Đề xuất không chấp hành án phạt tiền sẽ bị tù
- Pháp luật
- 02:55 - 03/08/2015
Tránh ảnh hưởng đến quyền lợi người bị kết án
Tại hội thảo bàn về Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi do Bộ Tư pháp vừa tổ chức, bà Ngô Thị Tuyết Hồng, Viện trưởng VKSND quận Hải Châu,TP Đà Nẵng góp ý: Cần phải cân nhắc liệu việc chuyển từ hình phạt tiền sang hình phạt tù có làm xấu đi tình trạng của người bị kết án hay không? Dự thảo cũng cần xem xét loại trừ trách nhiệm hình sự cho trường hợp người bị kết án không nộp phạt được vì đang thật sự rơi vào hoàn cảnh bất khả kháng, quá khó khăn, túng quẫn. Trong trường hợp này, nếu cứ quy đổi sang hình phạt tù thì không hợp tình, không đảm bảo tính nhân đạo. Bà Hồng đề xuất: “Việc chuyển đổi nên chăng có bước tăng dần là từ phạt tiền sang phạt cải tạo không giam giữ rồi mới phạt tù. Chứ không nên chuyển thành phạt tù luôn, như vậy thì ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị kết án”.
Ảnh minh họa nguồn: Internet.
“Luật cần phải quy định rõ ràng, cụ thể xác định mức phạt tiền tối thiểu để áp dụng chuyển đổi sang hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án phạt tiền không chịu chấp hành án. Không nên chuyển đổi hình phạt tù nếu mức phạt tiền quá nhỏ” - ông Nguyễn Công Long, Phó Vụ trưởng Vụ Tư pháp - Văn phòng Quốc hội góp ý. Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Công Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị: Để hạn chế việc án tuyên bị bỏ lửng (không thể thi hành) vốn đang xảy ra rất nhiều ở nước ta thì khi tuyên án, thẩm phán phải cân nhắc. Với cùng một vụ án, nếu xét các bị cáo đều có thể tuyên phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ được thì lúc này tòa phải xem xét là người nào có điều kiện nộp phạt thì tuyên phạt tiền, còn không có điều kiện (không nghề nghiệp, không tài sản, vô gia cư...) thì phải tuyên phạt tù. Bởi lẽ không thể tuyên phạt tiền với họ vì họ không có khả năng thi hành án, cũng không thể tuyên cải tạo không giam giữ, giao về cho địa phương giáo dục vì trong điều kiện này là không thể giáo dục được.
Đổi tiền sang tù để tránh tội danh mới
Đứng từ góc độ cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo BLHS (sửa đổi), bà Nguyễn Thị Kim Thoa đưa ra những lý giải về việc cần bổ sung chế định chuyển đổi hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ sang hình phạt tù. Theo bà Thoa, qua tổng kết thi hành BLHS hiện hành có hơn 80% các vụ án hình sự là áp dụng hình phạt tù. “Tại sao BLHS quy định nhiều biện pháp, nhiều chế tài thế mà cơ quan tư pháp lại chủ yếu áp dụng hình phạt tù? Bởi thực tế hiện nay phạt tiền đấy, nhưng nếu người ta không thực hiện thì cũng chả làm gì được”.
Bà Thoa thừa nhận hình phạt tù là hà khắc, người đi tù về “mất rất nhiều thứ”. Tuy nhiên, nếu không có chế định chuyển đổi mà đi truy cứu trách nhiệm hình sự người không chịu chấp hành án phạt tiền, cải tạo không giam giữ (về tội không thi hành án) thì sự việc lại đi theo chiều hướng khác hẳn. Người không chịu chấp hành án phạt tiền, cải tạo không giam giữ sẽ phải chịu thêm một tội nữa, tức cùng một lúc họ có thể sẽ phải đồng thời chấp hành hai loại hình phạt chính khác nhau, làm nặng hơn tình trạng của họ. “Quy định như dự thảo thì bản chất sẽ là nhẹ hơn. Chúng ta đừng đặt vấn đề “tiền sang tù thì tù mạnh hơn” vì chế tài các cơ quan pháp luật áp dụng đầu tiên là phạt tiền. Nếu người bị kết án cố tình chây ỳ, không thi hành khoản tiền đó, họ sẽ phải đối mặt với một tội danh mới: “Không thi hành án” hoặc tội “Không chấp hành án”. Vậy, tôi đặt giả thiết, nếu chuyển sang hình phạt tù và vẫn ở tội danh nguyên bản đó có nhẹ hơn cộng thêm tội mới hay không? Tôi khẳng định là nhẹ hơn. Ngoài ra, việc quy định cho phép cơ quan tố tụng chuyển đổi từ hình phạt tiền sang tù cũng nhằm đảm bảo tính răn đe, nghiêm khắc trong pháp luật”, bà Thoa nhấn mạnh.
Cũng theo bà Thoa, tại một số nước đã áp dụng hình thức chuyển đổi này. Chẳng hạn như ở Đức, một người bị tuyên hình phạt tiền, trong một thời gian nào đó nếu anh ta không thi hành thì sẽ bị chuyển sang hình phạt tù, cách chuyển tính theo ngày công lao động. Không chỉ là phạt tiền, nếu người bị kết án không chấp hành về việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả… thì cũng đều bị chuyển sang phạt tù.
Theo Điều 35 dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), trường hợp người bị kết án phạt tiền không chấp hành hình phạt tiền thì hình phạt này sẽ được thay thế bằng hình phạt tù có thời hạn được quy định trong điều khoản tương ứng đó. Khi tuyên hình phạt tiền là hình phạt chính, tòa tuyên luôn là nếu trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực, người bị kết án không chấp hành thì hình phạt tiền được chuyển đổi thành hình phạt tù, đồng thời ấn định mức phạt tù mà người đó phải chấp hành. |