Cấm phạt trẻ em bằng đòn roi, quỳ gối
- Dược liệu
- 22:55 - 14/03/2018
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), quy chế nhà trường, Luật Trẻ em, Luật Dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác cấm tuyệt đối các biện pháp trừng phạt trẻ em bằng đòn roi, bắt học sinh quỳ gối, chạy vòng quanh sân trường, thậm chí liếm ghế. Đó là hành vi bạo lực, sỉ nhục người khác, bị xử phạt hình sự, hành chính hoặc các biện pháp kỷ luật của nhà trường.
Ông Nam cho rằng, việc cô giáo bắt học sinh quỳ gối ở Long An đang có sự không rạch ròi, minh bạch giữa việc cô là "thủ phạm" của hành vi trừng phạt học sinh quỳ gối và là "nạn nhân" của hành vi bị quỳ gối do phụ huynh ép làm. Hai hành vi trên đều vi phạm quy định nhà trường, Bộ GD&ĐT và pháp luật. Nữ giáo viên là nạn nhân của hành vi bắt quỳ gối xin lỗi của phụ huynh học sinh, nên người hạ nhục cô giáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Song, không vì thế mà nữ giáo viên này không phải chịu trách nhiệm hành vi của mình. Hành vi ấy phải được điều chỉnh bằng vấn đề đạo đức, pháp luật, xử lý công khai, minh bạch và bình đẳng.
Giáo viên cần thay đổi phương pháp giáo dục trẻ theo hướng tích cực, tôn trọng trẻ.
“Việc giáo viên sử dụng roi vọt hay hạ nhục học sinh tuyệt đối không được, chứ không phải nên hay không? Câu chuyện của cô giáo bắt học sinh quỳ gối là hệ quả của nạn bạo lực sinh ra bạo lực. Ai sai ai đúng đã có luật pháp can thiệp, việc phụ huynh bắt cô giáo phải quỳ gối xin lỗi theo kiểu "ăn miếng trả miếng" cũng không thể chấp nhận được”, ông Nam nhấn mạnh.
Hành động của phụ huynh bắt giáo viên quỳ gối xin lỗi khi bắt học sinh quỳ gối đã để lại cho con những bài học tiêu cực, xấu xí. Đó là những ai dùng bạo lực với mình thì phải dùng bạo lực mạnh hơn để trả đũa. Đồng thời, việc dùng bạo lực với người khác để có được cái mình muốn là điều bình thường, rất oai khi hạ nhục người khác trước mặt đông người… Từ đó, khiến trẻ tin rằng nếu mình có quyền lực sẽ không phải sợ bất cứ ai. Một cách ngầm ẩn, cha mẹ vô tình định hướng lệch lạc nhận thức của con mình. Như một chuỗi sai lầm, đứa trẻ tự thấy mình được phép mắc lỗi và sẽ chẳng phải chịu trách nhiệm gì nếu có cha mẹ che chắn.
Ông Nam khuyên: “Phụ huynh, giáo viên nên tìm hiểu, tham gia những khóa học hướng dẫn về các biện pháp "kỷ luật tích cực" để có những ứng xử văn minh và giáo dục trẻ theo hướng tích cực”.
Để giải quyết được nạn bạo lực học đường cần có sự thống nhất chung tay của toàn xã hội đặc biệt là sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường và cộng đồng. Cha mẹ phải xác định mình làm tấm gương không chỉ cho con mà còn cho những người xung quanh để tạo nên môi trường an toàn và tôn trọng. Giáo viên không những cần đáp ứng về năng lực chuyên môn mà còn cần phải được sàng lọc về các tiêu chuẩn đạo đức.
Khi không hài lòng với giáo viên của con, phụ huynh cần phải có lối ứng xử phù hợp. Cần gặp trực tiếp trao đổi với giáo viên và lãnh đạo nhà trường. Nếu không nhận được phản hồi từ giáo viên và lãnh đạo nhà trường sẽ báo đến các cơ quan chức năng để được hỗ trợ. Nếu hành vi của giáo viên gây nên những cảm xúc tiêu cực ở con trẻ, điều đầu tiên cha mẹ nên làm là cách ly con khỏi nguồn gây ra chấn thương. Đồng thời, cha mẹ nên đưa con đến nhà tâm lý học đường trước khi nghĩ đến chuyện ứng xử thế nào với giáo viên.
Một nguyên tắc quan trọng mà các chuyên gia tâm lý khuyên: Phụ huynh trước khi làm gì cũng nên cân nhắc đến quyền lợi của đứa trẻ trước. Thay vì tập trung vào xử lý giáo viên hay trút giận của bản thân, hãy cân nhắc là “quyền lợi tốt nhất của trẻ". Mọi hành vi của phụ huynh cần đảm bảo nguyên tắc cơ bản là không gây hại cho trẻ.