CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:22

Đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)

 


Ảnh minh họa

Bộ Công an cho biết, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 được Quốc hội thông qua ngày 09/12/2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2001 và được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008 (gọi chung là Luật Phòng, chống ma túy), đã tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống ma túy, góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, sau hơn 15 năm thi hành, Luật Phòng, chống ma túy đã bộc lộ nhiều bất cập, các văn bản quy phạm pháp luật về công tác phòng, chống ma túy chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính; nhiều quy định không còn phù hợp làm hạn chế hiệu lực và hiệu quả của công tác phòng, chống ma túy... đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của công tác này và đặt ra vấn đề cần sửa đổi Luật.

Cụ thể, tình hình số người nghiện mới gia tăng trong khi công tác cai nghiện nói chung, công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng hiệu quả chưa cao, tỷ lệ tái nghiện ma túy nhiều; cán bộ làm công tác cai nghiện chưa có kinh nghiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu về quản lý, điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp, chất hướng thần; lực lượng chuyên trách đấu tranh chống tội phạm ma túy còn mỏng; phương tiện, kỹ thuật phục vụ công tác còn hạn chế; chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm ma túy chưa đáp ứng với thực tế, chưa thực sự tạo động lực yên tâm công tác.

Vì vậy, việc sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy là yêu cầu cấp thiết khách quan, nhằm khắc phục một số hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của đẩy mạnh phòng, chống ma túy trong thời gian tới.

Đề xuất chính sách về công tác cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc

Bộ Công an cho biết, theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy có 02 biện pháp cai nghiện ma tuý bao gồm: Cai nghiện ma túy tự nguyện (tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và cơ sở cai nghiện); cai nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở cai nghiện và cộng đồng.

Về cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng: Đến tháng 12/2018, có 2.719 xã, phường, thị trấn thuộc 20 tỉnh, thành phố thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy. Các hình thức cai nghiện được triển khai phù hợp với điều kiện của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay tính sẵn có của các dịch vụ chưa được bảo đảm, công tác chỉ đạo, điều hành ở nhiều địa phương chưa quyết liệt, thiếu cơ sở vật chất và nhân lực, chuyên môn hạn chế; hoạt động chủ yếu mới dừng ở khâu cắt cơn, thiếu các giải pháp quản lý, hỗ trợ sau cắt cơn, người cai tự nguyện không được hỗ trợ kinh phí nên không khuyến khích được nhiều người tự nguyện tham gia. Từ năm 2014, số người cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng giảm mạnh, chỉ còn 5.687 lượt người, tương đương 58% năm 2013; năm 2017 còn 3.566 lượt người và năm 2018 còn 6/63 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện cho 4.320 lượt người.

Cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện: Tính đến tháng 12/2018 cả nước có 79 cơ sở cai nghiện công lập có chức năng tổng hợp, trong đó có cai nghiện tự nguyện và điều trị Methadone; 18 cơ sở cai nghiện chỉ làm cai nghiện tự nguyện và điều trị Methadone, hàng năm các cơ sở cai nghiện ma túy công lập đã tiếp nhận và cai nghiện tự nguyện cho trên 5.000 lượt người.

Bọ Công an cũng nêu rõ 2 phương án lựa chọn gồm: 1. Giữ nguyên như hiện nay; 2. Quy định bổ sung các nội dung nhằm tăng cường một bước công tác cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc.

Bộ Công an cũng phân tích: Đối với phương án 2 là “Quy định bổ sung các nội dung nhằm tăng cường một bước công tác cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc” thì có tác động xã hội như sau:

Đối với cơ quan nhà nước: Cần có quy định cụ thể về chế độ, chính sách trong công tác cai nghiện, đặc biệt là chính sách khuyến khích các tổ chức cai nghiện dân lập và cần một cơ chế quản lý chặt chẽ các cơ sở cai nghiện dân lập cho phù hợp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nghiện. Tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể, đầy đủ để thực hiện công tác cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc.

Đối với người nghiện: có nhiều lựa chọn hơn, chế độ chính sách tốt hơn trong việc cai nghiện để trở thành người có ích cho xã hội, tái hòa nhập lại cuộc sống xã hội.

Sau khi phân tích, đánh giá các tác động tiêu cực và tích cực của các phương án nói trên, nhóm soạn thảo chọn phương án 2 nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách, bộ, ngành, ủy ban nhân dân trong phòng, chống ma túy, đặc biệt là Ủy ban nhân dân cấp xã trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai trong đấu tranh phòng, chống ma túy.

 

 

 


PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh