Đề cao dân chủ, hay chỉ là những lời đãi bôi, nhạt thếch?
- Văn hóa - Giải trí
- 15:15 - 19/03/2016
Bên cạnh đấy, cũng có rất đông người cho phát biểu trên là chuyện bình thường trong đời sống chính trị - xã hội hiện nay. Không những thế, họ còn thắc mắc: Tại sao lại “xù lông” với những ý kiến có nội dung như trên?
Phê phán phát ngôn, việc có tổ chức bên ngoài chi tiền cho một số người tự ứng cử, là mất dân chủ, là gây nhiễu, gây khó cho người tự ứng cử. Thoạt nghe cũng thấy êm êm cái tai, hơi hơi có lý. Nhưng ngẫm kỹ thấy nó hơi hướng cải lương, một chiều và không thật.
Nhân dân ta không chỉ tôn trọng những người được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giới thiệu ứng cử làm đại biểu Quốc hội, hay đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, mà còn rất tôn trọng, thậm chí còn khâm phục, ngưỡng mộ những người tự ứng cử vào cơ quan đại biểu của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước từ trung ương đến cấp xã. Khi trúng cử họ chính là đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, đã nói đến bầu cử là nói đến sự lựa chọn, nhất là lựa chọn người đại diện cho mình ở cơ quan quyền lực nhà nước, thì lựa chọn ấy cần phải cẩn trọng và khoa học. Sự lựa chọn của cả con tim và trí tuệ.
Thực tế minh chứng, không ít đại biểu đã phụ lòng mong mỏi của cử tri. Một số đại biểu không chỉ là “ông (bà) nghị giật”, mà còn phạm pháp, gây bức xúc cho người dân và dư luận xã hội. Chính vì vậy, việc nhắc nhở, cảnh báo, cảnh tỉnh mọi người khi tham gia lựa chọn những người xứng đáng làm đại diện có gì là không đúng, là mất dân chủ?. Điều này luật pháp chẳng cấm. Hơn nữa, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn cảnh báo để mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, về việc đang có nhiều thế lực phản động bằng những mưu mô, chước quỷ chống phá quyết liệt sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước hiện nay. Phải chăng khi bàn đến dân chủ một số người quên và cho lực lượng xấu xí này ra rìa ?.Cho chúng là đối tượng vô hại, không thèm chấp?
Trong tự bạch của mình, Các Mác - vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản cũng nêu quan điểm: Hoài nghi tất cả. Quan điểm của Mác, chắc những nhà khoa học, những học giả, những nhà quản lý, những người đấu tranh cho dân chủ, tự do,…cũng thấm nhuần rất tỏ và hiểu rất sâu. Vậy tại sao khi nghe, có người tự ứng cử được thế lực bên ngoài “chống lưng” lại giẫy lên như đỉa phải vôi, đòi phải “bắt được tận tay, day tận trán”?
Mác cảnh giác, Mác hoài nghi, Mác phản biện với chính mình để tìm ra chân lý. Tại sao lại ngăn cấm, phê phán, khuyên bảo, chê bai việc người khác nói lên sự thật khách quan, mà sự thật ấy giúp các cử tri lựa chọn được đại biểu xứng đáng cho mình. Cổ nhân dạy: Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Để lọt con sâu, nồi canh sẽ rầu. Dân chủ, hay quyền con người là cụ thể, là sự thật, chứ không phải dăm ba câu nói suông, vô thưởng, vô phạt để ở đâu cũng được, gán cho thời nào cũng vậy!.