CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:00

Di dân phố cổ: Ì ạch đến bao giờ?

 

Dự án nhà ở giãn dân phố cổ xây xong “đắp chiếu”

Đề án giãn dân phố cổ là giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha. Theo đó, khu vực phố cổ quận Hoàn kiếm phải di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người. Đề án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I triển khai di dời 1.530 hộ dân bắt đầu từ quý IV/2013 và hoàn thành vào quý IV 2016. Khu đô thị giãn dân phố cổ rộng hơn 11ha trong Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên. Giai đoạn II sẽ di dời hơn 5.000 hộ dân ngay sau khi Dự án giai đoạn I kết thúc triển khai trong các khu đô thị khác do thành phố bố trí. Đề án giãn dân phố cổ sẽ kết thúc vào năm 2020.

Để thực hiện kế hoạch di dời các hộ dân trong giai đoạn 1, năm 2015, UBND TP Hà Nội chấp thuận cho quận Hoàn Kiếm triển khai xây dựng khu đô thị giãn dân phố cổ tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, với diện tích hơn 11ha, gồm 16 tòa nhà cao từ tám đến chín tầng, một tòa nhà hỗn hợp làm khu trung tâm thương mại, dịch vụ, công trình công cộng cao 15 tầng và các công trình phúc lợi xã hội như trường học, trạm y tế, không gian sinh hoạt cộng đồng, tuyến phố đi bộ.

 

Cảnh chen chúc chật chội tại những căn nhà ở phố cổ.

 

 Những hộ dân hiện đang sống trong các di tích lịch sử, trường học, công sở, trong các ngôi nhà do Nhà nước quản lý, xuống cấp nguy hiểm mà có mật độ dân số quá cao không đảm bảo điều kiện sống sẽ thực hiện di chuyển theo chính sách giải phóng mặt bằng (GPMB) và được hưởng các chế độ theo quy định của Nhà nước về đền bù GPMB hiện đang được áp dụng trên địa bàn thành phố. Đối với các đối tượng tự nguyện giãn dân: Mỗi hộ giãn dân được mua 1 căn hộ, số nhân khẩu phù hợp với diện tích căn hộ với giá đảm bảo kinh doanh và được miễn tiền sử dụng đất (không bao gồm giá đất và chi phí hạ tầng kỹ thuật).

 Ngoài ra, đối với các hộ dân trong diện giãn dân phố cổ nếu đang sinh sống, kinh doanh tại diện tích nhà mặt phố trong khu phố cổ hoặc hộ dân có nhu cầu kinh doanh thương mại để đảm bảo cuộc sống sẽ được xem xét bố trí kinh doanh dịch vụ tại tầng 1 của các tòa nhà 9 tầng trong khu nhà ở giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng.

 

Ban công được tận dụng làm khu bếp.

 

Nhưng một nghịch lý đã xảy ra khi những người dân phố cổ đang phải sống trong chen chúc ở những căn nhà sập xệ xuống cấp thì những tòa nhà chung cư phục vụ cho đề án giãn dân phố cổ tọa lạc ngay mặt đường Lý Sơn (phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội) có giao thông thuận lợi, đường phố thông thoáng lại đang trong tình trạng “đắp chiếu”, xuống cấp nghiêm trọng vì không có người đến ở.

5 block nhà cao 9 tầng  khu chung cư giãn dân phố cổ này trong tình trạng ‘cửa đóng, then cài” nhiều năm. Cửa kính ở sảnh luôn được khóa chặt, không có ai ra vào. Bên trong nền nhà tầng 1 lổn nhổn những viên gạch lát nền đã vỡ, đồ dùng sinh hoạt giăng mắc, vứt bừa bãi khắp nơi. Mái che phải chịu nắng mưa nhiều năm trời trở nên rêu phong, mốc meo. Khung sắt lan can tầng 1 và lối xuống hầm xe đã bị gỉ sắt hoen ố. Lối đi xuống hầm để xe quây tôn sắt, đầy rác rưởi bốc mùi xú uế nồng nặc. Phía trước mặt tòa nhà những bồn hoa cỏ mọc dại mọc um tùm khiến khủng cảnh ở đây càng thêm tiêu điều, hoàng tàn.

Người dân phố cổ băn khoăn nỗi lo mưu sinh nơi ở mới

Là người đã sinh sống ở phố cổ đã hơn 60 năm bà Hoàng Bích Hạnh, phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm chia sẻ: “Đúng là ở phố cổ thì rất khổ, tính ra mỗi người chỉ được vài m2 nhà. Chật chội, đi ra, đi vào va chạm nhau, gây ra những bức xúc giữa người này với người kia. Chính vì vậy ai cũng mong muốn có được một nơi ở khang trang, sạch sẽ. Nhưng điều mà mọi người dân băn khoăn nhất sau khi đến nơi ở mới, họ sẽ làm gì để có thu nhập, ổn định cuộc sống. Ở nhà dù to hay nhỏ thì người ta cũng phải có cái mưu sinh đó là điều quan trọng nhất đối với mỗi người. Ở đây, với những người già không có lương hưu như chúng tôi mỗi ngày ra đầu ngõ  bán vài ấm trà cùng một số thứ lặt vặt là có thể kiến vài trăm nghìn đồng đủ chi tiêu sinh hoạt”.

 

Khu nhà ở giãn dân phố cổ nằm "đắp chiếu" nhiều năm.

 

Anh Bùi Đức Tuấn ở 18 Hàng Chiếu, chủ cửa hiệu kinh doanh hàng mỹ phẩm - cho biết: Gia đình tôi kinh doanh ở đây được hơn 30 năm rồi và nếu phải di dời sang KĐT Việt Hưng (Long Biên) thì tôi biết làm gì để sống. Việc buôn bán phải có khu vực, đông người thì mới làm ăn được, chứ ở KĐT Việt Hưng vắng người thì biết buôn bán gì để sống”.

Ông Nguyễn Văn Hùng, sinh sống tại phố Hàng Chiếu băn khoăn, phần lớn người dân khu phố cổ đã sinh sống ổn định, lâu dài cho nên khi di chuyển sang nơi ở mới sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt. Chi phí đi lại hay việc chuyển trường học cho con cháu sẽ tốn kém... Đáng chú ý, người dân rất lo lắng khi di chuyển đến nơi ở mới sẽ ảnh hưởng đến việc mưu sinh do phần lớn cuộc sống của họ đều gắn liền với việc kinh doanh, buôn bán ở khu phố cổ.

 

Cỏ mọc um tùm, rác rưởi bủa vây các tòa nhà.

 

Mới đây, trả lời cử tri về thực trạng ì ạch trong việc giãn dân phố cổ, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, chủ trương di dời cư dân phố cổ được thành phố giao quận Hoàn Kiếm từ năm 2009. Đồng thời thừa nhận, đề án xây dựng khu giãn dân bị chậm là do nhà đầu tư (Công ty Hồng Hà) không có năng lực tài chính, “dính” đến sai phạm - lừa đảo, bị cơ quan pháp luật khởi tố. “Hiện thành phố đang giao cho quận Hoàn Kiếm kêu gọi đầu tư vào dự án này theo tinh thần đặt hàng để xây dựng theo tiêu chí nhà thương mại để đảm bảo tiêu chuẩn theo ý kiến của người dân”, ông Nguyễn Đức Chung nói.

 

Ngày 14/3/2018, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Quốc Xương (SN 1958, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà), Nguyễn Đức Thắng (SN 1950), Nguyễn Đức Lợi (SN 1955, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phát triển kinh tế Hà Nội) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại dự án nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ Hà Nội.

Theo cáo trạng, từ năm 2000, UBND TP Hà Nội chấp thuận cho UBND quận Hoàn Kiếm là chủ đầu tư Dự án gián dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng (Hà Nội) với số vốn giai đoạn 1 khoảng 4.000 tỷ đồng. Thấy vậy, Nguyễn Đức Thắng đã môi giới cho Cty Hà Nội do em trai mình làm Tổng giám đốc với UBND quận Hoàn Kiếm để được xây dựng căn hộ phục vụ giãn dân. Năm 2009, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm ký công văn chấp thuận việc Cty Hà Nội được bỏ kinh phí xây dựng 1.800 căn hộ phục vụ giãn dân tại khu đô thị Việt Hưng. Sau đó, Nguyễn Đức Thắng lại môi giới cho Trần Ứng Thanh – nguyên TGĐ Cty Hồng Hà để thực hiện dự án. Theo thỏa thuận, ông Thanh sẽ “lại quả” 7% (khoảng 280 tỷ đồng) tiền đầu tư cho Thắng và Cty Hà Nội. Trong đó, Thắng phải dùng 5% để đi quan hệ cho Cty Hồng Hà được thi công toàn bộ dự án và hưởng các ưu đãi.

Năm 2010, UBND quận Hoàn Kiếm ra quyết định giao Cty Hồng Hà thu xếp nguồn vốn và đầu tư dự án giãn dân tại khu đô thị Việt Hưng. Trần Ứng Thanh khai nhận, đã dùng tiền vào việc quan hệ, quà biếu để Cty Hồng Hà có được quyết định này và được hưởng các ưu đãi như mua 100 căn hộ tại dự án; có 25% số căn hộ để kinh doanh; được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch…Tuy nhiên, phải đến năm 2012, Thành ủy Hà Nội mới thông qua và giao UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai cơ chế đặc thù, được chỉ định nhà thầu ứng vốn xây dựng và thi công phục vụ giãn dân phố cổ. Mặc dù vậy, Cty Hồng Hà vẫn sử dụng các văn bản được UBND quận Hoàn Kiếm cấp để giới thiệu mình là chủ đầu tư dự án, mời khách hàng mua căn hộ. Tổng cộng, từ 2010 – 2012, Cty Hồng Hà đã nhận đặt cọc của 146 người, thu hơn 169 tỷ đồng (hiện mới trả được 32 tỷ đồng).

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh