CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:04

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Cần theo yêu cầu sản xuất của nông dân

Những nguyên nhân để đào tạo chưa sát với nhu cầu

Thực tế hiện nay, chất lượng đào tạo có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, theo báo cáo của các huyện trên địa bàn Hà Nội, tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo nghề cho LĐ nông thôn bình quân đạt 82,5%, trong đó chủ yếu là LĐ tự tạo việc làm; số LĐ được doanh nghiệp tuyển dụng chỉ chiếm 10%.

Sở LĐ-TB&XH- cơ quan thường trực của thành phố Hà Nội, được giao tham mưu thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đào tạo nghề cho LĐ nông thôn đến năm 2020”, cho biết, phản ánh của cử tri về việc đào tạo nghề lâu nay còn dàn trải và có sự chồng chéo giữa các ngành là có cơ sở. Vì quá trình triển khai Đề án còn gặp khá nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể chưa đồng bộ, trong khi một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức được ý nghĩa của việc thực hiện quyết định này đối với công tác bảo đảm an sinh xã hội. Chưa kể, cho dù trước đó đã điều tra, khảo sát nhưng việc lựa chọn nghề đào tạo ở nhiều địa phương chưa đúng với nhu cầu của người dân, nhiều nghề chưa theo quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương.

Thêm nữa, có một thực tế là không ít trường hợp đi học theo phong trào hoặc chỉ để được nhận sự hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước (15.000 đồng/ngày học/người với đối tượng được ưu tiên). Thời gian đào tạo ngắn hạn (dưới 3 tháng), khả năng tiếp thu của các học viên không đồng đều, phần lớn học viên là lao động chính vừa học, vừa làm nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Phải đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu học nghề của lao động nông thôn.

Trong bối cảnh này, các trường dạy nghề cũng gặp nhiều khó khăn, Trường cao đẳng nghề công nghệ và Nông lâm Phú Thọ cho biết, để duy trì ổn định số lượng tuyển sinh và có bước phát triển mới, trường đã có những điều chỉnh hoạt động đào tạo phù hợp với biến động của thị trường, đáp ứng sự thay đổi trong thị hiếu học nghề. Vài năm gần đây, có những nghề trường không tuyển sinh được như cấp thoát nước, cơ điện nông thôn, gia công Thiết kế sản phẩm mộc, kế toán doanh nghiệp; Các nghề chăn nuôi, thú y, bảo vệ thực vật, công nghệ ôtô đang rất “nóng”, sinh viên ra trường tìm được việc làm ngay, nên nhà trường đã tăng cường liên kết để đào tạo. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh, sinh viên đặc biệt LĐ miền núi, nông thôn có việc làm sau học nghề đạt gần 80%.

Học nghề phải gắn với việc làm và doanh nghiệp

Đào tạo nghề là nhu cầu thiết thực đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của xã hội. Được đào tạo nghề cơ bản, người LĐ có nhiều cơ hội xin việc trong các môi trường làm việc chuyên nghiệp, thu nhập cao và cải thiện kinh tế gia đình. Thế nhưng, đối với địa phương còn nghèo, việc vận động người tham gia học nghề là vấn đề khó khăn. Bởi đa số NLĐ là LĐ chính trong gia đình, hoàn cảnh nghèo khó, nghề nghiệp không ổn định... nên người dân chưa tha thiết với nhu cầu học nghề.

Thực tế cũng cho thấy, quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá, và hội nhập quốc tế đã, đang và sẽ làm “dư thừa” một lượng LĐ nông nghiệp và đã tạo ra cầu về LĐ phi nông nghiệp. Một lượng LĐ nông nghiệp buộc phải chuyển sang các nghề khác tại nông thôn hoặc trở thành LĐ công nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, từ đây hình thành những xu hướng chuyển dịch, đồng thời hình thành các nhóm LĐ có nhu cầu khác nhau và do đó tạo ra những xu hướng trong đào tạo nghề cho LĐ nông thôn. Xu hướng dễ nhận ra nhất là từ nông dân sản xuất truyền thống trở thành nông dân sản xuất hiện đại. Đây sẽ là nhóm LĐ nông thôn có thể duy trì vị thế và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản khi tham gia TPP. Công tác đào tạo nghề cho nhóm đối tượng này cần cho họ thấy rõ được lợi ích cũng như khó khăn khi gia nhập thị trường nông sản thế giới. Với định hướng phát triển nông nghiệp xuất khẩu nên cần chú trọng đào tạo cho LĐ những ngành, nghề chế biến nông sản phẩm xuất khẩu, nhằm đáp ứng được yêu cầu LĐ của các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp hoạt động ở nông thôn. Theo xu hướng này, công tác đào tạo LĐ nông thôn có thể tận dụng các ngành thủ công truyền thống là thế mạnh của địa phương, hoặc định hướng phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp mới phù hợp với định hướng của địa phương...

Chung quy, dạy nghề cho LĐ nông thôn phải gắn với giải quyết việc làm cho người LĐ. Nếu không gắn được với việc làm thì người nông dân sẽ không tham gia học nghề nữa và nguồn lực xã hội sẽ bị lãng phí. Do đó, trong quá trình đào tạo nghề rất cần thiết có sự kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất để họ một mặt tham gia vào quá trình đào tạo; mặt khác có thể tạo cơ hội cho người học được tham gia vào quá trình sản xuất của doanh nghiệp từ khi còn học và sau khi học nghề xong là có thể làm việc được ngay với nghề nghiệp của mình.

THANH NHUNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh