THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:09

Đề xuất tiếp tục thực hiện cai nghiện ma tuý tự nguyện tại cộng đồng

Bảo đảm bình đẳng cơ hội được cai nghiện

Chiều 24/3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc duy trì biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình; có ý kiến đại biểu đề nghị duy trì biện pháp này và bổ sung quy định để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi.

Đề xuất tiếp tục thực hiện cai nghiện ma tuý tự nguyện tại cộng đồng - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy: Biện pháp cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng phù hợp với chủ trương đa dạng hóa các hình thức cai nghiện, tạo điều kiện cho tất cả những người nghiện ma túy lần đầu đều có thế được cai nghiện tự nguyện, nhất là người khó tiếp cận cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện; đồng thời, thể hiện trách nhiệm và huy động sự tham gia của gia đình, cộng đồng đối với người nghiện ma túy. Báo cáo bổ sung của Chính phủ cho thấy, những tồn tại, hạn chế trong công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chủ yếu liên quan đến việc tổ chức thực hiện chính sách.

Do vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của biện pháp cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng:  quy định rõ thời hạn cai nghiện ma túy từ đủ 06 tháng đến 12 tháng và người tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng mà hoàn thành ít nhất 03 giai đoạn của quy trình cai nghiện ma túy (quy định tại khoản 1 Điều 29) thì được hỗ trợ kinh phí.

Đề xuất tiếp tục thực hiện cai nghiện ma tuý tự nguyện tại cộng đồng - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình).

 Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện trong quản lý, kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. trách nhiệm của người cai nghiện ma túy, cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện cung cấp hoạt động cai nghiện ma túy. Các nội dung chỉnh lý được thể hiện tại Điều 30 của dự thảo Luật.

Đưa trẻ em đi cai nghiện cần có ý kiến của cha mẹ hoặc người giám hộ

Đáng chú ý, Dự thảo Luật lần này cũng quy định rõ 4 trường hợp người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Đề xuất tiếp tục thực hiện cai nghiện ma tuý tự nguyện tại cộng đồng - Ảnh 3.

Những bệnh nhân cai nghiện ma túy được kiểm tra sức khỏe thường xuyên.

Các đối tượng này gồm người nghiện ma túy không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; Người nghiện ma túy chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện; Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.

Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể hồ sơ đưa người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Cụ thể, Chủ tịch UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc có hành vi vi phạm trong trường hợp không xác định được nơi cư trú lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trường hợp người nghiện ma túy do cơ quan Công an cấp huyện hoặc cơ quan Công an cấp tỉnh phát hiện, điều tra, thụ lý trong các vụ vi phạm pháp luật mà đối tượng từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi thuộc diện đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì cơ quan Công an đang thụ lý vụ việc tiến hành xác minh, thu thập tài liệu và lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đó.

Đề xuất tiếp tục thực hiện cai nghiện ma tuý tự nguyện tại cộng đồng - Ảnh 4.

Các học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội tham gia lao động trị liệu.

Thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật, liên quan đến việc lập hồ sơ cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người từ 12 đến dưới 18 tuổi, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng, khi đưa trẻ em, người chưa thành niên đi cai nghiện thì rất cần phải có ý kiến của cha, mẹ và người giám hộ trong hồ sơ để bảo vệ quyền lợi của trẻ em, tuy nhiên trong hồ sơ đề nghị quy định tại điểm d khoản 1 Điều 34 tôi chưa thấy có nội dung này. "Theo dự thảo thì cha, mẹ, người giám hộ chỉ được đọc hồ sơ khi hồ sơ đã lập xong, tôi đề nghị bổ sung trong hồ sơ đề nghị phải có ý kiến của cha mẹ và người giám hộ", đại biểu nói.  

Về cơ sở cai nghiện ma túy, đại biểu cho rằng, đối với cơ sở công lập, dự thảo quy định phải có các khu dành riêng cho người chưa thành niên, người mắc bệnh truyền nhiễm, người gây rối; có phòng riêng cho nam, nữ. v.v., nhưng đối với cơ sở tự nguyện thì lại không đặt ra các yêu cầu này, đây là điểm bất hợp lý. Đại biểu đề nghị cân nhắc vấn đề này.

Về quy định cơ sở cai nghiện ma túy tại cộng đồng, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng, đối với cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện cần có chính sách của nhà nước trong việc hỗ trợ kinh phí để từng bước xã hội hóa việc cai nghiện đối với người nghiện ma túy. Điều này sẽ từng bước giảm dần gánh nặng của nhà nước. Do vậy, Điều 3 Dự thảo luật quy định về chính sách của nhà nước về phòng, chống ma túy nên nêu rõ việc Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí cho cá nhân, tổ chức thành lập các cơ sở cai nghiện. Quy định này sẽ khuyến khích và từng bước xã hội hóa việc cai nghiện ma túy.

CHÂU GIANG - VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh