Giáo viên dạy tiếng Anh cần đạt chuẩn
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 04:45 - 14/10/2016
Theo thống kê của Sở Giáo dục và đào tạo TP. Đà Nẵng, hiện thành phố có 778 giáo viên tiếng Anh ở 3 bậc học: Tiểu học, THCS và THPT. Trong đó, có 624 giáo viên đạt chuẩn (chiếm tỷ lệ khoảng 80%), còn lại là chưa đạt chuẩn.
Chất lượng giáo viên có vai trò hết sức quan trọng trong dạy và học ngoại ngữ ở các trường phổ thông.
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP. Đà Nẵng cho biết: “Đa số giáo viên tiếng Anh toàn thành phố có đủ năng lực tham gia các hoạt động dạy và học ngoại ngữ. Tuy nhiên, về kỹ năng giao tiếp, thực hành như nghe và nói thì chưa thật sự tốt.”
Lý giải cho điều này, ông Hùng cho rằng, một phần do môi trường tiếng Anh chưa có nhiều, giáo trình còn nặng về lý thuyết, ngữ pháp, cách thi chưa phù hợp… Bên cạnh đó, quá trình đào tạo giáo viên ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh trong suốt những năm qua tại các cơ sở giáo dục đào tạo đại học, cao đẳng chưa thật sự hiệu quả. Trong khi đó, một bộ phận giáo viên lớn tuổi nên có hạn chế về sức khỏe cũng như việc tiếp thu kiến thức, tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng, ngại đổi mới phương pháp, dạy học thụ động trong truyền đạt kiến thức, ngại trao đổi rèn luyện kỹ năng giao tiếp nên một số tiết học chưa đáp ứng được yêu cầu.
Tại buổi làm việc giữa Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Đặng Việt Dũng với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, một số đại biểu cho rằng, bên cạnh đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh đạt chuẩn cũng phải thừa nhận có không ít giáo viên tiếng Anh hiện nay được chuyển từ tiếng Nga sang nên kiến thức vẫn chưa chuẩn. Trong khi đó, cách đào tạo và bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn còn thiếu sự thống nhất và vẫn chưa đánh giá đúng năng lực ngôn ngữ của giáo viên tiếng Anh.
Cùng với những yêu cầu đặt ra đối với việc nâng cao trình độ, năng lực đối với đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông, bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu cho biết, hiện nhiều trường còn thiếu cả phòng học ngoại ngữ, các phương tiện nghe, nói còn hạn chế, thiếu phòng chức năng để thực hành… Đây cũng là những yếu tác động không hề nhỏ đến chất lượng dạy và học tiếng Anh của cả thầy và trò trong các trường phổ thông hiện nay.
Ngoài ra, một số đại biểu cũng nhận định, chương trình sách giáo khoa theo Đề án NNQG 2020 còn khó so với một số đối tượng học sinh, nhất là những vùng khó khăn. Nhiều đại biểu cho rằng, cần có chính sách, cơ chế để giáo viên phải đáp ứng được các quy định về chuẩn năng lực nhằm đảm bảo được chất lượng bộ môn. Đồng thời, cần đẩy mạnh mở rộng xã hội hóa trong việc dạy và học tiếng Anh nhằm tạo điều kiện cho giáo viên bản xứ giảng dạy ngoại khóa tại các trường phổ thông. Bởi theo ông Phạm Đình Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Khê, trong điều kiện giáo viên còn hạn chế về nghe, nói tiếng Anh như hiện nay thì việc tăng cường giao lưu với các sinh viên, tình nguyện viên, giáo viên nước ngoài là cần thiết.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ông Đặng Việt Dũng cho rằng thực tế hiện nay, việc dạy và học tiếng Anh nhiều lúc chưa được triển khai đồng bộ do thiếu kinh phí, chương trình chưa phù hợp, triển khai nửa chừng… nên gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc thi cử hiện nay lại chủ yếu nghiêng về thi viết, ít thi nghe, nói nên hiệu quả chưa cao. “Phải làm sao cho học sinh có môi trường giao tiếp với người nước ngoài càng nhiều càng tốt. Ngoài ra, việc tăng cường năng lực, trình độ chuyên môn cho giáo viên tiếng Anh nhằm đạt chuẩn là quan trọng nhất để đảm bảo chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các trường phổ thông hiện nay" - Ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.