THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:50

Tăng cường hỗ trợ đồng bào dân tộc miền núi và bảo vệ trẻ em.

 

Cần quyết liệt hơn đối với vấn đề xâm hại trẻ em

Đề cập đến nạn bạo hành, xâm hại trẻ em thời gian qua, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) nhấn mạnh, đây là những vấn đề mới phát sinh song hậu quả để lại rất đáng lo ngại, cần được quan tâm thích đáng.

Đại biểu phân tích, theo số liệu của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), tính đến cuối năm 2017 ở Việt Nam trung bình có 2.000 trẻ bị bạo lực, xâm hại nghiêm trọng cần được chăm sóc đặc biệt và con số này ngày càng gia tăng. Số liệu của Bộ Công an cũng cho thấy, khoảng 50% trẻ em phải vào trại giáo dưỡng có tuổi thơ từng sống trong sự hà khắc của bố mẹ. 

Trong 5 tháng đầu năm 2018 có trên 600 vụ xâm hại tình dục, trong đó xâm hại tình dục trẻ em chiếm 84%. “Nguyên nhân của tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em từ nhiều phía nhưng hậu quả để lại nặng nề về thể chất và tinh thần của các em; nhiều vụ việc gây bức xúc, ảnh hưởng tới uy tín cả cơ quan Nhà nước” – đại biểu Phương Thảo nhấn mạnh.

 “...Tôi thấy chủ yếu là tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, tập trung giải quyết vụ việc kịp thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan. Nếu chỉ dừng ở mức như vậy sẽ không hiệu quả, vì đơn giản những giải pháp này đã triển khai trong thời gian qua, xong hiện tượng này vẫn xảy ra, thậm chí có vụ việc rất nghiêm trọng. Động thái mà Quốc hội cần thực hiện là quyết liệt hơn nữa. Tôi đề nghị bổ sung nội dung giám sát liên quan bạo hành và xâm hại trẻ em vào chương trình giám sát năm 2019” – đại biểu kiến nghị, đồng thời nhấn mạnh việc này cần thực hiện càng sớm càng tốt. Đồng tình với đại biểu Phương Thảo, nhiều đại biểu Quốc hội khác cũng nêu quan điểm đồng tình với quan điểm cần giám sát tối cao về tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em.

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi

 Để chương trình giám sát năm 2019 phù hợp với yêu cầu thực tiễn, giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, thiết thực đối với sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước, nhiều ý kiến đề nghị lựa chọn giám sát chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011-2018.

Theo đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang), dân tộc thiểu số ở Việt Nam với hơn 13,6 triệu người (chiếm trên 14% dân số cả nước), trong đó có khoảng 10 triệu đồng bào sinh sống ở biên giới, khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhưng hiện nay, đây vẫn là nơi khó khăn, lõi nghèo của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc cao gấp 3 lần mức bình quân chung của cả nước, nhiều thôn bản chưa có điện lưới quốc gia, số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất còn cao...

Đại biểu Âu Thị Mai chỉ rõ, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chính sách pháp luật đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, chưa đạt mục tiêu đề ra. Từ những phân tích này, đại biểu đề nghị Quốc hội thực hiện giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011-2018” nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót để có những chính sách thiết thực, thỏa đáng hơn đối với vùng này.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh