Đạo diễn Lê Lâm: Điện ảnh Việt Nam vẫn thiếu “hồn” dân tộc
- Văn hóa - Giải trí
- 21:34 - 22/06/2016
Đạo diễn Lê Lâm. ( ảnh: Internet)
PV: Là người am hiểu về phim điện ảnh Việt Nam, ông có nhận định như thế nào về phim điện ảnh Việt Nam đương đại?
- Điện ảnh Việt Nam hiện nay nhìn chung có đẹp hơn, có sự đầu tư tiến bộ hơn về mặt công nghệ, kỹ thuật. Tuy nhiên điều đó vẫn chưa đủ. Điện ảnh vẫn cần có một ngôn ngữ riêng. Một tác phẩm được gọi là đẹp đòi hỏi cần có một ngôn ngữ biểu đạt ấn tượng, mang tầm phách của dân tộc mình chứ không phải chỉ đẹp ở những cảnh quay sắc nét.
Một điều dễ nhận thấy ở điện ảnh Việt Nam đương đại có xu hướng Mỹ hoá, Hàn hoá quá nhiều sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006, mà không có chính sách bảo vệ văn hoá phù hợp. Phần đông các bộ phim tôi xem năm nay bắt chước họ quá nhiều. Điện ảnh Việt Nam vì thế mà thiếu đi cái hồn dân tộc, mất đi bản sắc riêng, đặc trưng riêng. Xu hướng này tạo ra một thị trường điện ảnh kiểu “đồ hộp”, “thực phẩm ăn liền”,…Vì thế, điện ảnh thiếu đi những tác phẩm nổi bật, có giá trị nghệ thuật cao.
PV: Theo ông, yếu tố ngôn ngữ nào vẫn còn thiếu trong phim điện ảnh Việt Nam đương đại?
Yếu tố ngôn ngữ trong điện ảnh rất quan trọng, góp phần quyết định một tác phẩm điện ảnh có thực sự là tác phẩm nghệ thuật hay không. Nó nằm ở góc quay, cảnh quay mang ngụ ý sâu xa của đạo diễn. Khi trở về Việt Nam quay “Đế chê tàn vụn”, tôi rất ấn tượng với phim “Cánh đồng hoang” của đạo diễn Hồng Sến. Phim không có nhiều đầu tư về kỹ thuật. Điều tạo nên sự khác biệt so với các bộ phim thời chiến khác đó là góc nhìn. “Cánh đồng hoang” nhìn đất nước mình từ trên trời xuống. Phim quay từ trên máy bay xuống trong khi các phim khác đều nhìn dưới góc độ trên mặt đất. Có lẽ ông là người đầu tiên có ý niệm nhìn đất nước mình từ trên cao, theo quan niệm, đó là cái nhìn của ông trời – người quyết định cho thân phận của những người trên mặt đất. Đó là cái nhìn của người đô hộ.
Trong một số phim Việt Nam, yếu tố hậu cảnh và tiền cảnh vẫn chưa được tách biệt một cách rõ ràng. Đây là lỗi điểm nhìn hiện thực. Một khi muốn dùng ngôn ngữ điện ảnh để biểu đạt thì phải nhận diện được cái quan trọng nhất trong khung hình là cái gì.
Trong một lần giảng dạy tại Đại học Hoa Sen, có một sinh viên đã chia sẻ với tôi rằng, bạn ấy xem phim Việt Nam hầu như không bao giờ thấy xúc động mặc dù nhân vật trong phim đang khóc. Thực ra chia sẻ của sinh viên này cũng là phản ánh của rất nhiều người với tôi. Điều này phản ánh một thực tế diễn viên Việt Nam vẫn còn “nghèo” cảm xúc, tâm trạng để diễn tả, biểu cảm một thái độ trong một hoàn cảnh đặc biệt; không có sự đối thoại với người xem. Do vậy phim không gây được ấn tượng, rung động cho người xem.
Bên cạnh đó, điện ảnh Việt vẫn chưa thực sự hấp dẫn, cuốn hút. Phần dựng còn quá bình an, chưa có sự náo động, trở ngại, chưa xem hết đã hiểu hết. Trong khi điện ảnh cần có sự lôi cuốn, hối thúc người xem xem tiếp, tìm hiểu tiếp. Tôi rất coi trọng điểm bí mật của khoảng trống giữa hai khung hình. Điểm ngắt giữa hai hình ảnh tạo ra một thế giới tuyệt vời. Bản thân người xem hiện diện trong đó và mỗi người cảm nhận theo những cách khác nhau. Ngoài khung trong điện ảnh không phải hình ảnh, âm thanh mà là độc thoại của khán giả. Họ nhớ lại hình ảnh cũ vừa trôi qua, suy ngẫm và đón đợi sự kiện tiếp theo ở hình ảnh kế tiếp theo những cảm xúc riêng. Tác phẩm có hay hay không, có lưu lại dấu ấn sâu đậm hay không nằm ở đó. Trong khi điện ảnh Việt Nam lại chưa thực sự quan tâm tới điểm này.
Điện ảnh cũng cần phản ánh đúng hiện thực đời sống xã hội, nói được cả cái “tôi” riêng và cái “ta” chung của xã hội để người xem tự soi chiếu bản thân mình trong đó. Nếu nhìn thấy thân phận của mình trong phim, họ sẽ yêu mến và nhớ nó lâu hơn. Trong khi đó, đối với đa số phim điện ảnh Việt, tôi nhìn phim nhưng phim không nhìn tôi.
PV: Hiện nay điện ảnh Việt Nam cũng hướng tới quảng bá du lịch đất nước. Theo ông điều đó có tạo nên ngôn ngữ riêng mang bản sắc dân tộc không?
- Điện ảnh đúng là phương tiện quan trọng để quảng bá hình ảnh đất nước. Khi một tác phẩm điện ảnh tiến đến các Liên hoan Phim quốc tế, tự khắc nó sẽ quảng bá đất nước, con người một cách hiệu quả nhất. Nhưng vấn đề quảng bá du lịch thì phim quảng cáo sẽ làm tốt hơn. Tôi nghĩ không nên nhồi nhét quảng cáo vào phim điện ảnh. Điều đó khiến phim điện ảnh không còn chất liệu, ngôn ngữ riêng. Không những không đẹp, không hay mà còn trở nên bế tắc hơn.
PV: Trong các tác phẩm của ông đều chú trọng đến vấn đề văn hoá, phong tục của Việt Nam. Đặc biệt gần đây nhất là sáng tạo có tính ẩn dụ - lồng ghép hình ảnh múa rối nước trong “Công binh – Đêm dài Đông Dương”. Như vậy, một tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật cao, có bản sắc riêng thì cần có yếu tố ẩn dụ, yếu tố văn hoá?
- Tôi luôn tâm niệm mình làm phim thì phải mang sáng tạo nghệ thuật, bản sắc của người Việt vào trong phim. Các tác phẩm nghệ thuật không bao giờ có quốc tịch. Một biên giới mới mở ra cho tác phẩm ấy chỉ khi nó sử dụng ngôn ngữ của nghệ thuật. Chỉ khi người nghệ sĩ có cái tâm, biết hướng về văn hoá, về cộng đồng dân tộc thì tác phẩm nghệ thuật ấy mới thực sự mang trong mình bản sắc. Với cương vị là một đạo diễn trí thức, tôi cho rằng sẽ thật đáng tiếc nếu một nền điện ảnh thiếu văn học, văn hoá. Khi ấy, điện ảnh không thể tồn tại lâu dài được.
PV: Lập nghiệp và sinh sống tại Paris nhưng ông không từ chối các sự kiện liên quan đến phim điện ảnh Việt Nam. Và còn là một trong những người giới thiệu điện ảnh Việt Nam ra ngoài thế giới. Ông vẫn đặt niềm tin vào một nền điện ảnh Việt sánh vai với điện ảnh thế giới?
- Tôi cho rằng điện ảnh Việt Nam nếu muốn phát triển nên có sự hợp tác với những nhà làm phim nước ngoài để được học hỏi nhiều hơn, nên tiến đến các Liên hoan phim Quốc tế để giới phê bình điện ảnh uy tín trên thế giới phê bình, giúp ta tìm ra ưu nhược điểm của mình. Nếu chỉ trông đợi vào tự phê bình trong nước không thì thật khó!
Tôi cũng đặt niềm tin vào môi trường điện ảnh trẻ hiện nay. Họ rất nhạy bén, năng động và có khả năng sáng tạo. Từ các thế hệ như Đặng Nhật Minh, Phạm Văn Khoa,… ngày nay có Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp và rất nhiều đạo diễn điện ảnh khác. Nếu tất cả chúng ta chịu nhìn nhận và thay đổi chắc chắn điện ảnh Việt sẽ có tương lai.
PV: Theo ông, các nhà làm phim điện ảnh Việt Nam cần trang bị những gì để có thể làm nên những bộ phim có giá trị?
- Tôi không muốn đưa ra một giải pháp hay một hướng đi nào cả. Tôi chỉ muốn nói các bạn trẻ rằng: Tôi chưa bao giờ coi làm phim là một nghề mà là một thí nghiệm, là việc chia sẻ kinh nghiệm của mình. Sáng tạo điện ảnh cũng như là làm tình. Chỉ khi trải nghiệm rồi mới có thể truyền cảm hứng đó cho người khác. Chỉ khi thí nghiệm rồi mới có thể trình diễn cho người khác xem. Nếu chỉ xem điện ảnh là một nghề để kiếm sống thì không thể tìm ra nghệ thuật đích thực được.
Nhà làm phim cần có trách nhiệm với nhân phẩm của mình. Làm phim không những là làm cho mình, nuông chiều mình mà còn mang lại lợi ích cho con người trong xã hội. Mỗi một bộ phim cần hướng đến một con đường mới, hình thức mới, nghệ thuật mới. Đừng rập khuôn theo những bài học cũ, đi theo con đường cũ. Chỉ như thế mới có thể có một tác phẩm điện ảnh đẹp đúng nghĩa./.
|