THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:36

Đẩy mạnh giải quyết việc làm, dạy nghề, đảm bảo an sinh xã hội

 

Điểm sáng về thành tựu giảm nghèo 

Bằng sự quyết tâm trong lãnh đạo, điều hành, sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức, người lao động trong ngành, sự phối hợp tích cực của các cơ quan Trung ương và địa phương, việc triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành LĐ-TB&XH trong 5 năm qua đã cơ bản hoàn thành với các kết quả nổi bật: Cả nước đã tạo việc làm cho trên 7,8 triệu người; khoảng 8,6 triệu lao động được đào tạo, tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo cả nước lên 51,6% vào cuối năm 2015; đào tạo nghề Việt Nam đã ghi được dấu ấn trong các kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới, điểm nhấn là lần đầu tiên học sinh Việt Nam đã giành được Huy chương Đồng tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 43. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân khoảng 2% mỗi năm, từ 14,2% (cuối năm 2010) xuống dưới 4,5% (năm 2015). Riêng các huyện nghèo giảm khoảng 6% mỗi năm, từ 58,3% xuống còn 28%. Thành tựu về giảm nghèo của Việt Nam luôn là điểm sáng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương lao động hạng ba của Chủ tịch nước cho em Nguyễn Duy Anh đạt Huy chương đồng nghề giải pháp phần mềm công nghệ thông tin tại kỳ thi Tay nghề thế giới lần thứ 43 tổ chức tại Sao Paulo (Brazil). 

 Lĩnh vực người có công được thực hiện tốt hơn nhờ sửa đổi nhiều chính sách theo hướng mở rộng đối tượng, nâng mức trợ cấp (hiện nay mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đã tăng lên 71,2% so với năm 2010); đồng thời, huy động được nhiều nguồn lực, khơi dậy được sự tham gia, đóng góp của cộng đồng chung tay chăm sóc người có công với nhiều hình thức phong phú, đa dạng... Nỗ lực của toàn ngành đã góp phần hoàn thành mục tiêu chung của cả nước là “ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”.

Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020). Việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra có ý nghĩa to lớn, tạo đà cho các năm tiếp theo để hoàn thành mục tiêu kế hoạch 5 năm. Với định hướng này, ngành LĐ-TB&XH đặt ra các mục tiêu: Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đa dạng, toàn diện, bảo đảm bền vững, tạo nền ổn định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Thực hiện các giải pháp đồng bộ đảm bảo an sinh xã hội

Nhằm thực hiện các mục tiêu của giai đoạn 2016 - 2020, Bộ LĐ-TB&XH đề ra các giải pháp thực hiện: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, người có công và xã hội, đặc biệt tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi)...; rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực.

Tạo việc làm, phát triển thị trường lao động, trong đó tập trung đẩy mạnh giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội cụ thể của từng địa phương, từng vùng, miền theo hướng bền vững; thúc đẩy chuyển dịch việc làm khu vực nông thôn theo hướng phi nông nghiệp; hỗ trợ tạo việc làm cho nhóm lao động yếu thế. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo lập đồng bộ các yếu tố thị trường lao động. Theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin cung - cầu lao động; kết nối hệ thống thông tin thị trường lao động địa phương với hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia; mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, nhất là các thị trường có thu nhập cao, an toàn cho người lao động. Tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài...

Thực hiện pháp luật lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, cải thiện điều kiện lao động, đặc biệt chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật về quan hệ lao động, chính sách lao động, tiền lương, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, ATVSLĐ.  Tiếp tục thực hiện lộ trình cải cách tiền lương; nghiên cứu, bổ sung các quy định, chế tài về các nghĩa vụ tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện các giải pháp mở rộng diện tham gia và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp... Tăng cường quản lý nhà nước về công tác ATVSLĐ.

Phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Trong đó, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020 và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các dự án phát triển dạy nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tổ chức triển khai thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp; xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả giáo dục nghề nghiệp theo cơ chế thị trường, gắn với nhu cầu xã hội...

Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách ưu đãi NCC, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đã ban hành; nghiên cứu điều chỉnh bổ sung chính sách, nâng cao mức trợ cấp phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước. Tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng về xác nhận, công nhận NCC, đặc biệt đối với liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ, người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học. Tổ chức thực hiện tốt Đề án xác nhận hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; phối hợp tốt với Bộ Xây dựng hoàn thành Đề án hỗ trợ NCC có khó khăn về nhà ở; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về người có công; đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, NCC”.

Đẩy mạnh thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của đối tượng thụ hưởng và sự tham gia của người nghèo. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chính sách giảm nghèo đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số, hướng tới thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.  Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho hộ nghèo, người nghèo theo hướng chuyển dần sang hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo…

Thứ trưởng Đào Hồng Lan thăm, chúc Tết tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan (Ninh Bình). 

 Thực hiện đầy đủ các chính sách trợ giúp xã hội đã ban hành; từng bước mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội, nâng dần mức trợ cấp xã hội thường xuyên, mức nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách trợ giúp xã hội phù hợp với thực tiễn đất nước và hội nhập quốc tế. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an sinh xã hội và trợ giúp xã hội.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến trẻ em nhằm tạo môi trường luật pháp đầy đủ, thân thiện với trẻ em, môi trường xã hội phù hợp với trẻ em; từng bước giảm khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống giữa các nhóm trẻ em và trẻ em giữa các vùng, miền. Nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Xây dựng, nhân rộng mô hình hiệu quả về bảo vệ, chăm sóc trẻ em dựa vào cộng đồng. Ưu tiên hỗ trợ bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em vùng nông thôn nghèo, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số…

Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thành các chính sách, pháp luật đối với phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới; nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách có liên quan đến công tác cán bộ nữ; đảm bảo lợi ích chính đáng của phụ nữ trong tất các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Tăng cường thực hiện quy định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng, thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, trong chiến lược, kế hoạch, chương trình. Nâng vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực, địa bàn trọng điểm; đảm bảo sự bình đẳng của phụ nữ trong tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội và gia đình

Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về dự phòng và điều trị nghiện; phòng, chống mại dâm. Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ cai nghiện tự nguyện, cai nghiện và quản lý sau cai tại gia đình, cộng đồng; chính sách hỗ trợ, dạy nghề, tạo việc làm tại Trung tâm chữa bệnh - giáo dục - Lao động xã hội; bổ sung các quy định pháp luật về phòng ngừa và bảo vệ người chưa thành niên bị cưỡng bức bán dâm, bảo đảm phát hiện sớm và xử lý nghiêm các hành vi cưỡng bức bán dâm; hỗ trợ cho người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng. Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn nghiện hút ma tuý, mại dâm; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trên địa bàn trong việc phát hiện, lập hồ sơ quản lý người nghiện ma túy. Đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ điều trị nghiện; tăng cường quản lý địa bàn, không để tệ nạn mại dâm bùng phát gây bức xúc xã hội.

Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, giảm và loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo đối với các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, người dân, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách lĩnh vực lao động, người có công và xã hội…

 Chủ động, tích cực thực hiện các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế theo Chương trình đối ngoại của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chương trình hành động của Chính phủ. Đẩy mạnh việc thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN đến năm 2025; tổ chức thực hiện Đề án về Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực lao động -    xã hội giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt)…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Gắn kết đào tạo nghề với thị trường lao động 

 Mặc dù chúng ta không bao giờ hài lòng với những gì đã làm được, nhưng chúng ta có quyền tự hào vì đã phấn đấu rất nỗ lực. Nhờ sự đóng góp của toàn xã hội, của các đoàn thể, các hội nghề nghiệp và tất cả các cấp, các ngành, trong 5 năm qua, xã hội của chúng ta có sự phát triển về kinh tế với mức phát triển cao trên thế giới. Đặc biệt, thế giới đánh giá cao Việt Nam đã giành những nguồn lực lo cho con người, lo cho xã hội ổn định và an bình, nhân dân tin tưởng vào tương lai của đất nước...

Giai đoạn 2016- 2020, lĩnh vực lao động, việc làm là nhiệm vụ không chỉ của ngành LĐ-TB&XH và không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Cần tập trung nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua công tác đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp. Ngành LĐ-TB&XH cần rà soát tất cả các cơ sở dạy nghề để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề. Tập trung đổi mới thực chất Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng thiết thực, phục vụ nhu cầu của người lao động.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác ngành LĐ-TB&XH ngày 25/12/2015. 

Về lĩnh vực người có công, đây là lĩnh vực đặc thù của đất nước ta, qua đợt Tổng rà soát vừa qua, vẫn còn một số người xứng đáng lẽ ra được hưởng chế độ nhưng chưa được hưởng do vấn đề hồ sơ, chúng ta cần tiếp tục rà soát cụ thể để giải quyết sớm, giải quyết ngay.

 Trong lĩnh vực giảm nghèo, chúng ta đã tiếp cận chuyển từ đơn chiều sang đa chiều. Vấn đề này cũng là vấn đề chung của xã hội, liên quan tới tất cả các lĩnh vực. Tuy vậy, trong các chính sách và công tác chỉ đạo ở cơ sở còn gặp khó khăn. Nhận thức của người dân đã có chuyển biến song còn chậm. Thẳng thắn nhìn nhận, nhiều đối tượng, gia đình nếu được trợ giúp có thể sẽ thoát nghèo vì bản thân họ có khát khao, nỗ lực mong muốn thoát nghèo, song không ít đối tượng, gia đình còn ỷ lại, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Trách nhiệm của cấp cơ sở là làm cho họ chuyển đổi nhận thức, có cách làm phù hợp để chính sách giảm nghèo đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, nghèo ở thành thị cũng là vấn đề trăn trở hiện nay. Nó liên quan tới mạng lưới an sinh xã hội. Hiện tỷ lệ người tham gia BHXH còn thấp, việc nhận thức về BHXH của người dân còn hạn chế. Các ngành, các cấp cần vào cuộc tuyên truyền, nhằm làm thay đổi thói quen và tâm lý của người dân, đảm bảo diện bao phủ cao, xây dựng hệ thống an sinh xã hội vững chắc...

 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền:Tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong thực hiện các chính sách  

Giai đoạn 2016 - 2020, để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, ngành LĐ-TB&XH cần tập trung triển khai các văn kiện Đại hội Đảng XII liên quan đến các lĩnh vực của ngành. Tiếp tục triển khai Chương trình hành động của ngành và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2020 và nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm (2015 -2020). Tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong kế hoạch phát triển lĩnh vực lao động, NCC và xã hội giai đoạn 2016 -2020. Làm tốt công tác dự báo xu hướng phát triển các lĩnh vực lao động, NCC và xã hội.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu tại hội nghị. 

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của các cấp uỷ đảng, chính quyền, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong thực hiện các chương trình, chính sách lĩnh vực lao động, NCC và xã hội.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, đoàn thể và người dân về chính sách của ngành LĐ-TB&XH. Phối hợp các bộ, ngành, địa phương, cơ quan Đảng, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển lĩnh vực lao động, NCC và xã hội. 

 

Một số chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 và năm 2016

- Tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%;

-  Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65% vào năm 2020, năm 2016 là 53%;

- Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân khoảng 1-1,5%/năm, năm 2016 là 1,3

- 1,5% (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%).

Chỉ tiêu kế hoạch của ngành:

* Tạo việc làm, phát triển thị trường lao động: Giải quyết việc làm cho 7,5 – 8 triệu người, gồm: Tạo việc làm trong nước cho 7 – 7,5 triệu người; số người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 500.000 người. Năm 2016, giải quyết việc làm cho 1,5 - 1,6 triệu lao động; tỷ lệ tham gia BHXH trong lực lượng lao động đạt 50% vào năm 2020, năm 2016 đạt 23 - 25%.

* Giáo dục nghề nghiệp: Tuyển mới gần 11 triệu người (trình độ trung cấp và cao đẳng là hơn 1,3 triệu người; trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng là 9,4 triệu người); năm 2016 tuyển mới dạy nghề 2,15 triệu người; tốt nghiệp học nghề theo các trình độ đào tạo đạt 9,4 triệu người.

* Chăm sóc người có công: Đến năm 2020 đảm bảo 99% hộ gia đình chính sách, NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú, năm 2016 là 98,5%; phấn đấu 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và NCC, năm 2016 là 98,5%.

* Bảo trợ xã hội: 100% các đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 85% các đối tượng người khuyết tật được tiếp cận tối thiểu 1 trong các dịch vụ xã hội, năm 2016 khoảng 81%.

* Bảo vệ, chăm sóc trẻ em: Đến năm 2020 có 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, năm 2016 khoảng 86%; 85% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; năm 2016 khoảng 80%.

* Phòng, chống tệ nạn xã hội: Tỷ lệ số người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý đạt 90% vào năm 2020, năm 2016 là 74%; giảm tỷ lệ điều trị nghiện bắt buộc tại các trung tâm cai nghiện xuống còn 6%, năm 2016 là 17%; số người bán dâm được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội khoảng 75.000 lượt người, năm 2016 là 15.000 người.

NGUYỄN SÍU/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh