CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:18

Cần chỉ rõ 'thế lực đứng sau', để tạo sự dân chủ cho người tự ứng cử

 

Trong những ngày gần đây, có những thông tin cho rằng “có thế lực đứng sau một số người tự ứng cử”, tạo nên sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Quan tâm đến vấn đề này, Thiếu tướng Lê Mã Lương cho rằng “không nên nói một cách chung chung như vậy. Nếu chỉ ra được thì nói, còn không thì không nên nói, vì sẽ ảnh hưởng đến người tự ứng cử”.

Nói chung chung là xúc phạm đến người tự ứng cử

Thiếu tướng Lê Mã Lương cho rằng, trong kỳ bầu cử lần đại biểu Quốc hội (ĐBQH) này có một lượng người tự ứng cử cao, với khoảng 100 đại biểu tự ứng cử trong cả nước. Tuy nhiên, gần đây có những thông tin rất lạ, kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng là một số đại biểu tự ứng cử có thế lực thù địch đứng phía sau chống lưng, hoặc “bơm tiền”.

“Tôi cho rằng nói như vậy rất thiếu trách nhiệm, không công bằng với những đại biểu tự ứng cử. Trong quá trình tự ứng cử nếu có chuyện xảy ra an ninh phải vào cuộc chứ tuyệt đối không thể nói chung chung vì như vậy sẽ làm cho những đại biểu tự ứng cử nản lòng, bất bình trước những thông tin này”- Thiếu tướng Lê Mã Lương nói.

Thiếu tướng Lê Mã Lương cho rằng, qua theo dõi các kỳ họp Quốc hội, một vấn đề mà bản thân ông và rất nhiều người đều phải công nhận là dân chủ trong nghị trường có một bước tiến rất lớn. Việc số lượng người tự ứng cử cao cũng là một hình thức thể hiện dân chủ trong xã hội. Vì thế, không nên có sự phân biệt giữa người ứng cử và tự ứng cử, mà quan trọng nhất vẫn là chất lượng đại biểu.

“Tôi hy vọng nhất là Quốc hội khóa tới là chất lượng các Đại biểu Quốc hội thay mặt cho cử tri thể hiện bản lĩnh, cái tầm, cái tâm và tình yêu đối với đất nước. Khi đã là đại biểu là phải mang được tiếng nói của nhân dân và nghị trường và tiếng nói đó phải có chất lượng”- Thiếu tướng Lê Mã Lương nói.

Ông Nguyễn Túc.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, việc đưa những thông tin phản động trong và ngoài nước “bảo kê” cho một số người tự ứng cử ĐBQH lần này sẽ ảnh hưởng, hạn chế đến việc làm chủ của dân, và xúc phạm người tự ứng cử.

“Hôm trước, tôi rất sốc khi đọc thông tin có thế lực thù địch đứng đằng sau một số người tự ứng cử. Những người có tự trọng cao họ rất bất bình về thông tin này. Ủy ban bầu cử Quốc gia nên chú ý về vấn đề này”- ông Túc nói.

Nếu có yếu tố “chống lưng” thì cần có thông tin cụ thể

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch tập đoàn VID cũng cho rằng, những thông tin cho rằng “có thế lực đứng sau người tự ứng cử”, việc xác minh thuộc về trách nhiệm của cơ quan công an. Tuy nhiên, quá trình bầu cử sẽ sàng lọc, loại bỏ ra được những người có động cơ không lành mạnh. Đây cũng là một trong những mục tiêu đã được định hướng trong cuộc bầu cử lần này.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

“Cử tri và nhân dân luôn luôn sáng suốt, những người ứng cử hay tự ứng cử đại biểu Quốc hội chính là từ nhân dân mà ra, nên họ có động thái như thế nào nhân dân cũng sẽ phát hiện ra. Cử tri luôn mong muốn lựa chọn được những đại biểu đại diện cho tiếng nói của dân, có nhiều đóng góp thiết thực cho diễn đàn Quốc hội”- bà Hường nói.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng khẳng định, cần tạo bầu không khí dân chủ thực sự đúng pháp luật đối với người tự ứng cử. Hiện nay các văn bản hướng dẫn không hề có bất cứ một sự phân biệt nào giữa người tự ứng cử và người được giới thiệu ứng cử kể cả việc tiếp xúc cử tri, giới thiệu chương trình hành động của mình cũng như điều kiện giới thiệu qua các cơ quan truyền thông phải bình đẳng.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý không nên có những thông tin nói chung chung về những yếu tố bên ngoài tác động đến người tự ứng cử. “Nếu trường hợp nào có yếu tố trực tiếp, thì cần có thông tin cụ thể để tạo sự dân chủ, tự tin cho người tự ứng cử’ – ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh