THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:28

'Thương nhớ ở ai': Tái hiện bi kịch của những phụ nữ thời hậu chiến

 

 

“Thương nhớ ở ai” là bộ phim được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh - người từng thành công với phiên bản điện ảnh “Bến không chồng” tiếp tục đồng hành cùng đạo diễn Bùi Thọ Thịnh trong dự án phim truyền hình “Thương nhớ ở ai”. Ông khẳng định, ở phiên bản truyền hình sẽ được làm mới hơn so với câu chuyện và đây sẽ là bộ phim hứa hẹn hấp dẫn với khán giả màn ảnh nhỏ. Đây cũng là một hướng đi mới của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) trong việc đổi mới dòng phim về đề tài nông thôn.

 

Cảnh trong phim "Thương nhớ ở ai"

 

Theo đạo diễn Lưu Trọng Ninh, “Thương nhớ ở ai” khắc họa số phận bi kịch của những người phụ nữ nông thôn thời hậu chiến. Làng Đông - bối cảnh trong phim là một làng quê Bắc Bộ điển hình. Trải qua hai cuộc kháng chiến, ngôi làng vắng bóng đàn ông, chỉ còn những người đàn bà góa ngày ngày tụ tập ở bến nước đầu làng. Thông qua những nhân vật như Nhân (Ngọc Anh đóng), Hơn (Hồng Kim Hạnh đóng), hay Hạnh (Trà My đóng)… câu chuyện phim đã tái hiện cuộc sống đau khổ của những người phụ nữ nông thôn. Họ không chỉ chịu nỗi đau mất mát người thân mà còn bị giam cầm, trói buộc bởi những định kiến, hủ tục hà khắc, phải đè nén, chôn giấu những khát khao hạnh phúc cá nhân.

“Trên tinh thần tiểu thuyết “Bến không chồng”, ở phim “Thương nhớ ở ai” được nâng cao. Những nhân vật như Đột, Quất, Nương, Thủy, Liễu… là những nhân vật được sáng tạo thêm để khắc họa rõ nét hơn những thân phận người phụ nữ, cũng như đời sống nông thôn những năm 60 - 70 của thế kỷ hai mươi. “Bến không chồng chỉ là cái cớ, tôi chỉ dựa vào kết cấu của tiểu thuyết, còn trong bộ phim của chúng tôi có hệ thống mới từ kịch bản cho tới các diễn viên" - đạo diễn Lưu Trọng Ninh chia sẻ.

 

 

Trong “Thương nhớ ở ai”, Nhân và Hơn là hai nhân vật nữ chính trong phim được trao cho hai cái tên chưa mấy quen thuộc với khán giả truyền hình: Ngọc Anh và Hồng Kim Hạnh. Tuy nhiên, theo đánh giá của các đạo diễn, họ đều vào vai rất tốt và “ra chất của nhân vật”. Bên cạnh đó, diễn viên Lâm Vissay đảm nhận vai Vạn trong “Thương nhớ ở ai” là một gương mặt Việt kiều  đã quen với những vai diễn phản diện. Đây có thể coi là một sự đổi mới táo bạo của phiên bản truyền hình. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã từng thể hiện vai Vạn trong “Bến không chồng”, nhưng lần này, trong “Thương nhớ ở ai”, ông chia sẻ kinh nghiệm diễn với Lâm Vissay. Ông muốn anh được tự do cảm thụ và thể hiện nhân vật theo cách của mình. Với ngoại hình nam tính, gai góc, cộng thêm lối diễn xuất phóng khoáng, Lâm Vissay hứa hẹn sẽ mang đến một hình ảnh Vạn mới, lạ.

Điều đặc biệt là hình ảnh nông thôn Bắc Bộ đẹp bình dị cũng là một điểm nhấn hấp dẫn của “Thương nhớ ở ai”. Xem phim, khán giả sẽ thấy cây đa, bến nước, sân đình, kho bãi… những không gian đậm chất làng quê Việt Nam. Để có được những hình ảnh đẹp và chân thực nhất, ê kíp sản xuất đã phải lặn lội đi khảo sát và quay phim tại 18 ngôi làng khác nhau.

 

 

Ngoài công tác quay phim tại các bối cảnh thực tế, bộ phim còn được hỗ trợ tối đa kỹ xảo. Có thể nói đây là bộ phim sử dụng nhiều kỹ xảo nhất từ trước tới nay của VFC. Việc đầu tư vào kỹ xảo được coi là yếu tố quan trọng để phục dựng những bối cảnh nông thôn vốn đã không còn nguyên vẹn sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa. Sự đầu tư kỳ công không chỉ về tiền bạc, chất xám của cả ê kíp. Hy vọng, “Thương nhớ ở ai” sẽ đem đến cho khán giả một một món ăn tinh thần hấp dẫn, với những hình ảnh nông thôn Bắc Bộ chân thực, đẹp và gần gũi nhất.

 

Đạo diễn, diễn viên trong phim "Thương nhớ ở ai" trong buổi họp báo ra mắt phim chiều 25/10

HUYỀN MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh