Đề án ngoại ngữ 2020 sẽ tập trung vào tiếng Anh
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:41 - 30/10/2016
Ảnh minh hoạ.
Đề án dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông từ năm 2008 - 2020 (Đề án 2020) có tổng kinh phí 9.378 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn; trong đó giai đoạn 2008 - 2010 là 1.060 tỷ đồng, giai đoạn 2011 - 2015 là 4.378 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 4.300 tỷ đồng.
Do một số nguyên nhân khách quan, Bộ Tài chính chưa cấp kinh phí để triển khai giai đoạn 1.
Giai đoạn 2 có tổng kinh phí dự trù là 4.386 tỷ đồng (vốn trung ương: 3.500 tỷ) nhưng phần phân bổ thực tế từ trung ương là 2.198 tỷ đồng, đạt 62,8% so với kế hoạch.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, dự toán kinh phí địa phương là 889 tỷ đồng. Các địa phương đã huy động và bố trí kinh phí đối ứng đạt 1.628,5 tỷ đồng, bằng 183% dự toán.
Lũy kế đến hết năm 2015, đã bố trí đạt 70,3% kinh phí dự toán giai đoạn 2008 - 2015 và đạt 40,83% tổng kinh phí của đề án.
Nhìn tổng thể, một số mục tiêu của đề án được đặt ra quá cao so với khả năng thực hiện, chưa phù hợp với xuất phát điểm về năng lực của người dạy, người học cũng như thực trạng dạy học ngoại ngữ của cả nước.
Bên cạnh những việc đã làm được, Bộ GD&ĐT nhìn nhận việc bố trí cơ cấu vốn và triển khai ở một số địa phương, đơn vị còn chưa hợp lý. Nhiều địa phương khi triển khai kinh phí tập trung vào đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học ngoại ngữ, chưa chú ý nhiều đến đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ. Một số địa phương khi mua sắm trang thiết bị chưa tính đến điều kiện, khả năng sử dụng, dẫn đến có nơi còn lãng phí.
Tập trung vào tiếng Anh
Trong thời gian còn lại của đề án, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tập trung chủ yếu là dạy và học tiếng Anh; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư cho các hoạt động dạy và học ngoại ngữ; với nhiều giải pháp cụ thể.
Bên cạnh nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, Bộ sẽ rà soát, xây dựng và ban hành chương trình dạy và học ngoại ngữ thống nhất; xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá hội nhập với chuẩn quốc tế, xây dựng trung tâm khảo thí độc lập.
Bộ cũng tích cực tạo môi trường học tiếng Anh như phong trào sinh viên tình nguyện dạy ngoại ngữ, câu lạc bộ ngoại ngữ, trao đổi giáo viên tình nguyện nước ngoài....
Đáng lưu ý, Bộ sẽ tăng cường sử dụng các giải pháp công nghệ, các phương tiện phát thanh, truyền hình để hỗ trợ tất cả các đối tượng người học có thể tiếp cận bình đẳng với ngoại ngữ, có thể học mọi nơi, mọi lúc và đạt được năng lực sử dụng ngoại ngữ theo mục tiêu đặt ra.