Những dấu ấn Giáo dục nghề nghiệp năm 2020 và giai đoạn 2016-2020
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:25 - 01/01/2021
1. Quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp được đổi mới mạnh mẽ
Ngay sau khi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được giao nhiêm vụ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, với tinh thần đoàn kết, đồng lòng, nắm thời cơ, chỉ đạo sâu sát, tập trung và bằng những giải pháp đồng bộ, nên chỉ trong thời gian ngắn, hệ thống thể chế hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng, tham mưu trình ban hành cơ bản hoàn thiện. Đồng thời trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách đã chủ động đề xuất những quy định mới, chính sách mới từ tổ chức, quản lý hệ thống cho tới quản trị cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đổi mới tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo; bổ sung cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi cho nhà giáo, người học tạo khung pháp lý để tổ chức, quản lý và triển khai đào tạo theo 3 cấp trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp... Đề xuất nhiều quy định, chính sách mới về phát triển giáo dục nghề nghiệp đưa vào Luật Giáo dục và Bộ Luật lao động. Qua đó tạo nền tảng vững chắc để ổn định và phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu nhân lực trực tiếp cho phát triển đất nước. Giáo dục nghề nghiệp đã từng bước tạo niền tin với xã hội về vai trò, trách nhiệm của mình trong sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Và sau hơn 20 năm kể từ khi tái lập Tổng cục Dạy nghề (nay là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), lần đầu tiên Quốc hội đã chính thức phân công Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trong Luật giáo dục sửa đổi, bổ sung năm 2019.
2. Nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến căn bản
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác truyền thông với vai trò dẫn dắt, định hướng xã hội. Lần đầu tiên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành 1 kế hoạch truyền thông về giáo dục nghề nghiệp trung hạn 2018-2020 và được tổ chức triển khai bài bản, có hiệu quả. Với nội dung phong phú, hình thức đa dạng, đổi mới, truyền thông đã bền bỉ và phản ánh đúng hiện thực đổi mới, nâng cao chất lượng, giáo dục nghề nghiệp đã bắt nhịp với nhịp đập, hơi thở của kinh tế xã hội. Từ đó đã tạo ra chuyển biến căn bản nhận thức về giáo dục nghề nghiệp từ Trung ương tới địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, từ cán bộ tới người dân; ngày càng nhiều gia đình chọn trường nghề cho con em theo học, nhiều người học đủ điểm học đại học hoặc đã tốt nghiệp bậc đại học cũng đã lựa chọn trường nghề để học tập, rèn luyện thêm kỹ năng; hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tin tưởng, hào hứng với khí thế mới, đồng lòng vì sự phát triển của giáo dục nghề nghiệp.
3. Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp vượt kế hoạch hằng năm
Nếu như trước đây, các sơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh chỉ đạt 60 đến 70% kế hoạch, thì trong giai đoạn 2017-2019, 3 năm liên tiếp đều tuyển sinh vượt kế hoạch; đối với các trường có uy tín và thương hiệu, tuyển sinh đầu vào đã có sự lựa chọn bằng điểm sàn. Kết quả phân luồng sau trung học, đặc biệt là sau trung học cơ sở đã có sự chuyển biến rõ rệt, nhiều vùng, nhiều địa phương có tỷ lệ phân luồng cao, tính trung bình cả nước đạt 15%. Năm 2020, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, tuyển sinh vẫn có những tín hiệu tốt và có thể đạt chỉ tiêu kế hoạch. Kết quả tuyển sinh khẳng định sự tin tưởng của người học, của xã hội với giáo dục nghề nghiệp về học nghề, lập nghiệp.
4. Mô hình mới, cách làm mới tạo sự đột phá trong giáo dục nghề nghiệp
Từ kinh nghiệm và thực tiễn đã xuất hiện những tư duy sáng tạo, cách làm mới để phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt đáp ứng với nhu cầu của người học, của doanh nghiệp, của thị trường lao động. Nhiều mô hình mới, cách làm mới, sáng tạo đã tạo đột phá trong giáo dục nghề nghiệp như mô hình 9+ dành cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề; mô hình đào tạo chất lượng cao theo các chương trình chuyển giao từ nước ngoài; mô hình tuyển sinh gắn với tuyển dụng, thực hành là sản xuất sản phẩm, thành lập hội đồng kỹ năng ngành, công nhận đại sứ nghề... Đặc biệt, việc triển khai gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp đã được thúc đẩy mạnh mẽ, doanh nghiệp đã tham gia sâu vào các hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đã triển khai xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo kỹ năng quản lý đào tạo, kỹ năng dạy học cho cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp, tạo tiền để để hình thành mô hình doanh nghiệp là nhà trường thứ 2, qua đó thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp tham gia vào giáo dục nghề nghiệp... Năm 2020 theo báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới, chỉ số doanh nghiệp có tham gia đào tạo chính thức của Việt Nam xếp hạng thứ 66 tăng 4 bậc so với năm 2019.
Với vai trò là chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã có sáng kiến thành lập và ra mắt Hội đồng giáo dục nghề nghiệp ASEAN vào ngày 16 tháng 9 năm 2020 tại Hà Nội.
Ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh trong mọi hoạt động từ quản lý, quản trị, chỉ đạo điều hành tới hoạt động dạy và học... đã làm thay đổi về chất và lượng từ bên trong của hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19, đã thể hiện được khả năng ứng phó của giáo dục nghề nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến để thực hiện tuyển sinh, đào tạo và quản lý, chỉ đạo điều hành.
Những điểm nhấn đột phá đó đã nhận được sự quan tâm, đồng thuận của xã hội với giáo dục nghề nghiệp.
5. Chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp có bước chuyển quan trọng
Chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp từng bước được cải thiện; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp có việc làm sau tốt nghiệp đạt 85%, một số ngành nghề tỷ lệ đạt 100% với mức thu nhập bình quân 7-10 triệu đồng/tháng, đối với các ngành nghề trọng điểm, chất lượng cao thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng. Đã xuất hiện những học sinh, sinh viên tiêu biểu về học nghề, lập nghiệp, khởi nghiệp thành công sau tốt nghiệp và ngay cả khi còn đang học. Trong các kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN và thế giới, thành tích của các thí sinh luôn được cải thiện và năm 2019 lần đầu tiên Việt Nam dành huy chương Bạc tại kỳ thi kỹ năng nghề thế giới tổ chức tại Liên Bang Nga, xếp thứ 25/63 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia dự thi. Năm 2019 Diễn đàn kinh tế thế giới đã xếp hạng chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp tăng 13 bậc.
Những kết quả trên khẳng định giáo dục nghề nghiệp đã có bước chuyển quan trọng về chất và lượng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển đất nước.
6. Nhiều hoạt động, sự kiện giáo dục nghề nghiệp được triển khai rộng khắp tạo lan tỏa mạnh mẽ
Tiếp tục với hành trình đổi mới, cách làm mới nhiều hoạt động, sự kiện của giáo dục nghề nghiệp đã nhận được sự quan tâm và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Diễn đàn Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam tổ chức ngày 16/11/2019 tại Hà Nội. Hội thảo VEC 2019 với chủ đề Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế được tổ chức thành công với sự đồng chủ trì của Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội và Bộ Lao động – Thương binh và xã hội. Các hoạt động, phong trào hướng tới nhà giáo, học sinh, sinh viên được đẩy mạnh thông qua Lễ tôn vinh học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc tiêu biểu năm 2020; Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2020; Thi kỹ năng nghề quốc gia, hội thi thiết bị dạy nghề, Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, Hội diễn văn nghệ học sinh sinh viên... Những hoạt động đó được tiếp nối thành chuỗi các hoạt động, sự kiện từ trung ương tới cơ sở với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tôn vinh người thợ, người học nghề như các kỹ thi kỹ năng nghề, Hội giảng nhà giáo của các Bộ, các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Hội thi thợ giỏi các cấp, các ngành như ngành than, ngành cơ khí, ngành nông nghiệp, ngành cao su, nghề làm đẹp...
7. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề
Để tranh thủ thời cơ dân số vàng, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 28/5/2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, trong đó yêu cầu các bộ, ngành địa phương tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ... thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động. Chú trọng nội dung phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trong các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển ngành, địa phương; ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho giáo dục, đào tạo và trong các chương trình, dự án của ngành, địa phương; thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; tiếp tục triển khai các chương trình chuyển giao từ nước ngoài có hiệu quả để nhân rộng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
8. Thủ tướng Chính phủ quyết định Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam
Lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Quyết định lấy ngày 04/10 hằng năm là "Ngày kỹ năng lao động Việt Nam", nhằm kêu gọi cộng đồng hưởng ứng và ủng hộ phát triển kỹ năng lao động bằng các hành động cụ thể; tôn vinh và khẳng định tầm quan trọng của người lao động có kỹ năng, nhất là người lao động có tay nghề cao, kỹ năng nghề nghiệp xuất sắc; Thúc đẩy sự đồng hành, gắn kết của Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp và toàn xã hội trong phát triển kỹ năng cho người lao động thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đây chính là những thông điệp mạnh mẽ làm lan tỏa giá trị của kỹ năng nghề, tôn vinh lực lượng lao động có kỹ năng nghề cao và kêu gọi cộng đồng có trách nhiệm đối với phát triển giáo dục nghề nghiệp.
9. Giáo dục nghề nghiệp góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội bền vững
Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển giáo dục nghề nghiệp đã bám sát các lĩnh vực của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội; đặc biệt Tổ công tác của Bộ trưởng về gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững đã hoạt động tích cực, thúc đẩy gắn kết với doanh nghiệp tham gia vào quá trình tuyển sinh, đào tạo, và tuyển dụng, việc làm. Bên cạnh đó, triển khai các chính sách để phát triển giáo dục nghề nghiệp tiếp cận với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, tới các đối tượng chính sách, yếu thế, dể bị tổn thương với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau. Kết quả, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội bền vững.
Những kết quả quan trọng nêu trên mang tính lịch sử, tạo đà để giáo dục nghề nghiệp tiếp tục đổi mới, phát triển. Đánh giá về giáo dục nghề nghiệp Dự thảo văn kiện trình Đại hội 13 của Đảng khẳng định, Giáo dục nghề nghiệp có nhiều chuyển biến, chất lượng được nâng lên và đạt thành tích cao trong các kỳ thi tay nghề quốc tế. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo theo đặt hàng. Nhiều doanh nghiệp mở các cơ sở đào tạo nghề nghiệp phục vụ trực tiếp cho doanh nghiệp và cung ứng cho thị trường.
Bước sang giai đoạn mới, Dự thảo văn kiện trình Đại hội 13 của Đảng tiếp tục khẳng định, giáo dục nghề nghiệp sẽ là một nội dung trọng tâm trong khâu đột phá chiến lược về phát triển nhân lực, tiếp tục thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng theo hướng mở, linh hoạt; bảo đảm thống nhất với đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Hiện đại hóa và thay đổi phương thức đào tạo thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao. Xây dựng các cơ chế, chính sách và giải pháp để đào tạo lại lực lượng lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Có thể khẳng định Giáo dục nghề nghiệp đã tạo được niềm tin với xã hội và đang tích cực đóng góp sức mình phát triển kinh tế xã hội, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.