Đại biểu Quốc hội: Phiên chất vấn giúp đánh giá “tâm” và “tầm” của các Bộ trưởng
- Tây Y
- 05:33 - 07/11/2020
Kỳ vọng về nội dung tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, bắt đầu vào hôm nay (6/11), bên hành lang kỳ họp thứ X Quốc hội khóa XIV, trao đổi với báo chí, các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ tin tưởng, và nhấn mạnh "phiên chất vấn tại kỳ họp thứ mười đặc biệt hơn những phiên chất vấn trước đây".
Chất vấn phạm vi rộng, "động chạm" đến các ngành, nhưng thẳng thắn, dân chủ
2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn (bắt đầu từ 6/11 đến hết sáng thứ 3 mùng 10/11) và trước đó, có 3 ngày thảo luận hội trường về kinh tế - xã hội cho thấy nỗ lực cố gắng của từng Bộ ngành, Chính phủ trong 1 năm sóng gió của đại dịch Covid-19 và mưa lũ.
Trong kỳ chất vấn này, phạm vi rộng, ở tất cả các lĩnh vực, có thể "động chạm" đến các ngành, Chính phủ, nhưng đó là vấn đề mà các đại biểu và cử tri quan tâm, đại biểu Trần Văn Lâm, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đánh giá.
Đáng chú ý, trước đó là 3 ngày thảo luận kinh tế - xã hội, quá trình tranh luận trao đổi được các đại biểu đánh giá là "thẳng thắn, sâu sắc, chất lượng". Chính các ngày thảo luận KT-XH vừa qua, theo các đại biểu, là "tiền đề" để tin tưởng 2,5 ngày diễn ra phiên chất vấn sẽ diễn ra sôi nổi, chất lượng.
Đánh giá, không khí thảo luận ở kỳ họp này cũng như những kỳ họp trước rất "thẳng thắn, trách nhiệm, dân chủ", ông Trần Văn Lâm nhấn mạnh, các đại biểu Quốc hội đã mang đến hội trường những vấn đề nóng hổi của cuộc sống, những vấn đề thực tiễn đang phát sinh, được cử tri đang quan tâm.
Ngay trong buổi chất vấn đầu tiên sáng 6/11 đã có rất nhiều đại biểu quan tâm, những gì chưa rõ sẽ được làm rõ.
"Có rất nhiều vấn đề đại biểu đã chuyển đến các Bộ, ngành; chúng tôi cũng mong muốn trong lần này các vấn đề đó có cơ hội được xem xét thực hiện và giải quyết", đại biểu tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) và đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về 2,5 ngày chất vấn trách nhiệm, thẳng thắn và dân chủ
Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị) nhìn nhận, phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ mười sẽ thể hiện trách nhiệm của các trưởng ngành, là lần đánh giá người đứng đầu các ngành đã thực hiện các kiến nghị của cử tri tới đâu, phát sinh những vấn đề gì mới và trách nhiệm của các thành viên Chính phủ về vấn đề đó ra sao trong thời gian tới.
"Tôi tin tưởng nội dung phiên chất vấn sẽ sôi nổi, có nhiều lĩnh vực được đi sâu, phân tích kỹ chứ không chỉ tập trung vào một nhóm vấn đề, như những kỳ họp trước", đại biểu Sinh bày.
Thể hiện trách nhiệm của các trưởng ngành
Đánh giá năng lực của các bộ trưởng, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ, phiên chất vấn và trả lời chất vấn giống như một "bài kiểm tra" những vấn đề đại biểu Quốc hội đã nêu và các thành viên Chính phủ đã trả lời và xử lý.
"Đây là phiên chất vấn cực kỳ quan trọng và khác với những phiên chất vấn khác", đại biểu Hoà nói và nêu rõ, các đại biểu sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ tới nay xoay quanh những vấn đề mà trước đó đại biểu đã chất vấn, để xem các cơ quan trả lời đã giải quyết như thế nào? Việc gì đã giải quyết được, việc gì còn tồn đọng chưa đáp ứng được yêu cầu của cử tri.
"Tất cả những việc này cần được giải đáp, chứ không phải chỉ trả lời với đại biểu, hứa với dân rồi sau đó "hoà cả làng", ông Hòa nói.
"Đây là nội dung rất quan trọng, cho thấy các vấn đề đưa ra đã và đang được giải quyết, không phải trả lời chất vấn qua loa, đại khái rồi không thực hiện", đại biểu Hòa nhấn mạnh thêm.
Theo vị đại biểu đoàn Đồng Tháp, câu trả lời tại phiên chất vấn tại kỳ họp này cũng sẽ giúp đánh giá năng lực, tầm nhìn, cách làm, tinh thần trách nhiệm, tâm và tầm của các vị bộ trưởng, người đứng đầu các ngành của Chính phủ.
"Tại phiên chất vấn này, tôi quan tâm đến tính rõ ràng, minh bạch của việc tiếp thu, giải trình và đề ra giải pháp xử lý mà các thành viên Chính phủ đã trả lời những câu hỏi chất vấn của tôi tại những kỳ họp trước", ông Hòa cho biết.
Trong ngày đầu tiên của phiên chất vấn, các Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng GD&DT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Viện trưởng Viện kiểm sát NDTC Lê Minh Trí, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Nội Vụ Lê Vĩnh Tân... đã đăng đàn giải đáp, alfm rõ các vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Lần chất vấn và trả lời chất vấn kỳ này sẽ sự đổi mới. Theo đó, mỗi lượt chất vấn sẽ có từ 3 đến 5 đại biểu đặt câu hỏi; các câu hỏi chất vấn được nêu không quá 1 phút.
Người trả lời chất vấn cũng không trình bày quá 3 phút cho mỗi nội dung chất vấn của đại biểu. Thời gian tranh luận của mỗi đại biểu là 2 phút; mỗi đại biểu tranh luận không quá 2 lần để dành quyền chất vấn cho đại biểu khác.
Cách thức tiến hành chất vấn và trả lời sẽ không theo nhóm chuyên đề, mà đại biểu sẽ tiến hành chất vấn tất cả vấn đề. Những nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực phụ trách nào thì người đứng đầu cơ quan có liên quan sẽ chịu trách nhiệm trả lời trực tiếp theo điều hành của chủ tọa kỳ họp.
Riêng lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Y tế, do đã thay đổi nhiệm vụ mới, đang được Quốc hội tiến hành các thủ tục phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm nên chất vấn của các đại biểu sẽ được trả lời bằng văn bản.
Những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực sẽ trả lời làm rõ thêm. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ sẽ thay mặt Chính phủ phát biểu giải trình làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ.
Tổng thời gian dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là 2,5 ngày (ngày 6/11, ngày 9/11 và sáng 10/11).