CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:56

Tạo đột phá trong Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030

Tạo đột phá trong Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giao đoạn 2021-2030 - Ảnh 1.

TS. Trương Anh Dũng - Trưởng Tiểu ban GDNN, Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN phát biểu khai mạc tọa đàm

Phát biểu đề dẫn buổi tọa đàm, TS. Trương Anh Dũng - Trưởng Tiểu ban GDNN, Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh: "Trong Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các nhà quản lý, nhà khoa học và chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến, nội dung liên quan đến vấn đề phát triển GDNN. Đây là cơ hội lớn đối với GDNN. Dự thảo văn kiện cũng chỉ ra GDNN là một trong ba đột phá chiến lược phát triển nguồn nhân lực, trong đó nhấn mạnh việc hiện đại hóa và đổi mới phương thức đào tạo của GDNN. Buổi tọa đàm này nhằm bàn tới chiến lược phát triển GDNN, qua đó tìm ra các giải pháp và xác định các đột phá của hệ thống.

Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp được coi là "sợi dây" xuyên suốt, làm cơ sở, định hướng để thúc đẩy sự phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong thời gian 10 năm tới. Đây là sự tiếp nối của Chiến lược dạy nghề, được thực hiện trong bối cảnh mới, đáp ứng yêu cầu mới của nền kinh tế và hội nhập quốc tế. Mục tiêu hướng đến của Chiến lược là hình thành, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp phù hợp theo hướng mở, linh hoạt, chất lượng, hiệu quả, dễ tiếp cận, công bằng, bền vững; tạo chuyển biến mạnh mẽ chất lượng, hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cả về số lượng, cơ cấu, chất lượng cho doanh nghiệp, thị trường lao động, gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Chiến lược cũng hướng đến mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.

Tại tọa đàm, bà Khương Thị Nhàn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Tổng Cục GDNN) trình bày Dự thảo chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, GDNN đặt ra một số yêu cầu cần đổi mới để phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030, đó là: Tăng quy mô và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo; phát triển GDNN mở và linh hoạt; chuyển đổi mô hình đào tạo truyền thống sang gắn kết doanh nghiệp, doanh nghiệp phải là nhà trường thứ hai; đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, trong đó có tự chủ tài chính các cơ sở GDNN công lập là xu hướng không thể đảo ngược; chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn nữa trong quản lý, điều hành và tổ chức đào tạo.

Bà Nhàn cho biết thêm, có hai phương án của chiến lược phát triển GDNN: đưa ra chỉ tiêu cụ thể và không đưa ra chỉ tiêu cụ thể.

Với phương án đưa ra chỉ tiêu, hệ thống GDNN ước tính trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tuyển sinh khoảng 19,8 triệu người; trong đó trình độ sơ cấp nghề và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 16,620 triệu người, trình độ trung cấp là 1,85 triệu người, trình độ cao đẳng là 1,35 triệu người.

Trong số này ít nhất có 85% số người sau khi học nghề có việc làm đúng nghề và trình độ đào tạo hoặc làm việc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% trong tổng lực lượng lao động, trong đó có 35% có văn bằng, chứng chỉ.

Giai đoạn 2025 - 2030, tuyển sinh hàng năm đạt 6,3 triệu người; cả giai đoạn 2025 - 2030 tuyển sinh khoảng 29,1 triệu người; trong đó trình độ sơ cấp nghề và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 25,4 triệu người, trình độ trung cấp là 2,225 triệu người, trình độ cao đẳng là 1,475 triệu người.

Đồng thời, ít nhất 90% người học sau khi tốt nghiệp có việc làm theo đúng nghề, trình độ đào tạo hoặc làm việc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75% trong tổng lực lượng lao động, trong đó 40% có văn bằng, chứng chỉ.

Tạo đột phá trong Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giao đoạn 2021-2030 - Ảnh 2.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Góp ý về các yêu cầu đối với giải pháp đột phá trong Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhiều đại biểu cho rằng phát triển con người là nền tảng cốt lõi, cũng là mục tiêu cao nhất của phát triển Giáo dục-đào tạo, là yếu tố quyết định cho mọi sự phát triển. Bên cạnh đó các yếu tố khác cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển như đầu tư, tư duy quản lý hệ thống và quản trị nhà trường, tư duy đảm bảo chất lượng; đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo, trang thiết bị, chương trình... Các yếu tố này đều là các khâu trọng yếu của giáo dục nghề nghiệp, là nền tảng giúp cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp vận hành trơn tru, có tác động lan tỏa đến tăng năng suất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trên thị trường lao động trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, giải pháp đột phá cần tập trung vào giải quyết các "điểm nghẽn" của hệ thống giáo dục và giáo dục nghề nghiệp; đón bắt được thời cơ, hóa giải thách thức trong quá trình phát triển; phát huy, khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh; tạo động lực thúc đẩy phát triển, thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược phát triển giáo dục, chiến lược phát triển nguồn nhân lực...

Cho rằng một trong những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là con người, một số ý kiến nhận định: Trong bối cảnh giáo dục nghề nghiệp đang chịu sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cần chú trọng đến việc xây dựng chính sách phát triển nhà giáo theo hướng mở, đồng thời tái cơ cấu đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp theo sự thay đổi của cơ cấu ngành nghề đào tại, ưu tiên phát triển đội ngũ nhà giáo có năng lực nghề nghiệp; rà soát, đánh giá thường xuyên công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp đội ngũ nhà giáo....


VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh