CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:59

Đất mẹ - cõi sống nơi chở che cho ta lớn dậy và trở về

Cồn Sơn: Nổi trôi những thân phận

Hoàng hôn trên vùng Đồng bằng Nam bộ, ghi dấu nơi nỗi nhớ người xa xứ, trong kỷ niệm của du khách ngang qua xứ sở nổi tiếng với Sông lớn và Rừng sâu này, chính là những đàn chim bay về một miền hoang dã.

Liệu có còn cơm gạo mới gặt nấu trong lò củi có cháy thơm?

Chúng tôi đến Cồn Sơn, một cù lao nhỏ ở Cần Thơ và cũng được giới thiệu rằng, buổi chiều ở đây, chim bay về đẹp lắm, có khi cả ngàn con. Nhưng chúng tôi đến đây, không phải vì nghe tiếng Cồn Sơn có chim về, mà dường như nơi này, vẫn còn giữ được nguyên vẹn phần nào đời sống người dân đơn sơ thuở trước của miền Đồng bằng.

Đón chúng tôi từ bến đò Cô Bắc, cô gái trẻ tên Trân, làm bí thư Đoàn xã Bình Thuỷ ra tận đầu hẻm đưa vô. Cô gọi chị đưa đò. Giờ cô lái đò không còn khua chèo mà lái bằng vô lăng, sông nước vẫn đậm màu trời lẫn đáy. Đến Cồn, vừa bước đi vừa cảm nhận những ngọn gió mát thổi từ sông bao quanh. Trân nói: Cồn Sơn có 76ha đất nổi nhưng hiện nay đã bị bao vây khoảng 24ha ao cá. Trước đây, Cồn Sơn đủ năm không: không đường, không trường, không trạm, không điện, không nước. Có điện mới năm ngoái (2014) thôi. Nhưng đời sống dân bản xứ cũng mờ dần và có cơ may bị đẩy lùi ra xa bởi sự xuất hiện của những đầu máy ủi san bằng đất. Dân buôn địa ốc đã sang đây và chuẩn bị cho những đợt thôn tính mới.

Hiện Cồn Sơn còn 79 hộ dân với gần 400 khẩu. Trẻ em vẫn đi đò sang bến hàng ngày để đi học. Cô gái nhỏ đang học cấp 2 dẫn tôi đi coi vườn ổi gần nhà, nói: “Em không thích ở đây, buồn lắm, mà đi học xa nữa. Trường cấp 2 cách đây năm, sáu cây số. Cấp 3 còn xa nữa, tới mười cây số. Em ráng học khá giỏi để được lên thành phố học tiếp hoặc đi làm” – “Ở đây không chỗ nào cho các em sinh hoạt sao? Có nhà văn hoá không?” – “Ở đây có một trung tâm văn hoá của xã, nhưng chẳng có gì cả. Có cái tivi thì chỉ có cô chú ở đó coi, tụi em không được coi” – “Có sách đọc không?” – “Không ạ, thỉnh thoảng có mấy tờ báo” – “Vậy buổi tối các em chơi gì?” – “Đâu có gì chơi đâu, tối thì ở nhà coi tivi, học bài rồi đi ngủ thôi, vì sáng phải dậy sớm đi đò qua sông đi học”.

Trong lúc mấy chị làm bếp bắt cá ở ao lên làm món cá lóc nướng trui, thì các bạn Đoàn Thanh niên ngồi tước lục bình. “Món này gọi là “món ăn rục xương” đó!” – “Là sao?” – “Thì ngồi lặt lâu muốn rục xương luôn. Cái bông lục bình bự vậy, nhưng khi hái phải chọn lá non nhất. Rồi đem về lặt lại cũng phải lấy được cái lõi non nhất. Có điều, được ăn món này cũng bù lại cái công ngồi, vì đọt lục bình mà ăn mắm kho thì khỏi chê. Hay xào tép đồng ngọt thanh thơm bùi, mê ly”.

Chúng tôi ngồi ăn ở nhà Năm Hải, anh có 12ha đất, vừa ao cá, vườn cây ăn trái. Sau nhà còn có một ao sen nhỏ, “hồi trước hồ sen lớn lắm nhưng tui đổ đất trồng bưởi bán, cũng tiếc sen đẹp nên để lại có chút này thôi”. Chừng khoảng 100 mét hồ sen mà cũng có tiếng cá quẫy đuôi, mùa này đã đầu xuân mà sen nở đầy hồ, sen trắng, sen hồng như điểm xuyết những chấm sáng cho một mảnh đất có thể “đổi đời”.

Chúng tôi ăn cơm nấu trong nồi đồng, rượu ủ trong tro, món ngon dân dã ở nhà anh Năm, vội vã tận hưởng như đang sống ngày cuối. Trước khi từ giã, mấy bạn trẻ nói các anh chị giới thiệu bạn bè cho dân ở đây làm du lịch kiếm thêm thu nhập. Dù biết rồi nó sẽ mất, nhưng chúng tôi vẫn muốn níu giữ nó, trong cơn tuyệt vọng đồng khổ nói chung của những kẻ nhìn thấy trước cái chết của đất, mà không làm gì được.

Trở vào bờ, tối đó, đứa nào cũng lăn qua, trở lại. Riết rồi không chịu được bèn ngồi dậy nói tiếp chuyện Cồn Sơn. Nghe người dân ở đây kể, Cồn Sơn lúc đầu là một cù lao nhỏ, nước lũ chảy xiết bị bào mòn, sạt lở phần đầu cồn và chảy dài nên tụ lại ở đuôi cồn. Cũng có người khai phá đất ở đầu bị mất mấy hecta do lở. Nhưng bây giờ, có một cái mất khác, mà mất này do chính con người làm ra. Giờ nước sông Mekong không chảy xiết nữa do bị chắn dòng nên cồn đứng lại. Nhưng, cái mất bây giờ, lại là bị mất đất bởi những chính sách, bị chèn ép.

Bạn Cần Thơ kể: tui thấy Cồn Sơn nó giống như miếng da beo, người nhà giàu ở đâu tới dần đang nuốt chửng người nhà nghèo bản xứ. Vì vậy, Cồn Sơn hiện còn là do may mắn có các bạn trẻ yêu xứ sở nơi đây muốn giữ dân ở lại, nên tìm cách làm du lịch cho dân kiếm sống mà ở yên.

Nhưng cũng không chắc là còn có thể giữ được Cồn Sơn nếu nhà giàu đẩy giá lên cao quá, nhà nghèo họ sẽ buông và qua đô thị mua nhà sâu trong hẻm và rồi không có việc làm gì nữa, cứ ăn dần vào đồng tiền vô tri lấy ra từ đất buồn, cho đến đời con cháu thì không còn gì.

Chuyện vãn mà lòng không buông. Chúng tôi rủ nhau Tết này đưa gia đình, rủ bạn bè đi Cồn Sơn chơi, vì không còn bao lâu nữa, sẽ không còn cơm gạo mới gặt nấu lò củi có cháy thơm giòn để ăn. Và mau mau mà đi cho đầu lưỡi còn chút hương vị giọt mắm cá đồng.

 Gia lai: Già làng Bortơ biết rõ núi rừng

Những giọt nước mắt lăn dài trên má người đàn ông tuổi tám mươi. Trên gương mặt đã già nua với thời gian, còn duy nhất đôi mắt luôn hắt lên thứ ánh sáng khiến người ta bị lao vào trong tâm tưởng.

“Ngày xưa, người dân tộc... có một luật lệ, trong những ngày tháng ngoài mùa vụ, gạo chỉ để dành cho trẻ con và người ốm nấu cháo ăn. Vậy mà khi bộ đội đóng quân, thậm chí trẻ con và người ốm cũng không được ăn nữa, tất cả nhường cho bộ đội. Bây giờ, những người dân tộc ấy, họ vẫn ăn khoai sắn và bất hạnh thay, phải vào tận rừng sâu hơn nữa, tìm nguồn nước dù độc hơn nhưng vẫn phải tìm để sống, vì những người ngày nay đang xâm lấn từng tấc đấc, tấc rừng, xua họ đi vào sâu, sâu mãi...”

Người đàn ông dừng lại và ngưng nói, vì ông không thể vừa nói vừa khóc, cho nên, chỉ những giọt nước mắt ấy lên tiếng, rồi những giọt nước mắt khác cũng lên tiếng...

Điểm dừng chân đầu tiên của hành trình vào rừng với người dân tộc Gia Rai là một ngôi nhà khách. Một Bortơ đã ngồi đợi chúng tôi. Gương mặt ông khác với người Việt, bởi ánh mắt không lẫn vào đâu được. Cái nhìn ngơ ngác về thế giới khôn cùng, sự ngây thơ này người ở xứ sở mệnh danh là văn minh không giữ lại được, vì họ tự cho rằng mình đã biết quá nhiều thứ trên đời.

Nhưng người đàn ông có ánh mắt ngơ ngác ấy biết rõ một điều: mình quá nhỏ bé so với thiên nhiên; biết rằng sẽ còn rất nhiều những bí mật của đất trời mà một kiếp người hữu hạn với bộ óc cỏn con kia làm sao có thể nhìn xa hơn những ngón tay của thần linh. Đã có một đứa trẻ gắng sức lên tới đỉnh một ngọn núi sau một ngày mệt nhọc, khi lên đến nơi nó kinh ngạc thấy chung quanh còn có hàng ngàn ngọn núi khác, nó quay lại trách móc cha: “Cha ơi, con tưởng cha nói chỉ có một đỉnh núi, sao lên tới đây con thấy còn nhiều núi khác quá vậy!”

Trong khi đó, chỉ với một ánh nhìn, vị Bortơ kia cũng đã tự mình vượt qua bao nhiêu ngọn núi, cánh rừng để hiểu rằng, con người cần tìm nơi chốn cho mình để hoà hợp với thiên nhiên hơn là cố gắng sức với mọi thứ để chuốc lấy khổ đau, bệnh tật và dù vẫn cố muốn níu kéo cõi đời, thì họ cũng đang sa vào cái bẫy của những thứ phù phiếm để rút ngắn cái quyền được sống của mình chỉ vì lòng ham muốn.

Tôi hong khô tóc bên bếp lửa với cái bụng réo sôi. Bữa cơm ở rừng thật không có cảm giác gì giống như vậy, chúng tôi làm những động tác nhai và gắp. Việc ăn uống ở nơi này tựa như khi bạn nhìn một con vật tìm mồi rồi sau đó chẳng có gì lột tả được vẻ mặt an nhiên của một con thú khi đang cắn xé, nhai nuốt trọn một con mồi mà chúng bắt được, hạnh phúc, sung sướng, kiêu hãnh... thậm chí là cả khoái cảm của sự tàn sát... tất cả đều được giấu kín trong sự thinh lặng đáng kính trọng trong bữa ăn và cũng vì lẽ tự nhiên nó thế.

Nha Trang : Làm lữkhách trên quê hương mình

Trở về vì nhớ thương cồn cào, hẳn nhiên rồi. Nhưng trở về để thấy biển mặn trôi tuột dần khỏi quê hương, ngắm nhìn nỗi đau, rõ ràng là một sự phi lý tận cùng, rằng chúng ta đang sống và bị xé toạc vẫn bởi nỗi đau đó.

Đưa trẻ nhỏ đi thăm bảo tàng Nha Trang, nơi mà tôi hy vọng lưu giữ những gì còn sót lại của thành phố biển, như một câu chuyện xa xưa kể bằng hiện vật cho con trẻ dễ hình dung. Nhưng hoá ra nơi đây giờ gần như một cái kho chứa đồ cũ rất lộn xộn, lý do là đã nhiều năm nay, miếng đất vàng này đang trong diện quy hoạch. Biển đã được quy hoạch từ ngoài vào trong. Ra về, tôi tìm đến một người giữ bảo tàng trước kia hỏi chuyện, giờ chị đã nghỉ về bán tạp hoá. Chị nói một thôi, một hồi, không ngưng nghỉ: “Chị à, tôi không biết người ta muốn gì, nhưng chị thấy, ký cho một toà nhà, cao ốc, chung cư... thì rất nhanh, nhưng ký để xây dựng một bảo tàng thì như tôi kể cho chị, đã mười mấy năm nay, trải qua hai đời chủ tịch tỉnh rồi, nhưng ít ông nào muốn ký cho phát triển văn hoá. Theo như tôi nghĩ thì có hai lý do, thứ nhất, ký cho các công trình văn hoá thì không có xơ múi gì nhiều, “ăn” được rất ít. Thứ hai, cái gì đụng đến văn hoá dễ bị phiền lắm, vì cái chuẩn đẹp hay xấu bị nói ra nói vào nhức đầu, cho nên không ông nào muốn dây vào. Cuối cùng thì tất cả những gì liên quan đến văn hoá đều bị bỏ quên, hoặc đánh bài lờ, cho nên mọi thứ gọi là văn hoá – du lịch mới bị vướng vào tình trạng dở sống dở chết thế này đây”.

Người ta không muốn bị dây vào, nhưng người ta vẫn sớm mai xuống tắm biển vô tư, đi chợ tìm cá tươi mua bằng mọi giá, đêm đêm chở nhau hóng gió biển và còn ca ngợi “sóng vỗ rì rào cho thuyền anh ra khơi, tôm cá đầy khoang”. Nhưng những con thuyền ra khơi không chỉ chở tôm cá đầy khoang, mà còn chở cả những hoang mang, những rủi ro bất trắc có thể lấy đi cuộc đời ngư dân bất cứ lúc nào nếu gặp “tàu lạ”.

Ngư dân, mong muốn sự trở về là chút ánh sáng dấy lên từ niềm tuyệt vọng trải dài đầu sóng biển âm u, là người thân ngóng chờ từ đầu bờ trong ngôi nhà nhỏ có bóng mẹ già,vợ hiền và con thơ.

Và, liệu họ có dự cảm, sẽ đến một ngày, con thuyền ấy, sẽ chở đầy lữ khách vong thân ngay trên chính quê hương mình.

"Dẫu vậy, dù núi cao, biển mặn hay chốn cù lao cạn nguồn, chúng ta vẫn còn được gắn với đất mẹ, và phải gắn chặt nơi đất mẹ – cõi sống của chúng ta chính là đất: “đất là nơi chốn để sự lớn dậy sẽ trở về lại, và là chỗ chở che cho tất cả những gì đang lớn dậy. trong những gì đang lớn dậy, đất có mặt như kẻ chở che”. (Martin Heidegger)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh