THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:09

Đi chợ côn trùng ở Campuchia

Ngày cuối cùng trong hành trình tour tham quan Campuchia, trên đường trở về cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), đoàn du khách Việt được ghé thăm chợ côn trùng nổi tiếng của đất nước chùa Tháp. Theo giải thích từ  hướng dẫn viên của Viettravel, chợ côn trùng chỉ là cách gọi của du khách Việt, còn với người dân bản địa, đây là chợ Skun- lấy tên thị trấn thuộc Kamphong Cham, tỉnh phía đông của Campuchia và giáp với Việt Nam.

Thị trấn Skun cách Thủ đô Phnom Penh chừng 70 km. Điểm thuận lợi là cả tuyến tour Phnom Penh -  Siem Riep và Phnom Penh – Mộc Bài đều có thể chọn chợ Skun làm điểm dừng chân để du khách tham quan, thưởng thức ẩm thực đặc trưng của người dân Campuchia là các món đặc sản… côn trùng.

Nhiều du khách thoáng rùng mình trước mâm côn trùng còn nguyên chân.  

Chợ Skun nhìn thoáng qua cũng giống nhiều chợ quê khác ở Việt Nam, thiết kế chỉ có mái che, thoáng tứ bề, ranh giới phân định giữa các gian hàng là những cọc thép ống. Diện tích chợ rộng chừng 500- 600 m2, trong đó, khu vực bán các loại côn trùng như rết, bò cạp, cà cuống, nhện, dế, châu châu… án ngữ ngay phía trước chợ. Chỉ khoảng chục sạp hàng côn trùng nhưng mùi thơm phức của các món xào, chiên trùm phủ cả khu chợ.

Đến Campuahica, nhiều du khách Việt muốn đuợc trải nghiệm với món ăn đặc sản độc và lạ là côn trùng chiên, xào... 

Theo chân anh Lê Ngọc Thuận- người từng có thời gian làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia, nhóm chúng tôi dạo một vòng qua những gian hàng bán côn trùng. Điều dễ nhận thấy là các loại côn trùng sau khi chế biến đều được bày trên mâm, cùng do phụ nữ ngồi bán. Đặc biệt, dù được chế biến từ bò cạp, rết, cà cuống hay sâu bọ, cào cào, nhện,… nhưng khi đã trở thành món ăn đặc sản thì con nào con nấy đều vàng ruộm và… thơm nức mũi. Để du khách yên tâm thưởng thức mặt hàng độc và lạ này, hướng dẫn viên của Viettravel cho biết, nông dân Campuchia không sử dụng thuốc sâu trong làm nông nghiệp nên côn trùng có điều kiện sinh sôi nảy nở, ăn chúng không lo độc hại. Thậm chí, với nhiều gia đình, các loại côn trùng còn là món ăn giàu dinh dưỡng, được sử dụng thường ngày.  

Ghé vào một sạp hàng, anh Thuận chỉ mâm cà cuống và hỏi giá. “Mỗi con 10 ngàn đồng tiền Việt hoặc 2.000 tiền ria Campuchia”, người bán hàng nói giọng lơ lớ tiếng Việt. “Sao đắt vậy? Anh Thuận thắc mắc. Không trả lời thẳng vào câu hỏi của khách, chủ hàng chỉ tay vào các mâm bày toàn là nhện, cào cào, dế,… và nói: “Mua loại này cho rẻ, 20 ngàn đồng một lon”. Đi ngay bên cạnh, cậu hướng dẫn viên nói: “Cà cuống đắt hơn vì có chứa tinh dầu”.

Trong khi nhiều du khách còn ngại ngần thì anh Lê Ngọc Thuận hào hứng hỏi mua dế.

Dẫu được hướng dẫn viên giải thích lý do bán giá đắt hơn, song nhiều du khách trong đoàn vẫn phỏng đoán người dân bản địa đã lấy tinh dầu ra khỏi những con cà cuống để đem bán. “Mua loại này ăn thử, nếu ngon sẽ mua cà cuống”, ông Nguyễn Lân, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh nói và chỉ vào mâm đựng đầy nhện còn nguyên những đôi chân dài ngoằng. Trong khi đó, anh Thuận lại hào hứng chỉ vào mâm dế, hỏi mua 1 lon. Cầm 20 ngàn đồng từ tay anh Thuận, người bán hàng dùng chiếc lon (như kiểu lon ống sữa bò ở Việt Nam), phía bên trong đã lót sẵn túi nilon nhỏ để đong hàng. Nhận túi dế từ tay người phụ nữ, anh Thuận nhón từng con đưa lên miệng và ăn ngon lành. “Rất bùi và ngậy”, anh nói vậy.

Nhìn sang nhóm khách đến từ tỉnh Tây Ninh, tôi thấy họ cũng đã cầm trên tay túi dế và châu chấu (mỗi túi tương đương 1 lon). Thoáng rùng mình với hai từ “côn trùng”, tuy vậy tôi vẫn tự nhủ “đã đi là cần trải nghiệm”. Với ý nghĩ ấy, tôi nhón thử một chú dế và lên dây cót tinh thần để… nhai. Như có luồng điện thoáng chạy đến chân tóc, nhưng cũng lạ, ngay sau nỗi sợ hãi là sự thích thú vì tôi đã “chinh phục” món ăn từng khiến biết bao người rùng mình. Nhón thử chú dế thứ hai, lần này tôi cảm nhận được vị giòn, béo và thơm ngậy của loài côn trùng này khi đã qua chế biến. Mô tả lại cảm giác của mình khi vừa trải nghiệm với món đặc sản mà có du khách cho là… kỳ dị, tôi động viên anh Tự, chị Lan, chị Huệ –những người cùng nhóm khách đi từ Hà Nội ăn thử con dế, song ai nấy đều lắc đầu và thoáng rùng mình. 

Cà cuống- món ăn có giá nhất trong số các loại côn trùng bán tại chợ Skun. 

          Trở lại xe để tiếp tục hành trình về Cửa khẩu Mộc Bài, anh Thuận và nhóm khách Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh vẫn hứng thú “giải quyết” mấy túi dế, châu chấu và nhện đã mua. Trong khi đó, hướng dẫn viên của Viettravel tiếp tục giới thiệu về cách đánh bắt côn trùng của người dân Campuchia. Cứ như lời cậu ta thì cách đánh bẫy côn trùng của người dân bản địa khá đơn giản, thông dụng nhất là họ căng tấm nilon trắng dài khoảng 2- 3 m, bên dưới có để máng nước, bên trên dùng bóng đèn nê ông màu tím để dụ côn trùng. Đếm đến, khi lao vào bóng đèn, các loại côn trùng sẽ rơi xuống máng nước, bị ướt cánh và không thể bay được nữa. Hướng dẫn viên cho biết thêm, những người đánh bắt côn trùng không sử dụng đèn màu trắng, bởi theo kinh nghiệm của họ, dùng loại đèn này dễ thu hút rắn đến ăn côn trùng.

 Chặng đường về cửa khẩu Mộc Bài như đuợc rút ngắn hơn khi  du khách trong đoàn tiếp tục được nghe những câu chuyện liên quan đến việc đánh bắt côn trùng và món đặc sản lạ ở Campuchia.

Hải Ngọc

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh