THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:38

Chuyên gia trẻ em lên tiếng về cảnh cuối phim Người phán xử

 

 

Cảnh cuối cùng của bộ phim truyền hình “Người phán xử” lên sóng với hình ảnh: Phan Quân ôm lấy thi thể của Lê Thành, sau đó ngồi trong xe thùng cảnh sát, đau đớn bất lực nhìn cháu đích tôn hoảng hốt, bơ vơ chạy theo đã lấy nước mắt của rất nhiều khán giả.

Tuy nhiên đây cũng là cảnh quay gây tranh cãi nhiều nhất từ phía khán giả sau khi bộ phim kết thúc. Nhiều khán giả cho rằng chi tiết này thiếu tính nhân văn cần phải có để thu phục lòng người trong những bộ phim tội phạm như thế này.

Bữa tiệc đón tuổi mới của Phan Hưng (biệt danh cu Bin) thay vì nhận được những lời chúc tốt đẹp an lành thì ngập tràn trong đau thương, mất mát.

 

 

Chiếc bánh kem bị gài bom. Bà nội chết. Bố mẹ và ông nội bị bắt. Ngay cả một cái nắm tay của ông để trấn an hoặc một lời giải thích cho đứa trẻ non nớt ấy hiểu chuyện gì đang xảy ra cũng bị những cánh tay lạnh lùng của cảnh sát gạt đi.

Đứa trẻ tội nghiệp đuổi chạy theo chiếc xe cảnh sát chở ông nội đi đền tội. Nhưng những bước chân yếu ớt, nhỏ bé không thể theo kịp động cơ xe của cảnh sát. Cu Bin nhỏ bé bơ vơ giữa mảnh đất rộng lớn hoàng tráng của tập đoàn Phan Thị, mếu máo chạy theo chiếc xe tù đang chở ông nội khiến nhiều khán giả bị ám ảnh thật sự. Đồng thời có rất nhiều dấu hỏi được đặt ra về số phận của cu Bin sau mất mát quá to lớn này.

Không ít khán giả đã phản ứng gay gắt với các kết của bộ phim, bởi: “ Phim lựa chọn sinh nhật của một đứa bé để làm tan nát gia đình nó. Ông và bố mẹ bị bắt, bà thì chết. Sau này nó sẽ sống như thế nào? Nhìn cảnh thằng cu Hưng chạy theo xe tù mà thương quá”.

Dưới góc độ chuyên gia về trẻ em, ông Nguyễn Trọng An cho rằng: “Tôi kiên quyết phản đối việc đưa những cảnh trẻ em phải chứng kiến bạo lực bởi nó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý trẻ nhỏ”.

 

 

Theo ông An, Luật Trẻ em 2016 vừa chính thức có hiệu lực từ 1/7/2017 đã quy định rõ về việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cũng như trách nhiệm “Bảo đảm thông tin, truyền thông cho trẻ em”.

Điều Điều 46 của Luật Trẻ em 2016 quy định: Nhà nước bảo đảm trẻ em được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, tìm hiểu, học tập, trao đổi kiến thức qua các kênh thông tin, truyền thông phù hợp; Các cơ quan thông tin, xuất bản phải dành tỷ lệ nội dung, thời Điểm, thời lượng phát thanh, truyền hình, ấn phẩm phù hợp cho trẻ em. Thông tin, đồ chơi, trò chơi, chương trình phát thanh, truyền hình, nghệ thuật, điện ảnh có nội dung không phù hợp với trẻ em phải thông báo hoặc ghi rõ độ tuổi trẻ em không được sử dụng; Nhà nước khuyến khích phát triển thông tin, truyền thông phù hợp với sự phát triển toàn diện của trẻ em; sản xuất, đăng tải nội dung, thông tin với thời lượng thích hợp cho trẻ em dân tộc thiểu số.

Theo đó các chương trình phát thanh, truyền hình, nghệ thuật, điện ảnh có nội dung không phù hợp với trẻ em phải thông báo hoặc ghi rõ độ tuổi trẻ em không được sử dụng. Tuy nhiên hiện nay, hầu hết các phim truyền hình Việt Nam vẫn không thực hiện nghiêm túc quy định này.

Đối với những phim có yếu tố bạo lực hoặc không phù hợp với độ tuổi trẻ em phải phát sóng sau 22h và có dòng chữ cảnh báo để trẻ em biết chọn lọc những bộ phìm nào không nên xem. “Mặc dù các quy định đã có nhưng việc thực thi những quy định này chưa nghiêm. Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thông tin, giải trí cần siết chặt để đảm bảo bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, ông An nhấn mạnh.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh