Nỗ lực trong việc giải bài toán bình đẳng giới tại Châu Á
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 22:43 - 22/07/2016
Không thể phủ nhận Châu Á đã có những thay đổi tích cực trong việc giảm thiểu sự bất bình đẳng đối với phụ nữ, tuy nhiên xét trong môi trường làm việc nói riêng, phụ nữ vẫn phải chịu những điều kiện làm việc nghèo nàn hơn cùng với đó là mức thu nhập thấp hơn so với các đồng nghiệp nam. Trong khoảng thời gian từ năm 2003 tới năm 2015, Myanmar và Việt Nam là hai trong số các quốc gia có tỷ lệ phụ nữ trong lực lượng lao động không hề thay đổi, duy trì ở mức dưới 50%. Con số đó ở một số quốc gia như Ấn độ hay Bangladesh thậm chí còn giảm xuống. Điều đó cho thấy, dù có những nỗ lực từ chính phủ và các tổ chức bảo vệ nữ quyền, các công ty vẫn chưa thực sự mở rộng cánh cửa cho các lao động nữ.
Bình đẳng giữa nghĩa vụ và quyền hạn
Trong khi sự bất bình đẳng công việc vẫn còn tồn tại, thì phụ nữ vẫn phải chịu “sự bình đẳng” trong các nghĩa vụ chi trả cho cuộc sống thường ngày. Tất cả các chi phí nhà ở, giáo dục, mua thực phẩm và chăm sóc sức khỏe… là chi chí tiêu chuẩn để định mức tiền lương tối thiểu tại các quốc gia Châu Á. Tuy vậy, mức tiền lương tối thiểu hầu như không tăng trong suốt những năm vừa qua trong khi chi phí sinh hoạt lại tăng đáng kể do ảnh hưởng của lạm phát.
Trên thực tế, nghiên cứu của Oxfam cũng chỉ ra rằng, có những bất hợp lý tồn tại nhưng lại thường bị bỏ qua đối với lao động nữ, điển hình là việc họ phải dành thời gian từ 3-4 tiếng mỗi ngày cho các công việc gia đình mà không được trả lương. Các công việc gia đình bao gồm dọn dẹp, chăm sóc con cái, gia đình… thường được mặc định là nghĩa vụ thay vì thời gian làm việc. McKinsey đã ước tính tổng số thời gian phụ nữ dành cho các công việc gia đình lên tới 10 nghìn tỷ USD một năm - và họ hoàn toàn không được hưởng khoản tiền này.
Những nỗ lực tới từ đâu - Bài toán cho Việt Nam
Việc nâng tầm giá trị của phụ nữ trong công việc là một vấn đề chung của cả xã hội, song giải pháp của nó lại phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau. Đối với các công ty, khó có thể yêu cầu một mức trợ cấp cao hơn dành cho phụ nữ, bởi nó sẽ dễ làm dậy lên làn sóng phản đối từ những người lao động khác. Một giải pháp khả dĩ hơn là tạo ra thêm nhiều việc làm cho phụ nữ, với môi trường làm việc linh hoạt và điều kiện tốt hơn. Các hình thức kinh doanh thương mại điện tử ra đời tập trung vào nhóm ngành gia dụng và thời trang đang tạo một số lượng việc làm không nhỏ cho phụ nữ như Zalora, Lazada… Thậm chí, thời gian gần đây đã ghi nhận sự tăng lên đáng kể của nữ giới trong một ngành dịch vụ vốn mang định kiến là cho nam giới - ngành tài xế. Sự có mặt của các loại hình gọi xe mới như Uber đang góp phần gia tăng việc làm cho phụ nữ. Những nữ tài xế chọn chuyển sang làm đối tác cho Uber đã ghi nhận những thay đổi rất tích cực trong thu nhập và điều kiện làm việc của mình.
Một trong những tiêu chí khác để đánh giá hiệu quả những nỗ lực cải thiện bình đẳng giới trong công việc chính là tỉ lệ phụ nữ nắm giữ các chức vụ lãnh đạo cấp cao tại các công ty. Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận nữ tỉ phú đầu tiên cũng chính là người đứng sau hãng hàng không Vietjetair - Nguyễn Thị Phương Thảo. Giám đốc Marketing của Google cho thị trường Việt Nam là bà Nguyễn Phương Anh cũng đến từ Việt Nam. Hoặc quay trở lại trường hợp với Uber, phần lớn các chức vụ liên quan đến chính sách và đối ngoại của công ty đều do nữ nắm giữ. Theo bà Dorothy Chou, giám đốc chính sách Uber toàn cầu, “Các công ty công nghệ nói chung và Uber nói riêng đang nỗ lực tạo ra nhiều việc làm và cung cấp cơ hội lãnh đạo cho nhân viên nữ. Đây sẽ là xu hướng mới trong tương lai và chúng tôi rất lạc quan về triển vọng này”.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất chính là sự đổi mới trong cách suy nghĩ và tư duy của chính những người phụ nữ. Chị Nguyễn Thị Quỳnh đã quyết định từ bỏ công việc nội trợ và bán hàng ở nhà để trở thành một nữ tài xế Uber, đó cũng là lúc chị khám phá ra những cơ hội mới phù hợp hơn với bản thân mình. “Chị hiện vẫn đang tiếp tục công việc tài xế của mình và hoàn toàn hài lòng vì điều đó” - chị Quỳnh chia sẻ.
Lời kết
Hiện nay, vấn đề đặt ra đối với việc bất bình đẳng trong việc tận dụng và đánh giá hiệu quả làm việc giữa nam giới và nữ giới vẫn còn là vấn đề nhức nhối với các quốc gia tại châu Á. Để cải thiện được tình trạng này, cần có sự chung tay từ cả 3 phía: các cơ quan và tổ chức, các doanh nghiệp trực tiếp quản lý người lao động và sự thay đổi nhận thức từ cộng đồng. Tại Việt Nam nói riêng, tuy đã có những nét khởi sắc, nhưng chúng ta vẫn cần những sự thay đổi lớn hơn nữa. Trong thời gian gần, chúng ta có thể đặt hy vọng vào những thay đổi đến từ các công ty trẻ với kỳ vọng một môi trường làm việc tốt hơn và là tiền đề để nâng cao nhận thức về giá trị lao động của nữ giới trong nền kinh tế đang tăng trưởng tại Việt Nam.