THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:15

Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng

5 tháng đầu năm tạo việc làm cho gần 650 nghìn lao động

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng điều hành phiên chất vấn

Trước khi bước vào phần chất vấn, phát biểu tiếp thu, giải trình một số ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Trong 5 tháng đầu năm kinh tế nước ta tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng tín dụng đạt 5,18%, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, tỷ giá và thị trường ngoại hối cơ bản ổn định; xuất khẩu 5 tháng tăng 7,3%, thu ngân sách tăng 7,9% so với cùng kỳ, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 7,6%, giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi đạt 11,8%.

Sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2%, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 15,5%, vốn đăng ký tăng 26,3%, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải ngừng hoạt động giảm 5,3% so với cùng kỳ.

Trong 5 tháng đầu năm, đã tạo việc làm mới cho trên 641.000 lao động, tăng 3,7% so với cùng  kỳ 2014, trong đó đưa 45.000 lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài.

Tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí: Số vụ giảm 13,5%, số người chết giảm 4,9%, số người bị thương giảm 19%.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, theo Phó Thủ tướng, kinh tế nước ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Thiên tai, hạn hán diễn ra phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân, nhất là tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Tiêu thụ một số nông sản như cao su, cà phê, lúa gạo, trái cây... còn nhiều khó khăn. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 12,6%; vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, tiêu thụ nông sản

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Nhằm tháo gỡ các khó khăn trên, thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát sao và chủ động ứng phó với diễn biến tình hình. Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2015 đã được Quốc hội thông qua.

Cụ thể, Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là vấn đề được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Bộ trưởng Bộ Công Thương giải trình trong phiên chất vấn ngày 11 và 12/6.

Theo đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, vật nuôi cây trồng phù hợp với điều kiện của từng vùng, địa phương. Gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và thị trường, doanh nghiệp và người dân, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh nông sản, phát triển các hình thức liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm..

Thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, ưu tiên nhóm hàng nông, lâm, thủy sản; Thực hiện có hiệu quả đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân.

Về đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong điều kiện nguồn lực đầu tư công còn hạn hẹp trong khi nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng còn rất lớn, cần đa dạng hóa các hình thức, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng.

Trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến huy động vốn ngoài Nhà nước khoảng 171 nghìn tỷ đồng đầu tư vào đường bộ, khoảng 44 nghìn tỷ đồng vào kết cấu hạ tầng hàng hải, 13 nghìn tỷ đồng vào kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, 45 nghìn tỷ đồng vào các cảng hàng không và 14 nghìn tỷ đồng vào các nhà ga, kho bãi, dịch vụ đường sắt.

Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các Nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Phấn đấu đến hết năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt và vượt mức trung bình của ASEAN 6 và đến hết năm 2016 một số tiêu chí đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4.

Đồng thời, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết các vấn đề xã hội như giảm nghèo bền vững, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số; dạy nghề và đào tạo việc làm; chăm sóc sức khỏe nhân dân; giáo dục đào tạo; bảo đảm an toàn lao động

Hà Huy Linh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh