THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:31

Đà Nẵng: Công tác tổ chức cai nghiện được thực hiện chặt chẽ theo kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19

Đà Nẵng: Công tác tổ chức cai nghiện được thực hiện chặt chẽ theo kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Hoạt động của Câu lạc bộ "Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy" góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống ma túy ở Đà Nẵng.

Theo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng, trên địa bàn thành phố hiện có 490 học viên đang cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, trong đó có 85 học viên cai nghiện tự nguyện, 46 người ngoài thành phố. Thành phố cũng có 775 người đang quản lý sau cai tại nơi cư trú.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Cơ sở xã hội Bầu Bàng đã tiếp nhận đưa vào cắt cơn cai nghiện ma túy cho 425 người nghiện (53 người cai nghiện tự nguyện), trong đó có 205 người mới nghiện và 220 người tái nghiện; giải quyết cho về 479 người (trong đó về đúng thời hạn là 427 người, chấp hành hình phạt tù 34 người, 1 người đình chỉ chữa bệnh và công an nhận lại 17 người).

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng cho biết, công tác tổ chức cai nghiện tập trung  được tiến hành đồng bộ và chặt chẽ từ khâu tiếp nhận, phân loại, quản lý đến việc tuyên truyền phổ biến, cung cấp thông tin và thực hiện các biện pháp cách ly, theo dõi sức khỏe học viên cai nghiện theo kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19.

Vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, học viên được tư vấn, giáo dục phục hồi hành vi, tổ chức lao động trị liệu, bảo đảm an ninh trật tự và phòng, chống thẩm lậu các chất ma túy. Bên cạnh đó, học viên được tổ chức học văn hóa, học nghề và tham gia lao động trị liệu 4 giờ/ngày; được xem ti vi, đọc sách báo, gọi điện thoại cho người thân, gia đình...

Trước đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho học viên đón Tết truyền thống đầm ấm, vui vẻ, ngoài chế độ hiện hành, thành phố còn hỗ trợ thêm 350.000 đồng/người bổ sung vào tiền ăn hàng ngày của học viên, Cơ sở còn trích kinh phí từ nguồn sản xuất, gia công hỗ trợ thêm đảm bảo cho học viên đón Tết. Đồng thời, phối hợp với Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức giao lưu văn nghệ Mừng Đảng, đón xuân Tân Sửu năm 2021. Lãnh đạo các quận, huyện đến thăm, giao lưu, tặng quà cho học viên.

Đặc biệt, Cơ sở còn tổ chức các hoạt động vui xuân như: Hội thi văn nghệ, thi viết báo tường, vẽ tranh cổ động, trang trí cảnh quan, thi đấu bóng đá, bóng chuyền, đội hình đội ngũ, bóng bàn, đá cầu, cờ tướng và các trò chơi dân gian... Qua đó, kết quả rèn luyện, có 366 lượt học viên được xếp loại tốt, 41 lượt học viên xếp loại khá, 42 lượt học viên xếp loại trung bình và 16 lượt học viên xếp loại yếu.

Đà Nẵng: Công tác tổ chức cai nghiện được thực hiện chặt chẽ theo kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn quận Thanh Khê.

Đối với công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng, từ đầu năm 2021 đến nay, UBND các xã, phường đã lập hồ sơ, tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 23 người. Hiện, toàn thành phố có 58 người đang cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, trong đó có 26 người có việc làm.

Ông Lương Vĩnh Thái, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP Đà Nẵng cho biết, hầu hết các địa phương đều tổ chức tốt việc lập hồ sơ, tổ chức điều trị, cắt cơn, giải độc và phân công theo dõi, kèm cặp, kiểm danh, kiểm diện, cũng như có đánh giá định kỳ đối với các trường hợp sau điều trị cắt cơn. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số địa phương chưa chú trọng đến công tác tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Trong khi đó, bản thân người nghiện và gia đình chưa hợp tác với chính quyền địa phương, đặc biệt vẫn còn tình trạng người nghiện chưa tự giác đăng ký cai nghiện, dẫn đến công tác công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng trên địa bàn thành phố còn những hạn chế, khó khăn.

Mặt khác, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài nên công tác cai nghiện trên địa bàn cũng bị ảnh hưởng, các Trung tâm y tế quận, huyện tập trung thực hiện quy trình tiếp nhận, điều trị bệnh nhân theo quy định phòng, chống dịch…

Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức là giải pháp không thể thiếu trong công tác phòng ngừa, thời gian qua nhiều mô hình hay, cách làm phù hợp đã được các địa phương trên địa bàn TP Đà Nẵng triển khai thực hiện cho thấy hiệu quả.

Tại quận Hải Châu, ngoài các buổi tuyên truyền phòng, chống ma tuý cho học sinh, sinh viên ở trọ và các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trên địa bàn được tổ chức, UBND các phường còn tổ chức gặp mặt các đối tượng là người nghiện ma túy đang quản lý sau cai và người đã hết thời hạn quản lý tại địa phương để giáo dục, động viên, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và có hướng tạo điều kiện giúp đỡ, hạn chế trường hợp tái nghiện trên địa bàn.

Không chỉ sáng tạo trong những cách làm để tuyên truyền về tác hại của ma túy, quận Thanh Khê còn phối hợp với UBND các phường mở các lớp tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội tại 10 phường cho các đối tượng nguy cơ cao nghiện ma túy, gia đình, cộng đồng, sau cai nghiện và gia đình họ với hơn 1.000 người tham gia. Đồng thời, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết về tác hại của ma túy và thực trạng nghiện của con em mình, từ đó có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn con em quay lại con đường nghiện ma túy…

Là con đường ngắn nhất dẫn đến tội phạm, theo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP Đà Nẵng, cùng với công tác cai nghiện, tuyên truyền là việc làm cần thiết nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là đối với giới trẻ, đối tượng thường hay muốn thể hiện bản thân nên rất dễ bị lôi kéo, rủ rê vào tệ nạn ma túy. Vì vậy, với việc đa dạng hoá những cách làm ở các địa phương đã và đang góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố.

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh