Đạo diễn nói gì về cảnh nhạy cảm trong phim Thương nhớ ở ai
- Văn hóa - Giải trí
- 00:13 - 15/11/2017
Không thể phủ nhận ngay từ khi phát sóng, “Thương nhớ ở ai” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh đã thu hút được sự chú ý theo dõi của đông đảo khán giả. Được chuyển thể từ tiểu thuyết Bến không chồng (Dương Hướng), câu chuyện “Thương nhớ ở ai” hấp dẫn và thực sự trở thành món ăn lạ trên truyền hình. Tuy nhiên bộ phim lại đang nhận được không ít ý kiến trái chiều của khán giả. Trong đó phần lớn khán giả cho rằng bộ phim có những cảnh phản cảm, hở hang, không phù hợp phát trên sóng truyền hình quốc gia, khi mà khán giả đa dạng về đối tượng, trong đó có trẻ em...
Ngay trong trailer của phim “Thương nhớ ở ai”, những hình ảnh các cô thôn nữ mặc áo yếm không nội y, khoe lưng trần. Đặc biệt, chỉ qua 4 tập phim vừa phát sóng, khán giả đã chứng kiến cảnh nhân vật Hơn (Ngọc Anh) lộ rõ phần nhạy cảm khi mặc áo yếm không nội y chạy hớt hải chạy đến ông Vạn (Lâm Visay) xin cho chồng mình không bị giết trong ngày đấu tố, hoặc cảnh cô này nằm ngủ hở nguyên một tấm lưng trần...
Trước thông tin này, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho rằng, áo yếm của phụ nữ Việt Nam là một thiết kế tuyệt tác. Một hiện thân của cái đẹp vừa kín đáo, tinh tế lại vừa gợi cảm, tình tứ. Anh nhấn mạnh: “Ngày xưa, các cụ mặc thế nào thì bây giờ chúng ta mặc như vậy. Phụ nữ chỉ thực sự đẹp khi họ tự do. Sao lại bắt họ phải ở trong một khuôn phép, che đậy nào. Phim “Thương nhớ ở ai” phản ánh hoàn toàn chân thực, kể câu chuyện về thân phận người phụ nữ ở làng quê Bắc Bộ giai đoạn 1954 – 1975. Thời đó, người phụ nữ Việt Nam chưa biết áo ngực là gì. Nếu phản ánh không đúng thì là bộ phim giả tạo, thiếu sự chân thực”.
Trước câu hỏi liệu đây có phải là “chiêu” để hút khán giả, đạo diễn Lưu Trong Ninh cho biết, đây là phim có bối cảnh ngày xưa nên diễn viên phải theo yêu cầu của ê kíp và hoàn toàn không phải là cách để thu hút sự chú ý hay tranh cãi về bộ phim. "Những người nào tranh cãi về trang phục của các diễn viên là còn khá khắt khe trong vấn đề nhìn nhận nghệ thuật một cách tốt đẹp nhất. Cả ê kíp làm phim khi quyết định cho dàn diễn viên nữ không mặc nội y trong những cảnh quay đã có sự thống nhất của người phụ trách phục trang và diễn viên” - đạo diễn Lưu Trọng Ninh khẳng định.
Chia sẻ về phần phục trang trong “Thương nhớ ở ai”, đạo diễn Bùi Thọ Thịnh cho biết, cả ê kíp phải mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu về chất liệu, cách may quần áo thời kỳ đó. Cũng rất may mắn đoàn làm phim đã tìm được một số làng nghề vẫn còn giữ được cách dệt vải truyền thống và tìm ra được chất liệu. Khi có chất liệu rồi, việc thi công để lên được style của nhân vật, rồi khâu tay… là cả vấn đề để có được trang phục cho diễn viên. “Chúng tôi đã cất công sưu tầm những bộ trang phục áo cánh, áo tứ thân, áo the, yếm, khăn đội đầu… Những phác thảo này chỉ có thể tìm lại được từ các làng nghề” - đạo diễn Bùi Thọ Thịnh cho hay.
Diễn viên Thanh Hương trong một cảnh phim "Thương nhớ ở ai"
Không chỉ đạo diễn, các diễn viên tham gia bộ phim “Thương nhớ ở ai” cũng khẳng định, họ ủng hộ việc không mặc nội y trong phim này vì tôn trọng lịch sử. Khi mà trong phim, từng chi tiết nhỏ được ê kíp chắt chiu, xây dựng như cái áo sờn màu ra sao, cái xe đạp, bát đĩa... và mọi thứ đều được họa sĩ, phục trang cẩn thận, kỹ lưỡng cho đúng với bối cảnh thời những năm 50, 60 của thế kỷ trước thì việc mặc nội y là đi ngược với bối cảnh ấy. Diễn viên Trương Phương trong vai cán bộ Tý Hin trong phim cho rằng, dư luận có phần quá khắt khe. Ngày xưa thì làm gì có nội y mà bắt các cô gái thời bấy giờ mặc nội y như hiện đại. Hơn nữa tại sao dư luận không tập trung vào nội dung phim, hình ảnh, ý nghĩa của bộ phim mà cứ chăm chăm vào vòng 1 của diễn viên.
"Thương nhớ ở ai" là một bộ phim được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng; được đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh thực hiện trong suốt 3 năm. Trước “Thương nhớ ở ai”, đạo diễn Lưu Trọng Ninh từng thực hiện bộ phim điện ảnh “Bến không chồng”. Tuy nhiên, với bản truyền hình, các đạo diễn chỉ dựa vào kết cấu của tiểu thuyết còn kịch bản và hệ thống nhân vật hoàn toàn mới.
Bộ phim tái hiện sinh động cuộc sống ở một vùng quê Việt Nam nhiều năm trước với những người nông dân một nắng hai sương của làng Đông. Trải qua hai cuộc chiến, ngôi làng Đông vắng bóng đàn ông, chỉ còn những người đàn bà góa ngày ngày tụ tập ở bến nước đầu làng. Họ không chỉ chịu nỗi đau mất mát người thân, mà còn bị giam cầm, trói buộc bởi những định kiến hủ tục hà khắc, phải đè nén, chôn giấu những khát khao hạnh phúc cá nhân...