CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:21

Đem lại sự công bằng và bình đẳng cho mọi trẻ em

 

Bên cạnh Luật Trẻ em năm 2016, Việt Nam đã xây dựng nhiều điều luật, chính sách và kế hoạch khác liên quan tới phát triển toàn diện của trẻ như: Luật Bảo hiểm y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, Luật Giáo dục công nhận giáo dục mầm non là một phần của hệ thống giáo dục quốc gia, Bộ luật Lao động quy định thời gian nghỉ thai sản là 6 tháng dành cho nữ giới và nhiều văn bản liên quan đến cải cách phúc lợi xã hội hướng tới một hệ thống xã hội đổi mới, hòa nhập và đảm bảo quyền lợi người dân.

Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức trong việc hỗ trợ phát triển nhận thức và cảm xúc của trẻ em trai và trẻ em gái ở Việt Nam, đặc biệt ở nhóm trẻ em 0 – 4 tuổi. Gần 25% trẻ em dưới 5 tuổi bị thấp còi, khoảng 77% trẻ em ở lứa tuổi nhà trẻ và 13% trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo không được tham gia các chương trình giáo dục mầm non chính thống. Mỗi năm, vẫn còn khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại; 170.000 trẻ mồ côi, bỏ rơi và nhiều trẻ em bị tai nạn thương tích trong đó đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cùng các đại biểu chủ trì hội thảo.

 

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng: “Để hướng tới phát triển bền vững và công bằng xã hội, Việt Nam cần triển khai chiến lược chăm sóc trẻ em mang tính toàn diện hơn và chăm sóc tập trung  vào những năm đầu đời của trẻ. Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và triển khai Đề án “Chăm sóc vì sự phát triển trẻ thơ toàn diện trẻ em những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng”, trong đó tập trung vào trẻ em từ 0 – 8 tuổi, ưu tiên trẻ em dưới 3 tuổi vì đây là giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ em, tạo tiền đề cho sự phát triển sau này”.

Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Youssouf Jelil chia sẻ: “Chính phủ Việt Nam đã đưa ra quyết định đúng đắn khi cam kết xây dựng một chính sách mang tầm quốc gia về phát triển trẻ thơ toàn diện. Chất lượng học tập kém, lương thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao và gánh nặng trợ cấp xã hội ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế, xã hội là những hệ quả to lớn nếu không có sự cam kết mạnh mẽ từ chính phủ”.

Theo dự thảo Đề án phát triển trẻ thơ toàn diện giai đoạn 2017 – 2025 hướng đến mục tiêu đảm bảo tất cả trẻ em dưới 8 tuổi được phát triển đầy đủ về thể chất, tâm lý, tinh thần, đạo đức và xã hội; Được tiếp cận bình đẳng các dịch vụ cơ bản về chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần, dinh dưỡng, giáo dục, nước sạch vệ sinh và các chính sách an sinh xã hội để có thể thực hiện các quyền được sống, được phát triển, học tập và bảo vệ bản thân.

Đề án phát triển trẻ thơ toàn diện tạo cơ hội cho mọi trẻ em được phát triển bình đẳng.

 

Các hoạt động chính của Đề án bao gồm: Truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong chăm sóc phát truển toàn diện trẻ em những năm đầu đời cho các nhà hoạch định chính sách, các cấp chính quyền đặc biệt là cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, trẻ em và cộng đồng; đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ ngành y tế, giáo dục, LĐ-TB&XH tại các cấp, người chăm sóc trẻ tại các cơ sở bảo trợ xã hội, giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non, nhân viên y tế về chăm sóc và phát triển trẻ thơ toàn diện; Hỗ trợ giáo dục cho trẻ em từ 0 – 8 tuổi; hỗ trợ bảo vệ trẻ em; hoàn thiện các chính sách bảo trợ xã hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…

Kinh phí thực hiện Đề án khoảng 450 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương 160 tỷ đồng, ngân sách địa phương 215 tỷ đồng và 65 tỷ đồng huy động từ quốc tế, lồng ghép xã hội hóa.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, chuyên gia phát triển trẻ thơ toàn diện (UNICEF) đánh giá, Đề án sẽ tác động đẩy nhanh sự tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Thực tế đã chứng minh, đầu tư phát triển trẻ thơ là đầu tư vốn con người và được thể hiện thông qua lực lượng lao động thông minh và khỏe mạnh sẽ góp phần giảm nghèo đói trong tương lai. Đầu tư này có thể ảnh hưởng đến chất lượng nguồn lao động mà có thể thấy qua các chỉ số về giáo dục, sức khỏe và dinh dưỡng. Rõ ràng, từ quan điểm tăng trưởng, nếu muốn thúc đẩy năng suất lao động, Việt Nam nên đầu tư thêm con người (nguồn nhân lực) theo một hình thức và ở một độ tuổi mà mang lại tỷ lệ thu hồi vốn cao nhất.

Về mặt xã hội, theo ông An, Đề án sẽ góp phần nâng cao tính công bằng về cơ hội phát triển cho trẻ em. Một thực tế cho thấy, trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số chưa được bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ phát triển trẻ thơ. Nếu bản thân cha mẹ do nghèo không có khả năng đầu tư phát triển trẻ thơ một cách hiệu quả cho con em mình có thể chúng vẫn sẽ nghèo khi trưởng thành. Nghèo sẽ được tiếp nối qua nhiều thế hệ. Sự đầu tư của Chính phủ vào các dịch vụ can thiệp của Đề án phát triển trẻ thơ toàn diện nhằm loại bỏ những sự khác biệt như vậy, đem lại sự công bằng và bình đẳng cho mọi trẻ em. Phát triển trẻ thơ toàn diện sẽ là một chương trình đầu tư hiệu quả, hợp lý, chống lại sự nghèo khó và bất bình đẳng.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh