THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 09:01

Dạy trẻ vâng lời mà không cần roi vọt

 

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao trước vụ một cô giáo tại Long An quỳ gối tại lớp để xin lỗi phụ huynh do bắt học sinh quỳ gối. Cách hành xử như vậy rất đáng lên án bởi phụ huynh đã lấy cái sai để trả đũa một sai lầm đã xảy ra. Tuy nhiên, hành động của cô giáo phạt học sinh bằng cách quỳ gối cũng là một hành vi vi phạm quyền trẻ em.

Nền giáo dục hiện tại đã chứng minh, roi vọt không làm trẻ nên người. Tại trường THCS Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội), có một câu nói đã trở thành phương châm dạy trẻ không cần roi vọt của các thầy cô: “Yêu thương mạnh hơn lời quát mắng”. Báo LĐ&XH phỏng vấn cô Hoàng Thị An, Hiệu trưởng trường THCS Cổ Loa về cách giáo dục dạy trẻ vâng lời mà không cần roi vọt.

 

Cô Hoàng Thị An.

 

* Khi vụ cô giáo quỳ gối để xin lỗi phụ huynh xảy ra, dư luận dồn hết sự tập trung để đi tìm chế tài thích đáng đối với phụ huynh, nhà trường mà quên đi rằng, trước đó chính em học sinh cũng là nạn nhân của bạo lực học đường. Dưới góc độ sư phạm, hình thức phạt học sinh quỳ gối gây tổn hại như thế nào đến tâm lý, nhân cách của các em thưa cô?

-Cô Hoàng Thị An: Là nhà quản lý giáo dục, chúng tôi rất đồng cảm, chia sẻ với giáo viên đứng trên bục giảng. Họ lo cho chất lượng giảng dạy, lo cho học sinh không nghe giảng dẫn tới kết quả học tập không tốt sẽ không hoàn thành nhiệm vụ được giao nên đã không kiểm soát được cảm xúc khi học sinh không nghe lời đã nóng vội dùng hình thức phạt học sinh quỳ gối. Cô giáo đã cho rằng, trừng phạt học sinh mới đủ mạnh để răn đe.

Dưới gốc độ sư phạm, hình thức phạt học sinh quỳ gối có tính chất bạo lực gây ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh, tổn hại về tinh thần. Nếu hành động này xảy ra nhiều lần có thể gây ức chế dẫn đến trầm cảm, ảnh hưởng đến phát triển nhân cách học sinh, không giáo dục được tình yêu thương, thiếu tôn trọng người khác. Đáng tiếc hơn, học sinh sẽ cảm nhận không tốt về thầy cô và lớn lên các em rất dễ mắc phải vòng tròn bạo lực.

Việc bắt một học sinh phải quỳ gối vì một lỗi trên lớp là hành vi bạo lực thân thể, từ việc làm đó dẫn đến các em sợ đến lớp, tinh thần hoang mang, đó chính là bạo lực tinh thần. Bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều gây ám ảnh theo các em suốt cuộc đời.

 

Tiết sinh hoạt ngoại khóa của học sinh trường THCS Cổ Loa. 

 

* Thưa cô, ngành giáo dục đã có quy định về chuẩn mực ứng xử trong mối quan hệ thầy trò nhưng tại sao một số thầy cô vẫn sử dụng các hình thức bạo lực đối với học sinh?

- Cô Hoàng Thị An: Ngành giáo dục đã có quy định về đạo đức nhà giáo và có rất nhiều những yêu cầu và quy định về chuẩn mực ứng xử trong mội quan hệ thầy trò. Còn vì sao một số giáo viên vẫn sử dụng hình thức bạo lực với học sinh,theo tôi nguyên nhân cơ bản xuất phát từ việc các thầy cô còn chưa kiểm soát được cảm xúc của mình khi ở trên lớp. Đó cũng có thể là sự bất lực trước học sinh của giáo viên. Học trò có thể có những hành vi sai nhưng giáo viên phải nhìn nhận học sinh đang nhỏ tuổi, chưa đủ nhận thức và hiểu biết về hành vi. Vì vậy, thầy cô phải cùng uốn nắn để học sinh có nhận thức đầy đủ và tránh sự phản kháng cũng như hành vi tiêu cực.

Trong 3 năm triển khai mô hình “Trường học an toàn – thân thiện và bình đẳng” tại trường THCS Cổ Loa, chúng tôi đã xây dựng được một bộ quy tắc ứng xử với những điều thầy cô, phụ huynh và học sinh nên hoặc không nên làm. Đối với người thầy cần giữ được chuẩn mực sư phạm vốn có và trò cần tôn sư trọng đạo, tiên học lễ, hậu học văn.

 * Vậy làm thế nào đẻ khuyến khích các thầy cô áp dụng các hình thức kỷ luật tích cực thưa cô?

- Cô Hoàng Thị An: Hàng năm, nhà trường triển khai việc giáo dục cán bộ giáo viên nhân viên học tập nhiệm vụ quy định trong điều lệ, điều được làm và điều không được làm. Đồng thời, tổ chức ký cam kết quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học và đạo đức nhà giáo. Tập huấn cho giáo viên các phương pháp giáo dục tích cực, kỷ luật tích cực theo nguyên tắc: Lắng nghe, tôn trọng; công bằng không phân biệt đối xử, an toàn và luôn khích lệ hợp tác với học sinh.

Cách tốt nhất để khuyến khích các thầy cô áp dụng các hình thức kỷ luật tích cực không cách nào khác ngoài việc trang bị và cung cấp cho các thầy cô những nguyên tắc và cách kỷ luật tích cực. Nếu trẻ mắc lỗi được người lớn dùng phương pháp này thì trẻ vẫn thay đổi được hành vi không mong muốn nhưng vẫn cảm thấy mình được yêu thương, tôn trọng, an toàn và thấy mình có giá trị phẩm giá.

 

Phương pháp giáo dục tích cực:

Giúp trẻ có ý thức, trách nhiệm về hành vi của chính mình, khích lệ trẻ đưa ra những quyết định có trách nhiệm.

Thay thế cho trừng phạt, trẻ vẫn học được cách ứng xử tốt mà không cần người lớn đánh mắng – giúp mối quan hệ ít xung đột.

Muốn trẻ hợp tác thì người lớn phải có tính hợp tác, nếu muốn trẻ tôn trọng thì người lớn phải thể hiện sự tôn trọng. Tuy nhiên, cần tuân theo quy tắc: Không gây nguy hiểm cho trẻ.

VÂN KHÁNH (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh