CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:15

Đề Ngữ văn hay, bao quát, có tính phân loại học sinh cao

 

Thí sinh tại TP.HCM rạng rỡ sau khi hoàn thành bài thi môn Ngữ Văn. Ảnh: HOÀNG HÙNG.


Theo báo Sggp.org.vn, cô Phạm Thị Thu Phương, giáo viên Văn trường Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội  nhận xét về đề thi Ngữ Văn sáng 25/6, về cơ bản, cấu trúc đề thi bám sát cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT công bố ngày 24/1/2018, bao gồm cả kiến thức lớp 11 và lớp 12. Trong đó, lượng kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 30% và lớp 12 chiếm khoảng 70% trong câu nghị luận văn học.

Đề thi gồm có 2 phần, phần đọc hiểu chiếm 30% tổng số điểm; phần làm văn chiếm 70% tổng số điểm bài thi.

Cũng tương tự như đề thi các năm trước đó, phần đọc hiểu có ngữ liệu đọc hiểu là một văn bản thơ, theo đó là 4 câu hỏi ở các mức độ từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng. Ngữ liệu với các câu hỏi vừa sức với học sinh, đề cập đến vấn đề có ý nghĩa.

Phần Làm văn bao gồm có 2 câu hỏi. Một là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận xã hội với dung lượng 200 chữ (không quá một mặt giấy thi). Câu hỏi này chiếm 20% tổng số điểm của phần Làm văn. Vấn đề nghị luận sẽ được rút ra ngay từ ngữ liệu của phần đọc hiểu. Vấn đề đánh thức tiềm lực đất nước khá gần gũi và thiết thực với học sinh, khơi gợi được trách nhiệm xã hội của người viết.

Với đề nghị luận xã hội học sinh cần có những hiểu biết sâu rộng về vấn đề nghị luận, cần biết kết hợp các thao tác lập luận để tạo lập văn bản. Cần chú ý đảm bảo chuẩn dung lượng bài viết mà đề bài yêu cầu.

Câu hỏi còn lại của phần làm văn là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận văn học, chiếm 50% trên tổng số điểm bài thi. Kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 30% trong câu nghị luận văn học. Phần liên hệ với tác phẩm lớp 11 khá cơ bản, không “đánh đố” học sinh nhưng không dễ, tạo nên sự phân hóa khá rõ đối với người làm bài. Phổ điểm sẽ ở mức 6, 7 điểm; số học sinh đạt điểm 8 trở lên sẽ không nhiều như năm trước.

Thông tin từ Tuoitre.vn: Theo cô Nguyễn Minh Ngọc, giáo viên môn văn Trường THPT Định Thiện L‎ý,‎‎‎ TP.HCM, đề văn thi THPT quốc gia 2018 có nhiều điểm tương đồng với đề minh họa mà Bộ GD&ĐT đã công bố, có sự kết nối giữa kiến thức lớp 11 và lớp 12.

Đề năm nay có khả năng phân hóa thí sinh rất tốt, nhất là câu nghị luận văn học. Những thí sinh trung bình - khá có thể dễ dàng làm được yêu cầu 1 của câu hỏi: phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài trong tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa".

Nhưng với yêu cầu thứ hai "Liên hệ với sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu trong tác phẩm Hai đứa trẻ để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả Thạch Lam và Nguyễn Minh Châu, thí sinh cần có tư duy khái quát, tổng hợp, so sánh...Vì vậy, những thí sinh giỏi sẽ có "đất dụng võ" trong phần này.

Cô Ngọc cho rằng: "Tôi đánh giá rất cao việc lựa chọn tác phẩm trong phần đọc - hiểu. Việc lựa chọn chủ đề "đánh thức tiềm lực" trong bối cảnh như hiện nay là rất thời sự, rất cần thiết.

Việc đặt ra cho học sinh - những thanh niên ở lứa tuổi 18 về "sứ mệnh đánh thức tiềm lực" cũng là cần thiết và sát sườn, gợi lên được nhiều suy nghĩ cũng như mong ước, sự nỗ lực, phấn đấu...của thí sinh.

"Đề thi văn này có tính phân hóa cao, phổ điểm có thể sẽ rộng hơn", cô Hà Thanh, giáo viên dạy văn Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông, Hà Nội nhận định.

Theo cô Hà Thanh, có nhiều "bất ngờ nho nhỏ" ở đề văn năm nay. Ví dụ như rất nhiều năm phần đọc hiểu rơi vào tác phẩm văn xuôi nhưng năm nay lại ra vào thơ mà là thơ của Nguyễn Duy vốn bị nhiều học sinh "sợ" vì khó hiểu.

Cách hỏi trong các câu về nghị luận xã hội và nghị luận văn học đều mới nhưng không đánh đố và khá gần với cấu trúc đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố.

"Tôi nghĩ với các câu hỏi liên quan tới "tiềm lực" học sinh sẽ có cảm hứng nếu các em ấy quan tâm tới những vấn đề thời sự kinh tế xã hội trong thời gian gần đây", cô Hà Thanh nhận xét.

Riêng câu hỏi nghị luận văn học, cô Hà Thanh đánh giá cao cách hỏi hướng đến kiểm tra kỹ năng phân tích, tổng hợp của học sinh.

"Nếu học sinh chỉ học máy móc, thuộc lòng thì sẽ dễ sa vào diễn giải các tác phẩm và dẫn tới việc thiếu thời gian cho câu hỏi nghị luận văn học. Vì thế để có thể viết cô đọng, trúng vào câu hỏi thì ngoài việc hiểu tác phẩm, kỹ năng phân tích, tổng hợp rất cần thiết", cô Hà Thanh nói.

HOÀ THANH (t/h)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh