THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:00

Nghỉ hè cho con về quê: Hướng trẻ thơ về với nguồn cội

Trải nghiệm tuổi thơ

 Đã 4 năm nay, năm nào vợ chồng anh Đào Quang Minh(quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng gửi con về quê nội khoảng một tháng. “Ông bà cả năm không mấy khi được gặp cháu, nên hè nào cũng ngóng cháu về chơi. Dù đã học lớp 1, năm đầu tiên được bố mẹ cho về quê, cháu cứ như gà công nghiệp, nhìn thấy cây gì, con gì cũng lạ lẫm không phân biệt được trâu với bò.

Nhưng sau mỗi kỳ nghỉ hè, bé lại biết thêm một cái mới, học được nhiều điều từ thiên nhiên. Cu cậu thậm chí còn kể vanh vách chuyện tát ao ra sao, phân biệt các loại cá như thế nào, rồi chuyện vòng đời sinh trưởng của ếch, của ve…  Nếu học qua sách vở chắc gì đã nắm được mà có trả lời được cũng chỉ như con vẹt”-anh Minh kết luận.

 Một lần nghe cô con gái học lớp 3 tả con gà lại nhầm sang con vịt, tối nào gà cũng đẻ một quả trứng, hàng ngày bơi dưới nước....chị Dung (quận Cầu Giấy, Hà Nội) giật mình trong cách nuôi dạy con. Ngày nào cô con gái cưng cũng được bố mẹ “cơm bưng nước rót”, đưa đón học chính, học thêm đủ cả, nhưng thứ con thiếu là những kiến thức thực tế.

Trong khi đứa cháu con chị chồng bằng tuổi con học ở quê, nhưng năm nào vẫn đứng đầu lớp. Những bài toán khó ở thành phố con chị mang về cháu vẫn giải được. Thậm chí đọc văn của cháu, chị mới thấy hết ngôn từ của cháu phong phú. Từ bài văn tả cơn mưa, tả mùa thu, mùa hạ hay kể về người thân trong gia đình cháu đều dùng từ rất chính xác.

Về quê, trẻ được trải nghiệm cuộc sống, tham gia những trò chơi dân gian.        (ảnh minh họa)

Đó là điều mà con chị có đầu học thêm hay gia sư vẫn không có được. Nghĩ ngợi vài hôm, chị Dung quyết định hè này sẽ cho cô công chúa về quê, vừa có cơ hội được chơi với ông bà, lại được khám phá thiên nhiên, trải nhiệm cuộc sống.

Năm ngoái nghỉ hè, Bun được mẹ cho về quê cả tháng vì không ai trông.  Bun khá hiếu động, nghịch ngợm và khi được về quê thì chẳng khác nào “thả hổ về rừng”. Ngày đầu về, thấy con thích thú chạy nhảy khắp nơi, anh chị yên tâm gửi con cho ông bà. Qua điện thoại biết Bun khỏe, ăn ngủ ngoan nên bố mẹ yên tâm làm việc.

Hết tháng hè,  Bun được mẹ về đón lên thành phố để tiếp tục đi học. Chị Hiền-mẹ của Bun xót xa nhìn con lấm lem bùn đất, bẩn bẩn, gầy rộc đi vì gặp trục trặc tiêu hóa, nhưng ông bà nội bảo: “Trẻ con đứa nào chẳng vậy, uống búp ổi là hết ngay”. Nhìn bà cho cháu ăn, chị hiểu ra ngay vấn đề, bà bế rong bé đi khắp đầu làng cuối xóm, bà thoải mái đặt bát cơm của cháu ngay cạnh chuồng lợn, hay dỗ cháu ăn bằng cách bế ra xem trâu bò kêu… 

Chị biết ông bà rất yêu cháu thương con, nhưng cách làm của ông bà không ổn. Chị góp ý mãi nhưng bà không nghe. Bà nội lại bảo: “Xưa bố thằng Bun cũng ăn mãi ở chuồng lợn có làm sao đâu! Chúng nó vẫn lớn như thổi”. Cả nhà đang quây quần ăn chị suýt phun cả cơm khi nghe Bun văng tục: “Tiên sư thằng Bi”, khi thấy Bi-anh họ của bé đang tung tẩy đi học về. 

Chị Hiền đang định đét thẳng tay vào mông Bun thì bà ngăn lại: “Con làm gì thế, trẻ con biết gì?”. Nói xong, cả hai ông bà cùng rung đùi cười: “Thằng này được, học nhanh vào. Bố tiên sư bọn trẻ, giờ cái gì cũng nhanh nhạy". Thấy ông bà cười, chị hiểu, tại sao chỉ tròn tháng ở quê, con đã biết nói bậy.

Cần trang bị kỹ năng sống

Năm ngoái, anh Huy (quận Thanh Xuân Hà Nội) quyết định cho con gái về quê một tháng với ông bà. Mấy hôm đầu, con khóc i ỉ khi thấy mẹ  gọi điện về: “Mẹ ơi, ở đây nhiều muỗi quá, ti vi không có kênh hoạt hình Bibi. Chẳng có món gà rán KFC....”. Rồi gần 4 tuần, bố về đón con cho kịp lịch học thêm với các bạn. Không thể nhận ra “sản phẩm” của một tháng hè.

Con đen nhẻm, người rắn rỏi, không còn giống cô công chúa da trắng như trứng gà bóc của mẹ. Con hồ hởi khoe chiến tích của mình: “Bố ơi, chuồn chuồn cắn rốn dạy con bơi. Chị Nhi dẫn con lên đê thả diều mát lắm, con biết câu cá nhé. À, con của con bò là con bê nhưng ở đây gọi là con me bố ạ.....” .

 Theo anh Huy, ở quê hay thành phố đều có nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Vì thế trước lúc đưa con về quê bố mẹ cần trang bị những kiến thức kỹ năng sống cơ bản để trẻ có thể thích nghi với môi trường mới, nhận diện nguy hiểm và biết cách xử lý một số tình huống cơ bản. Đồng thời dặn ông bà để ý đến trẻ nhất là an toàn sông nước, chạy nhảy hay khi chơi với vật nuôi. Thậm chí, ở quê vẫn nấu ăn bằng bếp lửa, mình phải dạy con tuyệt đối không nghịch lửa để đảm bảo an toàn....

Tiến sỹ tâm lý Nguyễn Kim Quý cho rằng, cho trẻ về quê là một trải nghiệm cực kỳ thú vị. Việc làm này giúp trẻ gắn bó với quê hương, hướng trẻ trở về với nguồn cội, cho trẻ thấy được những người quanh mình sống như thế nào. Ở đó, trẻ sẽ được tận mắt thậm chí sờ bằng tay để  biết cây lúa, cây ngô, cây khoai, cây sắn; biết lợn, gà, chó mèo, trâu bò…

Đây là những điều mà trẻ thành phố chỉ được nhìn thấy qua tranh ảnh, sách vở. Việc cho trẻ về quê cũng cần có thời gian đủ dài, vì nếu bố mẹ chỉ cho con về quê theo kiểu chớp nhoáng sáng đi chiều về thì sẽ không có tác dụng gì nhiều. Tuy nhiên việc để trẻ ở lại quê quá lâu mà không có kế hoạch cụ thể sẽ khiến trẻ dễ nhàm chán, điều này khiến chúng sẽ không thích về quê. 

Bà Kim Quý cho rằng, trước khi để con ở lại quê, bố mẹ cần kể cho chúng nghe về những kỷ niệm, những việc làm của mình thời nhỏ. Từ đó vẽ cho chúng thấy cái thú vị đằng sau những việc làm ấy. Sau đó, cần có sự phối hợp với người thân ở quê vạch ra thời gian biểu cụ thể mỗi ngày cho trẻ. 

Bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt như: Quét nhà, cho gà ăn vào buổi sáng sớm, ra vườn hái rau buổi trưa, buổi chiều có thể cho đi thả diều… Khi trẻ dần quen với cuộc sống nơi thôn dã có thể cho trẻ theo người lớn ra đồng, cho đi chăn vịt, chăn trâu cùng với các anh chị hoặc chiều về có thể cho đi tắm sông có người lớn đi kèm.

Khánh Vân

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh