THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:14

“Đề tài khoa học nguyên cứu xong mà cất ngăn kéo là lãng phí rồi!”

.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&CN, các đại biểu chủ yếu tập trung chủ yếu vào mảng vấn đề áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào đời sống. Các đại biểu cho rằng, công tác nghiên cứu khoa học nhiều, nghiệm thu nhiều nhưng ứng dụng vào cuộc sống các kết quả nghiên cứu đó không cao.

Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), chia sẻ với Bộ trưởng Nguyễn Quân về nguồn kinh phí hạn hẹp dành cho công tác nghiên cứu khoa học, nhưng đại biểu Nguyễn Mạnh Cường thẳng thắn nhìn nhận, tình trạng đề tài nghiên cứu xong xếp ngăn kéo rất phổ biến, tỷ lệ các kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế rất thấp và còn chưa được công khai gây lãng phí lớn. “Có phải sản phẩm khoa học của chúng ta nghiệm thu trên bàn là chủ yếu? có phải do chúng ta đầu tư dàn trải, không tập trung, đầu tư không đúng chỗ, đúng người, đúng việc? có hay không cơ chế xin, cho? đến bao giờ tình trạng này cơ bản được khắc phục? Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và trách nhiệm trong việc giải quyết vấn đề này? “, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đặt câu hỏi.

Thừa nhận thực trạng có đề tài nghiên cứu khoa học xong “cất ngăn kéo”, Bộ trưởng Nguyễn Quân, cho biết: đối với các đề tài nghiên cứu cơ bản, về cơ bản là xếp ngăn kéo, bởi vì nó đi trước thời đại, nó phải nằm trong ngăn kéo để chờ đợi trình độ phát triển của xã hội đến một mức độ nhất định mới có thể ứng dụng được.

“Chất bán dẫn được người Mỹ phát minh ra từ đầu thập kỷ 50 nhưng phải nằm ngăn kéo đến đầu thập kỷ 60 khi người Nhật mua sáng chế đó thì mới trở thành sản phẩm hàng hóa và ngày nay mỗi năm đóng góp cho thế giới hơn 20.000 tỷ đô la. Vì thế các đề tài nghiên cứu cơ bản thì chúng ta phải chấp nhận, phải có một giai đoạn chờ đợi”, Bộ trưởng Nguyễn Quân lý giải.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, có nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng, nhưng để nó trở thành sản phẩm hàng hóa được ứng dụng thì phải có điều kiện về đầu tư. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, có rất nhiều đề tài nghiên cứu thành công nhưng không tìm được nguồn đầu tư.Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho giai đoạn nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm. Vì thế muốn trở thành sản phẩm được thương mại hóa thì phải có sự đầu tư từ doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp của chúng ta hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chưa đủ năng lực đầu tư nên nhiều kết quả nghiên cứu tốt vẫn phải chờ cơ hội.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng thẳng thắn thừa nhận có các đề tài sau khi nghiên cứu thành công bị “Cắt ngăn kéo” là do các nghiên cứu này không được xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, từ thực tiễn nền kinh tế, nghiên cứu theo sở thích của các nhà khoa học  cho nên khi nghiên cứu xong thì không ứng dụng được.

Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), nói: chúng ta phải khẳng định lãng phí trong nghiên cứu khoa học là vô cùng lớn. Mỗi năm, một bộ, có đến vài chục tỷ, thậm chí cả trăm tỷ bỏ ra để nghiên cứu khoa học. Nhưng cứ bảo vệ, in ấn rất đẹp, sau đó xếp lên giàn mà không có ứng dụng gì cả. Có nhiều người còn nói với tôi một câu rằng “nghiên cứu khoa học là một cách kiếm tiền khá dễ dàng”.

“Trên thực tế việc xét duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học qua nhiều cấp, nhưng vẫn không làm thế nào để loại bỏ được những đề tài không mang tính ứng dụng. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học xã hội. Có cách nào kiểm soát và quy trách nhiệm ra sao đối với các loại đề tài này?”, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương đặt câu hỏi.

Không trả lời trực tiếp vào câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sĩ Cương, Bộ trưởng Nguyễn Quân phân trần: mỗi năm nhà nước chỉ giành cho khoa học – công nghệ 2% tổng chi ngân sách. Như năm nay được bố trì hơn 3 nghìn tỷ đồng, nhưng hơn 40% dành cho đầu tư phát triển, tức là đầu tư cho hạ tầng khoa học, công nghệ, bao gồm cả đầu tư trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm của các cơ quan khoa học. Còn lại trên 40% nữa dành cho chi thường xuyên, tức là chi phí trả lương hoạt động bộ máy của các cơ quan khoa học, công nghệ công lập. Chỉ còn xấp xỉ 20% dành cho hoạt động nghiên cứu. “Tính đổ đồng mỗi một viện nghiên cứu chỉ được khoảng hơn 1 tỷ đồng dành cho nghiên cứu và nếu 1 đầu cán bộ khoa học, công nghệ chỉ có hơn 30 triệu đồng dành cho nghiên cứu, con số này rất thấp so với khu vực và thế giới”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng sốt ruột: “Đề nghị Bộ trưởng trả lời thẳng vào câu hỏi của đại biểu Cương là có lãng phí trong nghiên cứu khoa học không?”

“Báo cáo với Quốc hội, vấn đề lãng phí chắc chắn có, vì chúng ta đầu tư không tới ngưỡng, một số đề tài không bám sát vào thực tế cuộc sống, cho nên kết quả không dùng được”, Bộ trưởng Nguyễn Quân, trả lời.

Ngọc Ước

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh