Đề nghị truy tố 'hotgirl' và đồng phạm ăn cắp tài khoản ngân hàng
- Pháp luật
- 17:43 - 05/08/2018
Ngày 2/8, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết, đã tống đạt kết luận điều tra đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp truy tố Phan Văn Minh (SN 1994, ngụ ấp Cái Đôi Nhỏ B, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, Cà Mau; tạm trú xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai); Trần Thị Loan (SN 1994, ngụ ấp An Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai), Trần Văn Ngọc (SN 1995, hộ khẩu thường trú xã Giao An, huyện Giao Thủy, Nam Định; tạm trú ấp An Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) và Nguyễn Văn Phúc (SN 1988, ngụ ấp 2, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” được qui định tại Điều 226b Bộ luật Hình sự.
Trần Thị Loan (ảnh congan.com.vn)
Theo cơ quan điều tra, trước đó ngày 18/8/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của bà Ngô Thị Tính (SN 1971, ngụ phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) về việc bị người khác chiếm đoạt số tiền 46.750.000 đồng.
Trong đơn, bà Tính cho rằng, bản thân bà chỉ mở một tài khoản tại ngân hàng V. Lần đầu, bà làm hồ sơ vay vốn 200 triệu đồng. Sau đó, bà được Ngân hàng V. tiếp tục cho làm hồ sơ vay vốn số tiền 48,5 triệu đồng. Đến ngày 31/7/2017, ngân hàng đồng ý cho vay thêm và tiến hành giải ngân. Cùng ngày, bà nhận được tin nhắn tổng đài ngân hàng gửi mã OTP và đề nghị không tiết lộ cho người khác.
Khoảng 5 phút sau có một người nữ nói giọng miền Bắc gọi đến số điện thoại của bà nói: “Chị ơi, em là nhân viên ngân hàng, chị cho em xin lại 2 mã OTP để em kích hoạt cho chị rút tiền”.
Tin tưởng, bà đã gửi mã OTP vào số điện thoại di động trên. Ngày hôm sau, bà đến ngân hàng rút tiền thì nhân viên nói không có tiền giải ngân. Kiểm tra hồ sơ, toàn bộ số tiền của bà Tính được chuyển vào một tài khoản và rút tại trụ ATM TP. Bạc Liêu.
Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu xác minh đã phát hiện ra đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng tại ngân hàng V. khắp cả nước.
Các đối tượng trong đường dây
Thủ đoạn của các đối tượng là truy cập vào hệ thống FinnOne (hệ thống quản lý thông tin khách hàng) của ngân hàng, phát hiện tài khoản nào đã và đang được giải ngân trong hệ thống có số tiền vay lớn liền giả làm khách hàng gọi điện cho Tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng để hỏi số tài khoản.
Sau khi lấy được số tài khoản, bọn chúng đăng nhập vào tài khoản rồi đăng ký dịch Internet banking (giao dịch chuyển tiền qua mạng). Hệ thống sẽ gửi một mật khẩu gồm 08 kí tự (gồm chữ cái và số) vào số điện thoại của khách hàng đăng ký trong tài khoản.
Sau đó, chúng tiếp tục gọi điện đề nghị khách hàng gửi mật khẩu lại để thực hiện giải ngân. Do mất cảnh giác nên khách hàng gửi mật khẩu OTP cho các đối tượng. Nhận được mật khẩu, chúng đăng nhập vào tài khoản thực hiện thao tác chuyển tiền sang tài khoản ngân hàng khác”. Trong số các đối tượng trên, Minh được xem là đối tượng cầm đầu.
Trước tính chất nghiêm trọng của vụ án, Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu đề xuất Ban giám đốc xác lập chuyên án để sớm truy bắt các đối tượng trên. Phòng CSHS truy xét và bắt 4 đối tượng trên.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu xác định, Minh, Phúc và Loan từng là nhân viên, cộng tác viên của công ty tài chính trực thuộc ngân hàng V. Do đó, 3 đối tượng trên có thể truy cập vào hệ thống FinOne của ngân hàng để đăng ký dịch vụ I2B cho khách hàng và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan điều tra, bằng thủ đoạn trên, từ tháng 10/2016 đến tháng 9/2017, bị can Phan Văn Minh thực hiện 13 vụ chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng trong tài khoản của khách hàng vay vốn tại ngân hàng V.; trong đó, bị can tự thực hiện 3 vụ, cùng đồng phạm là Nguyễn Văn Phúc thực hiện 4 vụ, cùng Trần Thị Loan và Trần Văn Ngọc thực hiện 6 vụ.
Nạn nhân các đối tượng ở nhiều tỉnh như Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hải Dương, Đồng Nai, Kiên Giang, Trà Vinh, Cà Mau, Bến Tre, Bạc Liêu...
Khi thực hiện phi vụ lừa đảo trót lọt, bọn chúng mua điện thoại đời mới, đi du lịch Phú Quốc. Hết tiền tiếp tục lừa đảo, không quan tâm đến gia đình.
Khi bị bắt giam, vợ của Minh chạy vạy khắc phục cho chồng được 5 triệu đồng, mẹ của Loan cũng nộp cho con gái 15 triệu mong xem xét giảm nhẹ hình phạt.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Cảnh báo bệnh tay chân miệng bùng phát mùa hè: cha mẹ cần biết gì?
Tay chân miệng – cơn ác mộng mùa hè của bé yêu nhà bạn? Đừng chủ quan! Bệnh có thể biến chứng nguy hiểm chỉ trong tích tắc. Cùng tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách...
3 tháng trước
Tin nên đọc