Vụ án chia thừa kế nhà số 118, 119 Nguyễn Công Trứ (Hà Nội): Tòa gây thiệt hại cho đương sự?
- Pháp luật
- 16:32 - 21/07/2016
Liên quan đến vụ án trên, bị đơn là bà Nguyễn Thị Nga (một đồng thừa kế), hiện đang trú tại số nhà 389 Hoàng Quốc Việt, tiếp tục phản ánh và cho rằng cũng với hai bản án trên, các cấp tòa đã làm thiệt hại cho bà hàng tỷ đồng.
Cụ thể, theo bà Nga ngoài hai căn nhà số 118 và 119 phố Nguyễn Công Trứ do cụ Lâm và cụ Thìn để lại, cụ Thìn còn có riêng căn nhà số 383 Hoàng Quốc Việt. Khi cụ Thìn còn sống, bà Nga thuê căn nhà này để ở. Sau khi thuê, bà Nga đã tiến hành nâng cấp, sửa chữa với các hạng mục như cầu thang, thang máy, xây thêm tầng,… với tổng số tiền lên đến trên 3,2 tỉ đồng. Việc nâng cấp, sửa chữa được sự đồng ý của chủ sở hữu, tức cụ Thìn. Thế nhưng khi phân chia khối tài sản này phần công sửa chữa, nâng cấp mà bà Nga đã làm lại không được các cấp tòa công nhận.Bản án sơ thẩm số 23/2015/DSST ngày 11/5/2015 của TAND TP Hà Nội nhận định: “Trong quá trình bà Nga thuê nhà theo hợp đồng ký với cụ Thìn và theo di chúc có ghi về việc có việc sửa chữa, cơi nới và lắp đặt hệ thống thang máy 6 tầng, khi cụ Thìn vẫn còn sống không nhất thiết phải có các con cháu cụ đồng ý...”.
Nhận định như vậy nhưng HĐXX là cho rằng việc bà Nga cơi nới, sửa chữa trái phép không được sự đồng ý của các thừa kế lẽ ra phải phá bỏ để trả lại tình trạng ban đầu... nhưng xét thấy công trình trên vẫn có giá trị sử dụng nên ra phán quyết: “tính cho bà Nga được hưởng với tỉ lệ 50% giá trị phần do bà cải tạo, cơi nới đầu tư vào nhà là phù hợp”.
Quyết định kháng nghị của Viện KSND TP Hà Nội đã phân tích những sai phạm trong quá trình xét xử của tòa án.
Phán quyết trên cũng đã bị VKSND TP Hà Nội kháng nghị tại văn bản số 25/QĐKNPT-VKSP5. Văn bản nêu rõ: “Việc cải tạo, nâng cấp được sự đồng ý của cụ Thìn, TAND không tiến hành điều tra xác minh toàn bộ các hạng mục mà bà Nga cải tạo là một thiếu sót. Bà Nga được yêu cầu định giá riêng phần cải tạo, nâng cấp nhà mình, nhưng TAND TP Hà Nội không ra quyết định định giá phần giá trị cơi nới, sửa chữa đang tranh chấp là không đúng, làm thiệt hại cho đương sự...”.
Trong bản án phúc thẩm số 44/2016/DS-PT ngày 6/5/2016 của TAND cấp cao tại Hà Nội, HĐXX cũng nhận định “Quyết định của tòa án cấp sơ thẩm là chưa đủ căn cứ…”. Tuy nhiên, nhận định là như vậy nhưng cuối cùng thì đi đến kết luận: “Giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm là phù hợp”.(?)
Với những thiếu sót trên của hai bản án, đề nghị TAND TC cần xem xét lại vụ án trên theo thủ tục Giám đốc thẩm, tránh gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.