THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:58

Đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động

 

Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm.

 

Ông cho biết những kết quả nổi bật của Cục Việc làm đạt được trong năm qua?

- Năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, tuy vẫn gặp những khó khăn, thách thức, nhưng được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, lĩnh vực việc làm đã đạt được những kết quả tích cực.

- Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 3,2%, đạt 100% kế hoạch đề ra, giảm 0,02% so với năm 2017;

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,6%, đạt 100% kế hoạch đề ra, tăng 2,5% so với năm 2017), trong đó: có bằng, chứng chỉ đạt 23 - 23,5%.

Riêng chỉ tiêu ngành về giải quyết việc làm, năm 2018, tạo việc làm cho khoảng 1.648 nghìn người, đạt 103% kết hoạch, tăng 0,5% so với năm 2017; trong đó tạo việc làm trong nước khoảng 1.506 nghìn người, đạt 101,1% kế hoạch.

Về hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động: Năm 2018, Cục đã tiếp tục tham mưu xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 Nghị định; 01 Quyết định. Trình Bộ ban hành 02 Quyết định; ký duyệt 02 văn bản hợp nhất; ký xác thực Pháp điển đề mục Việc làm gửi Bộ Tư pháp; trình Lãnh đạo Bộ để trình Chính phủ Nghị định sửa đổi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ và dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung thay thế Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg ngày 24/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng trong năm 2018, Cục đã tập trung xây dựng đề án về dự báo cung - cầu lao động, đẩy mạnh các hoạt động nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thị trường lao động; đẩy mạnh công tác dự báo và thông tin thị trường lao động; nâng cao chất lượng và đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm; theo dõi các chỉ tiêu về thị trường lao động, cập nhật cơ sở dữ liệu cung, cầu lao động: hướng dẫn Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh tổ chức trên 12.16 phiên giao dịch việc làm định kỳ, thường xuyên nhằm cung cấp thông tin về thị trường lao động và kết nối cung cầu lao động, đồng thời tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản về nước...góp phần phát triển thị trường lao động theo hướng tích cực, thực sự hỗ trợ cho NLĐ và người sử dụng lao động, giảm mạnh các tiêu cực trên thị trường lao động.

Thực hiện có hiệu quả các hoạt động Dự án phát triển thị trường lao động và việc làm thuộc Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động: hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, tổ chức đoàn thể, các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. Ước năm 2018, thông qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 150.000 lao động; thực hiện tạo việc làm cho khoảng 1.648 nghìn người, đạt 103% kế hoạch, tăng 0,5% so với thực hiện năm 2017...

Đối với công tác quản lý lao động nước ngoài, Cục đã chủ động hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Đồng thời triển khai đồng bộ việc thực hiện việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử cho các địa phương, đem lại hiệu quả thiết thực đối với doanh nghiệp, giảm được chi phí cho doanh nghiệp, đảm bảo công khai, minh bạch trên môi trường mạng.

Tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và chấn chỉnh việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho NLĐ, người sử dụng lao động trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp; đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động, hỗ trợ học nghề giúp người thất nghiệp sớm có việc làm. Sau 10 năm triển khai thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã được người sử dụng lao động và NLĐ đón nhận một cách tích cực, được dư luận xã hội đánh giá là một trong những chính sách sớm đi vào cuộc sống.

Nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu trong năm 2019 của Cục Việc làm là gì, thưa ông?

- Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế trong năm 2018, Cục Việc làm đặt mục tiêu, năm 2019,  duy trì tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới mức 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ  60 - 62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 24 - 25%; tạo việc làm 1,6 triệu người, trong đó tạo việc làm trong nước 1,48 triệu người, riêng hỗ trợ tạo việc làm cho khoảng 100.000 lao động thông qua dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm; hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm thuộc ngành LĐ-TB&XH tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho khoảng trên 2 triệu lượt người góp phần nâng tỉ lệ lao động có việc làm qua thông qua hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm trên 33,5% vào năm 2019; tăng cường công tác thông tin thị trường lao động, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam…

Về các nhiệm vụ trọng tâm, năm 2019, Cục Việc làm xác định trọng tâm thực hiện, chỉ đạo, điều hành: “Tập trung hoàn thiện thể chế và thực thi thể chế; phát triển thị trường lao động và phát huy đầy đủ các chức năng của BH thất nghiệp” cụ thể như sau:

Nghiên cứu, đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm. Trong đó tập trung đánh giá, đề xuất các nội dung của Luật Việc làm, nhất là các vấn đề về chính sách việc làm, thông tin thị trường lao động, tổ chức dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp; tham gia sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012, trong đó có nội dung về tuyển lao động, quản lý lao động và quản lý lao động nước ngoài; lao động đặc thù; nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung một số Nghị định về tuyển lao động, chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, về việc thành lập, hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm, về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, về tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam...

 Tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động của dự án Phát triển thị trường lao động và việc làm; triển khai các hoạt động vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm. Triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm cho lao động là thanh niên, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo nông thôn; hỗ trợ lao động di cư, thông qua việc ký hợp đồng đặt hàng với các địa phương; hoàn thiện hệ thống thông tin TTLĐ; xây dựng và triển khai Đề án dự báo cung - cầu lao động; nâng cao năng lực hệ thống DVVL: tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động; bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và quản lý hoạt động dịch vụ việc làm; phát triển mạng thông tin việc làm, lấy việc xây dựng cơ sở dữ liệu người tìm việc, việc tìm người làm trọng tâm; tổ chức có hiệu quả và phù hợp các sàn giao dịch việc làm; tập trung đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động; tăng cường các biện pháp để quản trị thị trường lao động...

Đạt những kết quả trên, ông đánh giá như thế nào về vai trò của công tác truyền thông?

- Trong những năm qua, lĩnh vực việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp ở nước ta đã có những bước tiến đáng kể, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của toàn xã hội. Trong các thành tựu chung đó, công tác truyền thông về lĩnh vực này đã có những đóng góp đáng kể với vai trò nổi bật của các phương tiện thông tin đại chúng. Trong quá trình thực hiện việc truyền thông, các cơ quan báo chí của Bộ, phóng viên, các đơn vị quản lý nhà nước về báo chí bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, kịp thời trên hầu hết các loại hình báo chí, từ báo in, phát thanh - truyền hình đến báo điện tử đã có nhiều bài viết về các lĩnh vực lao động, việc làm, trẻ em, người có công.

Hằng năm, Cục Việc làm đều quan tâm dành nhiều nguồn lực và phối hợp với các cơ quan truyền thông, đặc biệt là Báo Lao động và Xã hội để tăng cường tuyên truyền về việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp... Nhờ điều này, nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động, các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về những chính sách giải quyết việc làm, kết nối cung cầu lao động, bảo hiểm thất nghiệp đã được nâng lên, điều nay cũng khẳng định sự phối hợp với các cơ quan báo chí đã góp phần vào việc hoàn thành các chỉ tiêu về lao động - việc làm trên cả nước.

Xin cảm ơn ông!

Phương Trang (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh