CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:36

Giãn dân phố cổ: Nỗi niềm kẻ ở, người đi

 

 

Nỗi lo sinh kế

Giãn dân phố cổ là chủ trương lớn của TP. Hà Nội, nhằm giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ hơn 820 người/ha xuống còn khoảng 500 người/ha, tương ứng với việc di chuyển hơn 6.500 hộ dân, với hơn 26 nghìn người. Đề án giãn dân phố cổ quận Hoàn Kiếm được chia làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn một sẽ di chuyển 1.530 hộ dân, 6.100 người dân đang sống trong các di tích, công sở, trường học, các ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt, các số nhà do nhà nước quản lý có mật độ quá cao hoặc trong khu vực cần giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án và các hộ dân có nguyện vọng tự nguyện di chuyển.

Để thực hiện kế hoạch này, UBND quận Hoàn Kiếm đang chuẩn bị đầu tư xây dựng khu nhà giãn dân phố cổ tại khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên, với diện tích hơn 11ha, gồm 16 tòa nhà cao từ tám đến chín tầng, một tòa nhà hỗn hợp làm khu trung tâm thương mại, dịch vụ, công trình công cộng cao 15 tầng và các công trình phúc lợi xã hội như trường học, trạm y tế, không gian sinh hoạt cộng đồng, tuyến phố đi bộ. Các hộ dân khi di chuyển sẽ được hỗ trợ một phần diện tích căn hộ tái định cư, phần diện tích vượt khung sẽ được trả dần. Nếu hộ dân không đủ điều kiện bố trí nhà tái định cư sẽ được thuê, thuê mua nhà. Thời gian khởi công dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật diễn ra vào cuối quý I để khởi công xây dựng các tòa nhà vào quý III-2015. Bắt đầu từ quý I-2017 sẽ tiến hành giãn dân đợt một đối với các trường hợp trong diện giải phóng mặt bằng và cơ bản hoàn thành giai đoạn một trong năm 2017.

Tuy nhiên nhiều người dân đang sinh sống ở phố cổ không khỏi lo lắng về cuộc sống mưu sinh khi về nơi ở mới. Bà Nguyễn Thị Sáu ở số nhà 47, Hàng Đường chia sẻ: “Thực lòng ai cũng mong muốn có một nơi ở rộng rãi, đàng hoàng hơn thay vì phải chui trong những căn nhà chật chội xuống cấp ở phố cổ, nhưng liệu đến nơi ở mới những người già như chúng tôi sẽ làm gì để kiếm sống trong khi ở phố cổ sáng ra tôi chỉ bán mấy ấm nước chè, ít kẹo lạc.. là đủ tiền sống trong ngày. Cái quan trọng nhất đối với người dân khi đến nơi ở mới là điều kiện sống như thế nào, có cái gì để đảm bảo cuộc sống cho người dân sau này hay không?”

Cùng chung tâm trạng, ông Nguyễn Văn Hùng, sinh sống tại phố Hàng Chiếu băn khoăn, phần lớn người dân khu phố cổ đã sinh sống ổn định, lâu dài nhiều đời nay tại phố cổ vì vậy khi di chuyển sang nơi ở mới sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt. Chi phí đi lại hay việc chuyển trường học cho con cháu sẽ tốn kém... Hơn nữa, khi di chuyển đến nơi ở mới sẽ ảnh hưởng đến việc mưu sinh của đa số người dân bởi phần lớn cuộc sống của họ đều gắn liền với việc kinh doanh, buôn bán ở khu phố cổ.

 

 

Còn muôn vàn khó khăn

Từ năm 1999, Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho quận Hoàn Kiếm nghiên cứu lập dự án giãn dân phố cổ với 28ha đất xây dựng khu giãn dân ở Khu đô thị Việt Hưng, khoảng 14ha ở Ngọc Thụy và một vài vị trí khác trên đường Nguyễn Văn Cừ. Khi đó, TP đã đặt vấn đề phải giãn 26.000 dân trong số 86.000 dân nằm trong khu vực 100ha của phố cổ. Ngoài sự phức tạp chung của bất kỳ dự án giãn dân nào là vướng cả nơi đi lẫn nơi đến, đề án giãn dân phố cổ còn vấp phải những khó khăn vô hình về giá trị truyền thống, tâm linh, tinh thần… của cư dân. Chưa kể không người dân nào có thể đồng lòng rời bỏ một nơi ở có giá trị kinh tế, khả năng sinh lời cao như phố cổ Hà Nội.

Theo báo cáo của chủ đầu tư (UBND quận Hoàn Kiếm), giai đoạn chuẩn bị đầu tư được tính từ năm 2009-2011; giai đoạn đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ và di dời dân 2012-2015. Việc bàn giao căn hộ giãn dân giai đoạn 1 sẽ chia làm 3 đợt, đợt đầu tiên vào quý IV-2013, đợt thứ hai vào quý III-2014 và đợt cuối vào quý III-2015. Tuy nhiên đến nay Đề án đã phải lùi thời gian giãn dân vào năm 2017.

Ông Phạm Tuấn Long, Phó Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: Với mục tiêu bảo tồn phố cổ, đối tượng giãn dân lần này được chúng tôi xếp theo thứ tự ưu tiên là giải phóng mặt bằng bắt buộc với các hộ sống trong đình, đền, chùa, các cơ quan, trường học, các công trình nhà ở có giá trị cần được bảo tồn, các công trình nguy hiểm. Còn các hộ dân sống trong các khu nhà do Nhà nước quản lý có mật độ cao, các hộ dân sống trong các biển số nhà đông hộ, các chung cư xuống cấp và các hộ dân khác có có nhu cầu tự nguyện di chuyển sẽ được tạo điều kiện hoặc được vận động di chuyển. 

Tuy vậy, với một cuộc “đại di dời” liên quan đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân thuộc nhiều thế hệ, nhất là các gia đình đã sinh sống nhiều đời nay tại phố cổ Hà Nội với những thói quen, tập quán gắn liền với đặc trưng nơi này là điều không đơn giản.

Ông Phạm Tuấn Long thừa nhận, việc di dời người dân đến nơi ở mới chắc chắn sẽ có tác động rất lớn đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân, nhất là đối với người già, trẻ em. Vì vậy, khi nghiên cứu lập thiết kế của khu nhà giãn dân, UBND quận Hoàn Kiếm đã tính toán đến cơ sở hạ tầng xã hội cũng như hiện trạng tổng thể của cả khu đô thị Việt Hưng. Hiện tại, các điều kiện về trường học các cấp ở khu đô thị Việt Hưng đều được thiết kế đầy đủ, đồng thời, trong khu nhà giãn dân cũng có trường mẫu giáo, trạm y tế…

Ngoài ra, các hộ dân khi sang đây sẽ được bố trí diện tích tầng một để kinh doanh, góp phần tạo ra việc làm ngay chính tại khu giãn dân mới. Đây là điểm khác biệt của dự án này so với các dự án khác đã triển khai. Một thói quen của người dân phố cổ là sinh hoạt cộng đồng diễn ra trên không gian công cộng. Để duy trì nếp sống này, trong mỗi khối nhà tại khu giãn dân đều được bố trí sân trong, tạo không gian xanh, không gian sinh hoạt văn hóa phục vụ người dân...

Việc triển khai thực hiện đề án giãn dân phố cổ là công việc lớn và khó khăn, mang ý nghĩa xã hội cao. Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc triển khai xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng, quận Hoàn Kiếm cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong cán bộ và các tầng lớp nhân dân. Các cơ quan chức năng phải bảo đảm tiến độ xây dựng khu tái định cư, chất lượng công trình; tiếp tục nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ cao nhất để người dân phố cổ làm ăn, sinh sống ổn định tại nơi ở mới.

Châu Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh