THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:16

Đề nghị TANDTC xem xét lại vụ tranh chấp chia tài sản thừa kế tại 118-119 Nguyễn Công Trứ

 

Căn cứ vào bản án phúc thẩm số 44/2016/DS-PT ngày 6/5/2016 của TAND cấp cao tại Hà Nội, ngày 7/6/2017, Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội có văn bản số 663/TB-CTHADS thông báo yêu cầu anh Nguyễn Ngọc Toàn và những người đang sử dụng, kinh doanh, ở, để tài sản, thuê bán hàng tại số 118 - 119 Nguyễn Công Trứ trong thời hạn 10 ngày phải chuyển toàn bộ đồ đạc, tài sản ra khỏi hai căn nhà nói trên.

Sau đó, ngày 26/6/2017 Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội lại tiếp tục có Quyết định số 40/QĐ-CTHADS về việc cưỡng chế thi hành án đối với anh Nguyễn Ngọc Toàn và những người đang sử dụng kinh doanh, ở, để tài sản, thuê bán hàng tại số 118 -119 Nguyễn Công Trứ. Trong đó, Cơ quan thi hành án buộc anh Toàn phải trả nhà tại số 118 cho ông Nguyễn Ngọc Hồ, trả nhà số 119 cho bà Nguyễn Thị Thúy Minh.


Viện KSNDTC đã nhận được đơn đề nghị giám đốc thẩm

 

Tuy nhiên, những động thái nêu trên của Chi cục thi hành án dân sự TP Hà Nội gặp phải sự phản ứng gay gắt của các đương sự trong vụ án. Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Ngọc Toàn khẳng định: Bà Nguyễn Thị Thúy Minh hiện đang sống bên Đức, chưa bao giờ về Việt Nam và sử dụng nhà số 119 Nguyễn Công Trứ. Còn đối với ông Hồ, ông cũng bỏ nhà đi từ năm 2011 và cũng không sử dụng căn nhà số 118 Nguyễn Công Trứ.

“Bản thân tôi là con trưởng, là cháu trưởng trong dòng họ. Tôi cũng là người thừa kế thế vị di sản do ông bà tôi để lại. Từ năm 2013, các đồng thừa kế đã họp gia đình và giao cho tôi được sử dụng một phần căn nhà số 118 để trông nom toàn bộ tài sản tổ tiên. Việc tôi đến đây ở và quản lý tài sản là hai căn nhà này đều được báo cáo với tổ dân phố và chính quyền sở tại. Điều đáng nói là, khi xảy ra tranh chấp các cấp tòa đều đến xác minh và cũng biết rõ tôi đã và đang ở đây từ lâu rồi song không đưa đưa tôi vào phiên tòa với vai trò là người có quyền lợi liên quan”, anh Toàn nhấn mạnh.

Anh Nguyễn Ngọc Toàn cũng cũng nêu quan điểm: Quyết định của các cấp tòa án không có nội dung nào buộc tôi phải giao nhà mình đang ở lâu nay (trước khi có bản án) là nhà số 118 cho ông Nguyễn Ngọc Hồ và giao nhà số 119 cho bà Nguyễn Thị Thúy Minh. “Nhà số 119 đang là địa điểm kinh doanh đồ điện của gia đình tôi, việc kinh doanh này đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước, hoàn toàn hợp pháp. Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội có văn bản số 663/TB-CTHADS rồi sau này là quyết định cưỡng chế buộc tôi phải chuyển đi nơi khác là hoàn toàn trái luật”, ông Toàn khẳng định.

“Tôi không phải là người phải thi hành án của bản án trên đối với hai ngôi nhà. Cũng chính vì đều này nên tôi và các đồng thừa kế đã có đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm và đang chờ xem xét”, anh Toàn cho biết thêm.

 

Anh Nguyễn Ngọc Toàn cho rằng việc yêu cầu anh trả lại nhà là hoàn toàn trái pháp luật

 

Trước đó, Báo LĐ&XH số 86, ra ngày 19/7/2016 có bài viết: “Vụ chia thừa kế nhà số 118, 119 phố Nguyễn Công Trứ (Hà Nội): Phán quyết thiếu căn cứ?”, phản ánh về việc TAND TP Hà Nội và TAND cấp cao tại Hà Nội có dấu hiệu thiếu khách quan trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ, vi phạm về tố tụng... dẫn đến phán quyết, quyết định chưa chính xác, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích của các đương sự.

Trong đó nêu: Cụ Nguyễn Ngọc Lâm (mất năm 1993) và cụ Bùi Thị Thìn (mất năm 2008) sinh được 8 người con, gồm: Nguyễn Thị Thúy Bích, Nguyễn Ngọc Bình (đã chết), Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Thúy Nguyệt, Nguyễn Thị Thúy Minh, Nguyễn Ngọc Hồ, Nguyễn Thị Thúy Hiền, Nguyễn Thị Thúy Hạnh. Khi còn sống, hai cụ gom góp mua được hai căn nhà, gồm 118 và 119 phố Nguyễn Công Trứ.

Sau khi chết, cả cụ Lâm và cụ Thìn đều không để lại di chúc đối với hai căn nhà. Để giải quyết tranh chấp tài sản thừa kế, ngày 19/1/2010, TAND TP Hà Nội thụ lý vụ án với các đồng nguyên đơn gồm, bà: Nguyệt, Hiền, Hạnh và con gái ông Bình là Nguyễn Minh Châu. Đồng thời xác định bị đơn là bà Nguyễn Thị Thúy Minh và ông Nguyễn Ngọc Hồ.

Tại phiên tòa ngày 5/5/2015, các nguyên đơn rút đơn khởi kiện. Lúc này tòa đã cho bà Minh nộp tạm ứng án phí. Ngày 6/5/2015, TAND TP Hà Nội tiếp tục mở phiên xét xử vụ “tranh chấp chia thừa kế” nói trên nhưng có sự thay đổi tư cách của những người tham gia tố tụng: Bà Nguyễn Thị Thúy Minh được xác định là nguyên đơn. Còn lại các bà Nguyệt, Nga, được xác định là bị đơn. Các bà Hiền, Hạnh và con ông Bình (gồm Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Ngọc Toàn, Nguyễn Ngọc Thái) được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia pháp lý thì cả hai cấp tòa xét xử là TAND TP Hà Nội và TAND cấp cao tại Hà Nội đều có dấu hiệu vi phạm các quy định về tố tụng, vi phạm nguyên tắc xét xử liên tục, cố ý làm sai lệch nội dung bản chất sự việc dẫn đến phán quyết thiếu công bằng không khách quan.

 

Hai ngôi nhà 118-119 (cũ) tại phố Nguyễn Công Trứ

 

Cũng nhận ra điều này, ngày 26/5/2015, Viện KSND TP Hà Nội đã có quyết định kháng nghị số 25/QĐKNPT-VKSP5, trong đó nêu rõ: “đề nghị hủy bản án sơ thẩm vì có vi phạm thủ tục tố tụng; việc điều tra thu thập chứng cứ chưa đầy đủ; nhận định đánh giá sai về nội dung vụ án dẫn đến ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự”. Một lần nữa, tại phiên tòa diễn ra ngày 6/5/2016, đại diện Viện KSND cấp cao cũng đã khẳng định: “Kháng nghị của Viện trưởng VKSND TP Hà Nội là có căn cứ nên đề nghị HĐXX phúc thẩm chấp nhận, hủy bản án sở thẩm để giải quyết lại vụ án”.

Tuy nhiên, tại bản án phúc thẩm số 44/2016/DS-PT ngày 6/5/2016 của TAND cấp cao tại Hà Nội, HĐXX cũng đã nhận định “mặc dù bản án sơ thẩm xác định ½ giá trị nhà đất tại 118, 119 Nguyễn Công Trứ là tài sản của cụ Lâm để lại nên là tài sản chung của các đồng thừa kế, nhưng không dành quyền khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung và không tạm giao quản lý sử dụng là thiếu sót”. Và cuối cùng là “không chấp nhận kháng nghị của Viện KSND TP Hà Nội và các đương sự”.

Được biết, ngày 5/6/2017 Viện KSNDTC đã có thông báo tiếp nhận đơn đề nghị giám đốc thẩm bản án số 44/2016/DS-PT ngày 6/5/2016 của TAND cấp cao tại Hà Nội.

Tại buổi làm việc với phóng viên, anh Toàn cho biết đã gửi đơn tới TANDTC, VKSNDTC đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm đối với Bản án nêu trên; sau khi có Quyết định cưỡng chế của Cục THADS thành phố Hà Nội, anh Toàn cũng đã có đơn gửi tới nhiều cơ quan cấp thành phố và cấp Trung ương để đề nghị hủy bỏ Quyết định vô căn cứ và trái thẩm quyền này, nhưng tới nay vẫn chưa có văn bản trả lời.

Với tinh thần thượng tôn pháp luật, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần sớm vào cuộc để ngăn chặn những hành vi sai trái, khôi phục và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tránh tạo ra điểm nóng và những dư luận không tốt trong xã hội.

NHÓM PHÓNG VIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh