THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:27

Đào tạo nghề cho LĐNT Vĩnh Long: Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giảm nghèo

* Là người nhiều năm liền gắn bó với chương trình giảm nghèo của Vĩnh Long,  xin bà cho biết một số nhận xét sau 4 năm thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy về “giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011- 2015”?

- Chương trình hành động của Tỉnh ủy về “giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011- 2015” của tỉnh Vĩnh Long đã mang lại những kết quả quan trọng. Từ năm 2011- 2014, Vĩnh Long đào tạo nghề cho trên 136.700 LĐ, giải quyết việc làm cho gần 110.000 LĐ, đạt trên 83% mục tiêu chương trình; xuất khẩu LĐ đạt hơn 1.800 người. Đến cuối năm 2015, chương trình phấn đấu đạt mục tiêu đào tạo nghề cho 36.900 LĐ (trong đó có 14.700 LĐ nông thôn); 27.000 LĐ được giải quyết việc làm; giảm gần 4.000 hộ nghèo (đạt tỷ lệ 1,1% so với tổng số hộ dân).

Tỉnh đã hỗ trợ gần 8.621 căn nhà ở cho người nghèo và các chính sách đặc thù đối với hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở vùng khó khăn được thực hiện đúng quy định. Đến cuối năm 2014, tỉnh còn gần 9.800 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,54% so tổng số hộ dân. Tỷ lệ thoát nghèo bình quân hàng năm 1,56%.

Bà Nguyễn Thị Lành.

* Mỗi huyện, xã có những đặc thù khác nhau, lợi thế và khó khăn riêng biệt. Do đó, trong quá trình thực hiện giảm nghèo bền vững, địa phương cần chú trọng điều gì, thưa bà?

- Năm 2015, Vĩnh Long phấn đấu giảm từ 1- 1,3% hộ nghèo. Để đạt mục tiêu trên, tỉnh đã triển khai các mô hình giải quyết việc làm và giảm nghèo có hiệu quả; đây là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành của tỉnh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung thực hiện các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới. Các cấp, ngành của tỉnh sẽ huy động nhiều nguồn lực xã hội chăm lo đối tượng hộ nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo hưởng đầy đủ các chính sách: Trợ cấp xã hội, nhà ở, vay vốn... thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo nhất là đối với các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc.

Đồng thời, tập trung ưu tiên thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, khuyến khích người nghèo tự vươn lên thoát nghèo.

Sau Chương trình hành động của Tỉnh ủy về “giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011- 2015”, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai chương trình đến năm 2020. Ngoài việc giải quyết việc làm và giảm nghèo, Chương trình còn góp phần ổn định chính trị - xã hội, tạo tiền đề để phát triển tốt hơn trong giai đoạn mới.

* Thưa bà, để thực hiện hiệu quả những điều nêu trên, trong thời gian sắp đến, tỉnh thực hiện những phương hướng, giải pháp như thế nào?

- Tăng cường công tác tuyên truyên các chính sách, chương trình và dự án giảm nghèo bền vững, các chính sách đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp chính quyền cùng với người dân để kết hợp thực hiện. Huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp đến cộng đồng và nguồn lực từ bản thân người nghèo để làm tốt công tác giảm nghèo.

Lớp học may của LĐNT tỉnh Vĩnh Long.

- Tổ chức rà soát kỹ để đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo chính xác. Phân loại hộ nghèo bảo trợ xã hội để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Tổng hợp kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020; triển khai đầy đủ, đồng bộ các chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo: nhà ở, y tế, giáo dục...

 - Đa dạng hoá các hình thức, các phương pháp dạy nghề phù hợp với đối tượng học nghề và yêu cầu sản xuất; nhân rộng các mô hình dạy nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; dạy nghề cho lao động nông thôn;  xuất khẩu lao động... Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa dạy nghề với thị trường lao động ở các cấp (cả nước, vùng, tỉnh, huyện, xã) để đảm bảo cho các hoạt động của hệ thống dạy nghề hướng vào việc đáp ứng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của người sử dụng lao động và giải quyết việc làm.

 - Đẩy mạnh công tác hướng dẫn, điều hành việc nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nhà xưởng và trang thiết bị dạy nghề, tăng cường đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý ở các trung tâm dạy nghề cấp huyện còn lại của tỉnh, chọn lọc đầu tư có trọng điểm về cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các trung tâm để đào tạo một số ngành nghề có tiềm năng phát triển ở địa phương và phục vụ có hiệu quả cho thực hiện Đề án dạy nghề cho LĐNT đến năm 2020.

* Xin cám ơn bà!

NGỌC THIỆN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh