Đẩy mạnh giáo dục STEM trong các nhà trường
- Giáo dục nghề nghiệp
- 00:33 - 21/06/2020
Giáo dục STEM gắn lý thuyết với thực tiễn
Ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; trong đó có nội dung "thúc đẩy triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức thí điểm tại một số trường phổ thông ngay từ năm học 2017-2018".
Thực hiện Chỉ thị số 16, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tích cực triển khai giáo dục STEM trong trường học. Từ năm 2017, Bộ đã giao Dự án Phát triển giáo dục THPT 2 trực tiếp tham gia Đề án thí điểm tại 15 tỉnh, thành phố với 60 trường để thực hiện mô hình này. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã quán triệt tinh thần giáo dục STEM trong tất cả các môn học và hoạt động giáo dục.
Cũng năm 2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch về triển khai Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025"; trong đó có nội dung: Hỗ trợ kinh phí hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp, giáo dục STEM tại một số trường trung học triển khai điểm đại diện cho các vùng kinh tế… Từ phong trào học sinh nghiên cứu khoa học, cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học đã được tổ chức hàng năm, góp phần quan trọng vào thực hiện giáo dục STEM trong các nhà trường.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, giáo dục STEM có nhiều lợi ích tích cực. Một trong những điểm mạnh của hoạt động này là giáo dục theo hướng tích hợp liên môn thay dạy đa môn rời rạc. Đây là cách tiếp cận mới, rất thiết thực, cần thiết. Bởi lẽ để giải quyết các vấn đề của thực tiễn thì không chỉ cần đến kiến thức của một môn học mà phải tổng hoà, tích hợp kiến thức của nhiều môn học.
Điểm mạnh tiếp theo của giáo dục STEM là dạy học gắn với thực tiễn, "học đi đôi với hành". Khi đó, "Toán học không chỉ phục vụ cho môn Toán mà là phục vụ cuộc sống". Giáo dục STEM đồng thời thay đổi phương thức học tập là học qua làm, học qua nghiên cứu, giúp học sinh tìm tòi khám phá tri thức, từ đó hình thành phẩm chất năng lực. Chương trình GDPT mới có mục đích cốt lõi cũng là hình thành phẩm chất năng lực thông qua việc học sinh đổi mới cách học, cách nghĩ. "Do đó, giáo dục STEM cần được tiếp tục đẩy mạnh trong các nhà trường. Đây thực sự là một phương pháp giáo dục hiện đại", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.
Nâng cao nhận thức về giáo dục STEM
Đánh giá kết quả 3 năm triển khai các hoạt động thí điểm giáo dục STEM tại cơ sở giáo dục trung học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học – Nguyễn Xuân Thành cho biết, hoạt động này đã được nhiều cơ sở thực hiện hiệu quả, đảm bảo mục tiêu, phù hợp điều kiện thực tế nhà trường. Việc đưa giáo dục STEM vào trường trung học mang lại nhiều ý nghĩa, phù hợp với định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.
Những năm qua, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện giáo dục STEM; tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên các trường triển khai thí điểm hoạt động giáo dục này. Điều đó đã giúp cán bộ quản lý, giáo viên trung học nắm bắt nội dung, phương pháp, hình thức triển khai hoạt động giáo dục STEM có hiệu quả.
Tuy nhiên, việc triển khai giáo dục STEM cũng còn một số khó khăn, hạn chế, trong đó có hạn chế về nhận thức của cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh và cộng đồng. Khái niệm giáo dục STEM còn được hiểu khác nhau. Hoạt động giáo dục STEM là vấn đề còn mới mẻ đối với nhiều trường học và nhiều giáo viên. Một số địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa của hoạt động giáo dục STEM. Tâm lý nhiều học sinh và phụ huynh học sinh vẫn chỉ quan tâm đến các môn văn hóa để chuẩn bị cho các kỳ thi. Vì vậy, có những em có năng lực khoa học nhưng không được cha mẹ học sinh ủng hộ tham gia hoạt động STEM.
Là chủ nhiệm một đề tài nghiên cứu về giáo dục STEM, PGS.TS Lê Huy Hoàng - Trưởng khoa Sư phạm Kỹ thuật, ĐHSP Hà Nội, Chủ biên Chương trình môn Công nghệ trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cũng nhấn mạnh vai trò của nhận thức đúng, đủ về STEM. "Khi phỏng vấn giáo viên, phục vụ đề tài nghiên cứu về giáo dục STEM, tôi thấy thầy cô có góc nhìn khác nhau, quan niệm chưa thống nhất về giáo dục STEM, mặc dù Bộ GD&ĐT đã có nhiều tài liệu trình bày môt cách tương đối tổng quát, dễ hiểu liên quan đến nội dung này. Do đó, để triển khai giáo dục STEM được hiệu quả, việc đầu tiên cần thực hiện là giúp giáo viên, học sinh, hiểu đúng, đủ, sâu về hoạt động này", PGS Lê Huy Hoàng nói.
Khi thảo luận tìm giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh giáo dục STEM trong trường phổ thông, nhiều đại biểu khác tham dự hội thảo cũng đề xuất phải nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh, cộng đồng về hoạt động giáo dục này. Đây chính là nhiệm vụ đầu tiên Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý ngành giáo dục thực hiện trong thời gian tới.