trường Nhật Bản, đã đưa được hơn 18.000 lao động, vượt xa con số hơn 10.000 của năm 2013.
* Năm 2015 chúng ta sẽ tập trung vào những thị trường trọng điểm nào?
- Chúng ta sẽ tiếp tục ổn định, duy trì và phát triển những thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan, đẩy mạnh một số thị trường khu vực Trung Đông, các tiểu vương quốc Ả Rập Xê út, Ả Rập thống nhất và đặc biệt là Qatar.
Cục Quản lý lao động ngoài nước tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh nhiều biện pháp, giải pháp để nâng cao chất lượng lao động Việt Nam, bởi bên cạnh thị trường truyền thống, có thể mở rộng thêm nhiều thị trường mới hoặc những ngành nghề, lĩnh vực mới, có khả năng tiếp nhận lao động Việt Nam và Việt Nam cũng có khả năng cung ứng lao động cho các thị trường quốc tế.
* Thị trường Hàn Quốc có nhiều hi vọng mở cửa cho lao động mới trong năm 2015 không, thưa ông?
- Ngay khi có tình trạng lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp ở Hàn Quốc từ năm 2011 và 2012, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, đề xuất phối hợp với các cơ quan có liên quan của Việt Nam và Hàn Quốc, thực hiện rất nhiều biện pháp nhằm làm giảm, hạn chế tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Với nỗ lực của cả phía ta và phía bạn, tình trạng lao động trốn ở lại sau khi hết hạn hợp đồng đã giảm. Nếu như năm 2011 tỉ lệ là 59%, quí II/2012 là 58%, thì trong năm 2013 và 2014 tỉ lệ này đã giảm xuống, có thời điểm trong năm 2014 tỉ lệ này xấp xỉ 32%, gần đạt mức Việt Nam và Hàn Quốc mong muốn là 30%.
Cục QLLĐNN và Trung tâm LĐNN đã chủ động chủ trì với nhiều cơ quan chức năng, phối hợp với địa phương, các hội, đoàn thể để triển khai công tác thông tin, tuyên truyền đến từng người dân, gia đình có con em đang làm việc tại Hàn Quốc vận động họ về nước đúng hạn.
Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản.
Tôi cho rằng, có nhiều yếu tố khách quan nên mặc dù có giảm, thậm chí giảm rất nhiều, nhưng tỉ lệ giảm chưa đạt được như mong muốn. Năm 2015 tiếp tục triển khai thêm nhiều giải pháp để tỉ lệ này xuống ở mức thấp nhất, đạt được kỳ vọng của Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc.
Tới thời điểm này, Cục QLLĐNN, Trung tâm LĐNN, các cơ quan chức năng Việt Nam và Hàn Quốc đang xúc tiến, trao đổi về việc gia hạn thỏa thuận giữa Việt Nam và Hàn Quốc đưa lao động mới sang làm việc tại thị trường này.
Tập trung nâng cao chất lượng lao động
* Ông có thể cho biết rõ hơn về việc đưa lao động có trình độ, lao động đã qua đào tạo đi làm việc ở nước ngoài?
- Chủ trương chung của Đảng, Chính phủ là đẩy mạnh đưa lao động, đặc biệt là lao động đã qua đào tạo, có tay nghề, có kỹ thuật cao đi làm việc ở nước ngoài, nhằm nâng cao chất lượng lao động sau khi họ quay trở lại phục vụ đất nước. Đặc biệt đối với lĩnh vực y tế, hiện nay chương trình hợp tác đưa lao động chuyên ngành điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang học tập và làm việc tại hai thị trường là Nhật Bản và CHLB Đức đã bước đầu thực hiện thí điểm trong 2 năm gần đây.
Có thể nói, cả Nhật Bản và CHLB Đức đều có tỉ lệ dân số già hóa tương đối cao, có nền y học tương đối phát triển so với thế giới. Đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam có thể nâng cao chất lượng của lao động ngành y lâu dài cho đất nước.
Việc đưa điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản thông qua thỏa thuận khung về di chuyển thể nhân, thỏa thuận này nằm trong Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản, bắt đầu thực hiện từ năm 2012, đến nay đã có 330 em được đào tạo, khóa 1 là 150 em, khóa 2 là 180 em, trong đó 138 em khóa 1 đã sang học tập và làm việc tại Nhật Bản.
Đối với thị trường CHLB Đức, chúng ta đã đào tạo 100 học viên khóa 1 và hiện đã sang học tập, làm việc tại Đức 1 năm, hiện đang tiếp tục đào tạo khóa 2 là 125 học viên. Theo hai Chính phủ, sẽ đưa vào thí điểm 5 khóa, hiện nay chúng ta đang thực hiện được 2 khóa, khóa 3 vừa khai giảng với 180 học viên. Sau đó sẽ tiến tới xã hội hóa, các thành phần kinh tế có thể tham gia vào chương trình này.
Sau 2 khóa, phía Đức cũng chính thức đề nghị là từ khóa 3 chúng ta sẽ thực hiện xã hội hóa, hiện Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo giao cho Trung tâm LĐNN là đầu mối triển khai các công việc cụ thể, Cục là đầu mối phối hợp, giám sát chương trình này. Hi vọng chương trình đưa điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản và CHLB Đức sẽ là chương trình lâu dài và mở ra hướng hợp tác XKLĐ mới, cũng như tạo điều kiện cho những học viên tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng, hộ lý có cơ hội sang học tập và làm việc ở những nước có nền kinh tế, y học phát triển, tích lũy được kiến thức, mang về phục vụ đất nước.
Ngoài ra, ở thị trường các nước Trung Đông, hầu hết đưa lao động có trình độ đã qua đào tạo như nghề hàn, điện, phay hoặc lĩnh vực xây dựng như mộc, ốp, lát, trát hoặc những khâu hoàn thiện trong xây dựng...
Bên cạnh đó, lao động kỹ thuật cao cũng được đưa sang Nhật Bản và Hàn Quốc (chương trình visa E7), là chương trình yêu cầu lao động phải có chứng chỉ nghề nhất định, hiện nay hàng năm đưa được khoảng gần 500 lao động ngành nghề cao như thợ hàn công nghệ cao (3G, 6G), đầu bếp... sang Hàn Quốc. Còn Nhật Bản, bên cạnh thực tập sinh còn đưa kỹ sư công nghệ sinh học, tin học sang làm việc.
* Có vẻ như nâng cao chất lượng lao động đang là vấn đề cấp bách trong hoạt động XKLĐ, thưa ông?
- Việc nâng cao chất lượng lao động giữ vị trí then chốt, có tính quyết định cao trong việc phát triển thị trường, mở rộng và duy trì những thị trường đã tiếp nhận lao động Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH, Cục QLLĐNN đã yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp với các doanh nghiệp triển khai rất nhiều biện pháp nâng cao chất lượng lao động.
Ví như, Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, người lao động phải tự trang bị kiến thức về ngoại ngữ, nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên trong thực tế, kể từ khi Luật có hiệu lực đến nay, hầu hết các doanh nghiệp tuyển lao động đi làm việc theo đơn hàng, theo hợp đồng cung ứng lao động cho đối tác nước ngoài đều căn cứ theo yêu cầu của họ để bổ túc tay nghề, ngoại ngữ cho lao động.
Không chỉ có vấn đề ngoại ngữ, tay nghề liên quan đến chất lượng lao động, mà còn có những yếu tố liên quan đến kỷ luật, tác phong làm sao để người Việt Nam ra nước ngoài làm việc tuân thủ luật pháp của nước sở tại cũng như nội qui, qui chế nơi làm việc.
Tôi tin rằng, chất lượng lao động sẽ ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu người sử dụng lao động ở nước ngoài cũng như xu thế chung của thị trường lao động quốc tế.
11 tháng đầu năm 2014, số người đi XKLĐ là 98.748 (37.761 lao động nữ), vượt 13,5% so với kế hoạch năm 2014 và bằng 125,37% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường: Đài Loan: 3.972 lao động (1.925 lao động nữ), Nhật Bản: 1.937 lao động (900 lao động nữ), Hàn Quốc: 394 lao động (8 lao động nữ), Malaysia: 293 lao động (117 lao động nữ), Ả rập - Xê út: 422 lao động (353 lao động nữ), Macao: 231 lao động (203 lao động nữ) và các thị trường khác. |