THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:16

Dân mạng 'dậy sóng' với quy định lớp trưởng tiểu học là chủ tịch hội đồng

 

Dự thảo lớp trưởng tiểu học là chủ tịch hội đồng đang gây nhiều tranh cãi - Ảnh minh họa
Dự thảo quy định lớp trưởng, lớp phó gọi là chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản do tập thể học sinh bầu hoặc giáo viên chủ nhiệm chỉ định luân phiên. Mỗi lớp học chia thành các tổ, ban, trong đó có tổ trưởng, tổ phó hoặc trưởng ban, phó ban, nhóm trưởng, thư ký. Đây là cách mà mô hình trường học mới (VNEN) đang được Bộ GD-ĐT thí điểm ở hàng ngàn trường tiểu học trên cả nước, theo một dự án vay vốn ODA.
Thông tin về dự thảo này đã gây “choáng” với nhiều người vì cho rằng không thiết thực, “thừa giấy vẽ voi”. Trên trang cá nhân của mình, một Facebooker có nickname Hải Đường cho rằng tên gọi lớp trưởng là chuẩn xác nhất, lại dễ hiểu, trong sáng, thân thuộc.
“Tôi đang nghĩ tới cảnh em A chào em B là “xin chào chủ tịch B” thấy buồn cười quá. Các em còn bé, dùng từ nào cho đơn giản, nhẹ nhàng, đao to búa lớn làm gì. Bộ nên để thời gian nghiên cứu những việc sát thực tế và có ích hơn”, người này bày tỏ.
Một cư dân mạng có tên Hồ Quốc Chương viết trang cá nhân, cho rằng quy định này là “quan trọng hóa vấn đề, dễ khiến các em ảo tưởng về quyền lực”. Người này cho biết có cháu nội học tại một trường quốc tế, mỗi tháng bầu lớp trưởng 1 lần, học sinh tự nhận xét lẫn nhau và tự bầu người mình chọn, có thể tự ứng cử nếu tự tin. “Qua đó các cháu cũng có dịp nhìn lại mình để tiến bộ hơn, rất vui vẻ và tự giác. Giáo viên và phụ huynh không can thiệp sâu, chỉ theo dõi, định hướng thôi. Mọi việc rất nhẹ nhàng thoải mái như một trò chơi có tính giáo dục”, người này viết.
Một ảnh chế về vấn đề xem lớp trưởng tiểu học là chủ tịch hội đồng được chia sẻ trên Facebook - Ảnh chụp màn hình
Hầu hết các ý kiến cho rằng vấn đề mấu chốt trong đổi mới giáo dục không phải là chuyện xưng hô sao cho kêu mà là cách giáo dục các em sống có tự trọng, danh dự, đạo lý, làm người có ích cho Tổ quốc... Thậm chí, một số người đánh giá cách gọi lớp trưởng là chủ tịch sẽ gieo vào đầu con trẻ thói háo danh, ham chức tước quyền hành.
Trên một diễn đàn về giáo dục, một người có tài khoản Facebook là Ngọc Vũ chia sẻ: “Những cái cần thay đổi thì không thấy đổi, ví như thay đổi cách giáo dục đọc chép bằng nghiên cứu, tìm tòi và phản biện có hay hơn không”.
Bên cạnh đó, điều 17 của dự thảo quy định mỗi lớp học không quá 35 học sinh. Cư dân mạng cho rằng đây là quy định không tưởng ở TP.HCM khi hiện nay, nhiều trường đã phải quay trở lại việc học 1 buổi/ngày với sĩ số trung bình 45-50 học sinh/lớp.
Tuy nhiên, ngoài các ý kiến phản đối thì vẫn có một số ít ý kiến cho rằng cách thức gọi mới này cũng khá độc đáo. Trên Facebook, bạn Thanh Thuy cho biết: “Cháu nhà em đang học mô hình mà lớp trưởng là chủ tịch rồi. Ý kiến này cũng khá hay, thực tế đây cũng chỉ là cách nói vui không nên quá làm căng thẳng vấn đề". Ngoài ra nhiều cư dân mạng cho biết dự thảo vẫn còn trong quá trình tiếp thu ý kiến, mọi người không nên quá bức xúc mà thay vào đó hãy đưa ra đóng góp tích cực của mình cho chính sách này.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh