THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:38

Quan ngại nền kinh tế quá phụ thuộc vào vốn FDI

Năm 2014: tăng trưởng GDP đạt 5,98%

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Năm 2014, chúng ta đã hoàn thành tốt hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong 14 chỉ tiêu chủ yếu, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 01 chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch (là tỷ lệ lao động qua đào tạo). So với số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, có 10 chỉ tiêu đạt tốt hơn và 4 chỉ tiêu không thay đổi.

Nhiều phương thức, mô hình kinh tế đã được triển khai để nỗ lực giảm ngèo

Cụ thể, tăng trưởng GDP đạt 5,98%, vượt mục tiêu đề ra và cao nhất kể từ năm 2011. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,84%, thấp nhất trong nhiều năm qua. Mặt bằng lãi suất, tỷ lệ nợ xấu giảm; tỷ giá được duy trì ổn định; dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,7%; cán cân thương mại thặng dư năm thứ ba liên tiếp, xuất siêu 2,1 tỷ USD.

An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,83%, riêng các huyện nghèo giảm 5,61%. Xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả. Cải cách tư pháp được tích cực triển khai. Cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, môi trường đầu tư kinh doanh có bước cải thiện, năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng lên. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, lần đầu tiên sau nhiều năm số người chết giảm xuống dưới 9 nghìn người. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả tích cực.

“Kết quả trên cho thấy những nhận định, đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2014 là phù hợp. Chúng ta đã đạt được mục tiêu tổng quát; nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt tốt hơn so với số đã báo cáo; hầu hết các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch theo Nghị quyết Quốc hội đã đề ra; khẳng định rõ hơn xu hướng phục hồi của nền kinh tế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

FDI đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế

Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và sự nỗ lực trong điều hành của Chính phủ, các cấp, các ngành, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị báo cáo Chính phủ cần phân tích, đánh giá cụ thể hơn về một số vấn đề sau: Đánh giá tác động toàn diện hơn về công tác điều hành chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2014; theo số ước thực hiện báo cáo tại Kỳ họp thứ 8 và số liệu kết quả thực tế có sự chênh lệch quá lớn: CPI kế hoạch Quốc hội giao tăng khoảng 7,0%, số báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tăng 4,5 - 4,6%, số liệu đánh giá lại chỉ tăng 1,84% so với tháng 12/2013 bởi công tác dự báo, điều hành CPI sẽ tác động mạnh đến kế hoạch đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân và tâm lý xã hội, tâm lý thị trường.

Các doanh nghiệp FDI đang đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế

Hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động lớn, tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động có lãi thấp. Cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước còn chậm, chất lượng và hiệu quả tái cơ cấu chưa cải thiện nhiều. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng lên, khu vực FDI đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, nhất là đóng góp kim ngạch xuất khẩu tới 65% - 67% tổng kim ngạch xuất khẩu, chỉ riêng SamSung Việt Nam đã đóng góp xuất siêu 10 tỷ USD trong 2 năm: năm 2013 xuất siêu 3,9 tỷ USD, năm 2014 xuất siêu 6,1 tỷ USD đã tạo nguồn ngoại tệ dồi dào và góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, tác động của FDI trong việc nâng cao trình độ công nghệ cho nền kinh tế Việt Nam chưa rõ nét. Có ý kiến quan ngại rằng, nếu nguồn vốn FDI rút khỏi thị trường sẽ tác động xấu đến sự phát triển bền vững nền kinh tế nước ta.

Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, vẫn xảy ra tình trạng được mùa mất giá, khó khăn tiêu thụ sản phẩm... gây thiệt hại và bức xúc cho người dân. Mặc dù có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc ban hành các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhưng vẫn còn lúng túng, vướng mắc trong việc tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động. Việc nhân rộng các mô hình sản xuất, quản lý thành công trong thực tiễn, nhất là mô hình liên kết chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp còn chậm.

Công tác quản lý, sử dụng đất đai ở các công ty nông, lâm nghiệp quốc doanh thời gian qua chưa thực sự chuyển biến. Quá trình cổ phần hóa chậm và cũng đã bộc lộ những điểm bất hợp lý. Tình trạng lấn chiếm, giao khoán sử dụng sai mục đích, đối tượng dẫn đến thất thoát, lãng phí tài nguyên đất còn khá phổ biến; hiệu quả sản xuất chưa cao, đóng góp nguồn thu cho xã hội và ngân sách nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực. Nguyên nhân chính là do mô hình quản lý, quản trị doanh nghiệp chưa hiệu quả; trách nhiệm quản lý của các công ty và chính quyền địa phương có nơi còn buông lỏng.

Đời sống một bộ phận người lao động, hộ nghèo, gia đình chính sách còn nhiều khó khăn, còn có chênh lệch lớn về mức sống và an sinh giữa các vùng, nhóm dân cư, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, kết quả giảm nghèo ở một số nơi chưa thực sự bền vững.

Ngọc Ước

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh