THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:28

TP. Cần Thơ: Hơn 23.500 lao động nông thôn được đào tạo nghề

Đẩy mạnh công tác đào tạo

Nhận thức rõ vai trò và ý nghĩa của đào tạo nghề cho LĐNT, Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ đã chú trọng, tích cực nâng cao tay nghề cho LĐNT giúp nông dân trang bị kiến thức về khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu. Đồng thời, góp phần giải quyết được nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp, từng bước đáp ứng sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương. Mặt khác, qua học nghề đã giúp nông dân tiếp cận với ngành nghề mới, thêm cơ hội việc làm, tạo điều kiện cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong 5 năm qua (2011 - 2015), toàn tỉnh đã tổ chức 697 lớp đào tạo nghề cho LĐNT, trong đó có 11 lớp với 456 học sinh trình độ trung cấp nghề; 686 lớp, với 23.052 học viên trình độ sơ cấp nghề và dưới 3 tháng được phân theo 2 nhóm: Nhóm nghề nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản), nhóm nghề phi nông nghiệp (các nghề thuộc ngành công nghiệp; tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ) giải quyết việc làm cho 9.957 LĐNT làm việc trong các ngành công nghiệp - dịch vụ góp phần giảm tỷ trọng lao động thuộc ngành nông - lâm - thủy sản xuống khoảng 26%.

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ trao Bằng khen cho cá nhân làm tốt công tác đào tạo nghề cho LĐNT.

Với 37 cơ sở tham gia dạy nghề cho LĐNT đã tổ chức đào tạo 23.508 người, trong đó: Đối tượng thuộc diện được chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, dân tộc thiểu số, hộ bị thu hồi đất canh tác (nhóm 1) là 2.251 người chiếm 9,58%; hộ cận nghèo (nhóm 2) là 1.562 người chiếm 6,65%; LĐNT còn lại (nhóm 3) là 19.665 người chiếm 83,65%. Các cơ sở dạy nghề đã tổ chức đào tạo 50 nghề, tổ chức ký kết hợp đồng đào tạo theo hình thức 3 nhà: Nhà nước, nhà trường, và doanh nghiệp với 4 doanh nghiệp. Tỷ lệ lao động chuyển đổi từ lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp sau học nghề đạt khoảng 5,54%.

Đến những thành quả thiết thực, nổi bật

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Đề án 1956, hầu hết các mô hình thí điểm đều phát huy tác dụng. Đơn cử như, năm 2011, triển khai 4 mô hình dạy nghề nông nghiệp và 5 mô hình dạy nghề phi nông nghiệp ở 8/9 quận, huyện với 325 người học. Kết quả khảo sát, số người học xong tự tạo việc làm đạt 80% và số người đi làm tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đạt 65%.

Từ năm 2012 - 2015, tổ chức 42 mô hình, trong đó có 18 mô hình thuộc nhóm nghề nông nghiệp và 24 mô hình thuộc nhóm nghề phi nông nghiệp với 1.470 người được đào tạo. Các mô hình thí điểm sau một thời gian triển khai đã cho kết quả rõ rệt như mô hình kỹ thuật trồng lúa năng suất tăng từ 15 - 20%, mô hình trồng nấm (Vĩnh Thạnh) giúp tận dụng thời gian nhàn rỗi của nhà nông và nguyên liệu từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và khai thác cây công nghiệp... Các mô hình phi nông nghiệp điển hình như mô hình đan đát (Phong Điền;) nghề xây dựng (Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh) cung cấp nguồn lao động có tay nghề cho nhiều doanh nghiệp xây dựng. Đặc biệt, một số lao động đã chủ động thành lập tổ, đội tự nhận thầu và trực tiếp xây dựng các công trình quy mô vừa và nhỏ.

Các tổ hợp tác sản xuất được hình thành tại các xã Tân Thới (huyện Phong Điền), xã Trường Thắng, Xuân Thắng, Trường  Xuân... (huyện Thới Lai) và phường Phú Thứ (quận Cái Răng) góp phần giải quyết việc làm cho 250 người, thu nhập bình quân từ 2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt với mô hình kinh doanh cây cảnh ở quận Bình Thủy và  Thốt Nốt, tổng doanh thu 396 triệu đồng. Trong đó, doanh thu của 21 hộ xã viên là 1,68 tỷ đồng, doanh thu của 55 hộ không tham gia tổ hợp tác là 2,24 tỷ đồng.  

Thực hiện các mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm, hằng năm các HTX Quốc Noãn,  Phú Thọ đã tạo việc làm cho lao động nữ với thu nhập từ 2 -2,5 triệu đồng/tháng. Sau khi hoàn thành các khóa đào tạo, cơ sở may Cẩm Loan (quận Ô Môn) đã giải quyết việc làm cho 100% lao động thuộc diện di dời giải tỏa, triển khai 5 dây chuyền may công nghiệp, giải quyết việc làm tại chỗ cho gần 250 lao động nữ.Từ những kết quả thiết thực trong việc đào tạo nghề cho LĐNT đã tạo niềm vui cho LĐNT trong tỉnh. Trong thời gian sắp tới, Ban chỉ đạo tiếp tục đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn, thực hiện tốt các mô hình, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp nông thôn theo định hướng phát triển của thành phố, đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh