THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:02

Bắc Kạn: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn với thị trường lao động

 

Học viên Trường Cao đẳng nghề dân tộc nội trú Bắc Kạn trong giờ thực hành.

 

* Cuộc cách mạng 4.0 đang đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng với yêu cầu hội nhập, vậy ông đánh giá như thế nào về nguồn nhân lực của Bắc Kạn?

- Theo thống kê thị trường lao động năm 2015, 2016 tại Bắc Kạn cho thấy, số người trong độ tuổi lao động của tỉnh khoảng 193.125 người (chiếm 62,63% dân số). Cụ thể, nhóm lao động chưa qua đào tạo 115.853 người (59,98% lực lượng lao động); công nhân bên ngành kỹ thuật không có bằng 46.151 (chiếm 23,89 %); số lao động được đào tạo trường lớp 31.121 (chiếm 16, 21 %). Điều đó cho thấy cơ cấu lao động địa phương còn yếu kém về trình độ sản xuất, chưa đáp ứng chất lượng nguồn lực lao động. Thêm đó lĩnh vực lao động làm việc trong khu vực công nghiệp, dịch vụ chiếm tỉ lệ thấp (dịch vụ 20,51 %; công nghiệp 7,69 %); khu vực lâm nghiệp, nông nghiệp chiếm tới 71,8%. Vì vậy việc đào tạo nghề cho lao động có chuyên môn sâu đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp là đòi hỏi bức thiết hiện nay đối với địa phương.

*Được biết, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bắc Kạn đã đề ra mục tiêu phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 20.000 lao động bình quân mỗi năm giải quyết thêm 5.000 việc làm. Vậy Bắc Kạn đã triển khai những giải pháp như thế nào để thực hiện mục tiêu này thưa ông?

Nhằm thực hiện mục tiêu, tỉnh Bắc Kạn đề ra các nhiệm vụ chủ yếu và xác định rõ đối tượng, phạm vi điều chỉnh và đưa ra các giải pháp, cơ chế chính sách để đảm bảo thực hiện có hiệu quả như: Tạo việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội (trong đó phát huy chính sách việc làm công); Thông qua việc hỗ trợ vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm; Hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; Hỗ trợ phát triển thị trường lao động; hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp.

Đồng thời, gắn việc thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” với chương trình xây dựng nông thôn mới. Xây dựng cơ chế xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề hàng năm trên cơ sở nhu cầu của thị trường lao động, năng lực đào tạo nghề và tỷ lệ người tốt nghiệp có việc làm của cơ sở dạy nghề. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá đào tạo nghề, tăng cường huy động các nguồn lực phát triển giáo dục nghề nghiệp. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong xã hội để phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị đào tạo nghề theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Tăng cường hợp tác, liên kết giữa các cơ sở dạy nghề với các cá nhân, doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng dạy nghề…

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 4.844/5.000 người, đạt 96,88 % so chỉ tiêu giao. Trong đó số việc làm qua phát triển kinh tế xã hội: 3.162 người; vay vốn giải quyết việc làm: 312 người; xuất khẩu lao động: 320 người/200 (đạt 150% so với chỉ tiêu giao; làm việc tại các khu công nghiệp khu chế xuất, doanh nghiệp trong và  ngoài tỉnh: 1.050 người. Tư vấn giới thiệu việc làm cho: 4.053 người/3.500 người đạt 115,8% kế hoạch; Giới thiệu việc làm cho 630 người/1.000 người  đạt 63 % kế hoạch.

 

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bắc Cạn Văn Phúc Thụ (đứng thứ 2 từ trái qua phải) làm việc với Trung tâm cung ứng và XKLĐ Thành Nam.

 

*Để đáp ứng với yêu hội nhập, thời gian tới Bắc Kạn cần có những giải pháp đột phá như thế nào trong công tác đào tạo nghề thưa ông?

- Thực hiện đề án “Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011-2020” đến nay, hệ thống trường, trung tâm, cơ sở đào tạo nghề có bước phát triển đáng kể với 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 2 trường cao đẳng; 1 trường trung cấp; 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện; 9 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng tốt việc mở rộng hình thức đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, thông qua các chương trình, dự án về đào tạo nghề của Chính phủ và các tổ chức trong và ngoài nước, nhiều hình thức đào tạo được tổ chức phù hợp với điều kiện của người lao động tại các địa phương, người dân được tham gia đào tạo ở nhiều cấp độ khác nhau.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao thời kỳ mới, hiện Bắc Kạn đã có chủ trương củng cố lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ví dụ như: Nâng cấp trường Trung cấp nghề lên Cao đẳng nghề, đề xuất trường Trung cấp Y lên thành cao đẳng để nâng cao thêm trình độ đào tạo. Bên cạnh đó, Bắc Cạn cũng triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề đáp ứng yêu cầu. Thực hiện chuẩn hóa cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo theo hướng tiếp nhận và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở vật chất, danh mục thiết bị đào tạo nghề chuẩn của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới đối với những nghề trọng điểm cấp độ quốc gia và khu vực. Tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng giáo viên, chương trình đào tạo làm sao phù hợp thực tiễn, người học nghề có thể sử dụng kiến thức trong thực tế, công tác quản lý học sinh trong quá trình cần phải thực hiện nghiêm túc.

Đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo, gắn đào tạo nghề nghiệp với thực tế sản xuất và đời sống. Xây dựng các chương trình, giáo trình và tài liệu giảng dạy theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng, phong cách làm việc chuyên nghiệp để hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học, đảm bảo liên thông giữa các trình độ đào tạo.

 Đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh và trên toàn quốc để đào tạo theo nhu cầu, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp. Mở rộng và nâng cao quan hệ hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp, nhằm tranh thủ các nguồn lực, triển khai các dự án, chương trình hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

NGUYỄN SÍU (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh