THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:03

1000 ngày đầu đời là cơ hội vàng cho trẻ em

 

Các bằng chứng khoa học được công bố trên tạp chí về y tế có uy tín The Lancet đã chỉ rõ rằng 1000 ngày đầu đời, tức là từ lúc được thụ thai cho đến khi trẻ 3 tuổi, là thời kỳ vàng cho sự phát triển trẻ. Trong thời kỳ này, não bộ của trẻ có thể thiết lập 1000 liên kết thần kinh trong mỗi giây, tốc độ này chỉ xảy ra một lần trong đời, và những liên kết này sẽ tạo lâp nền tảng cho tương lai của trẻ.

Theo khoa học, những điều cần thiết để não bộ của trẻ thiết lập những liên kết này là: Dinh dưỡng, tương tác ngay từ những khoảnh khắc sớm nhất có thể và kỹ năng làm cha mẹ.

 

Ông Youssouf Abdel-Jelil, Đại diện UNICEF tại Việt Nam.

 

Trong những năm đầu đời, não bộ của trẻ sử dụng rất nhiều năng lượng lấy từ thức ăn và chất dinh dưỡng. Nếu trẻ không được ăn uống đầy đủ, sự phát triển của não bộ và thể chất có thể bị ảnh hưởng vĩnh viễn. Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn còn có gần 25% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi.

Những trẻ em khi được tương tác như được nghe đọc sách, nói chuyện, hát và chơi cùng đều có sự phát triển trí não tốt hơn, và do đó có cơ hội tốt hơn để phát triển toàn diện và có cuộc sống hữu ích hơn. Đó hoàn toàn không phải là vấn đề mua cho trẻ những đồ chơi đắt tiền. Bằng chứng cho thấy trẻ em ở trong các gia đình khó khăn có tương tác tốt với cha mẹ khi còn nhỏ thì khi trưởng thành các em thường có thu nhập nhiều hơn những trẻ không có được sự tương tác này.

Làm cha mẹ tốt nghĩa là không gây thương tổn cho con cả về thân thể lẫn lời nói. Bị bạo lực, sao nhãng và đau buồn sẽ sản sinh ra nhiều hóc môn và làm cho trẻ căng thẳng, do đó hạn chế sự liên kết ở não bộ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hơn 2/3 trẻ em vẫn bị ảnh hưởng của bạo lực tại gia đình. Tương tác sớm, dinh dưỡng tốt và kỹ năng làm cha mẹ, tất cả giúp hình thành tương lai cho trẻ và ảnh hưởng đến tương lai của đất nước, nền kinh tế cũng như sự phát triển của xã hội.

Chính phủ Việt Nam đã có quyết định đúng đắn trong việc cam kết xây dựng một chính sách về chăm sóc và phát triển toàn diện trẻ em, với sự tham gia của tất cả các ban ngành liên quan mật thiết đến đời sống của trẻ. Nếu không có sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, thì chúng ta sẽ phải trả một giá đắt cho chất lượng học tập không tốt, thu nhập thấp hơn, tỉ lệ thất nghiệp cao hơn và gia tăng lệ thuộc vào phúc lợi xã hội, và tất cả những điều này sẽ làm giảm sự tiến bộ vê kinh tế và xã hội của tất cả mọi người.

 

Chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách để kích thích sự phát triển của não bộ.

 

Chúng ta cần phải đi xa hơn việc xây dựng một chính sách, chúng ta cần phải hợp tác với nhau, chúng ta - bao gồm Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức quần chúng, các doanh nghiệp, cần phải tìm ra các cách thức để đầu tư các nguồn lực phù hợp vào các chương trình tập trung vào 1000 ngày đầu của trẻ, tập trung vào dinh dưỡng, tương tác, giáo dục sớm và kỹ năng làm cha mẹ.

Trên toàn cầu, UNICEF, Ngân hàng Thế giới và các đối tác khác đã xây dựng một liên minh mới nhằm tập trung sự chú ý vào tầm quan trọng của phát triển tuổi thơ và tăng cường hành động để có thể đến được với trẻ em dễ bị tổn thương. Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp toàn cầu quan tâm hơn đến vấn đề này, đưa ra các cam kết và quan trọng hơn cả là đầu tư thích đáng vào lĩnh vực này.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể cùng với chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học, cha mẹ và những người chăm sóc trẻ điều hành doanh nghiệp theo cách có thể giúp hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em – từ chính sách cho phép cha mẹ có nhiều thời gian hỗ trợ sự phát triển của trẻ, đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở nơi làm việc nhằm tạo điều kiện cho cha mẹ chăm sóc trẻ,  đặc biệt ở các cộng đồng mà họ đặt cơ sở.

Chúng ta không thể lơ là thế hệ tương lai vì khả năng của trẻ em hôm nay sẽ định hướng đất nước trong tương lai. Khả năng của trí não và hiệu quả làm việc sẽ thúc đẩy nền kinh tế tương lai cũng như tăng cường khả năng của các em trong việc đóng góp vào tương lai của đất nước. Việt Nam có một câu nói rất hay và rất đúng, đó là: Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai.

Cùng nhau, chúng ta có thể làm được nhiều hơn là tăng cường sự chú ý vào tầm quan trọng của chăm sóc và phát triển toàn diện trẻ em. Chúng ta có thể cùng cam kết hành động.

YOUSSOUF ABDEL-JELIL, Đại diện UNICEF tại Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh